Nhiều đồ chơi độc hại xuất xứ từ Trung Quốc vẫn được bày bán khắp nơi - ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Thế giới cấm, ta thả nổi
Cuối tháng 5, Tổng cục Thanh tra giám sát chất lượng và kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ) cho biết gần 10% trong tổng số 242 mẫu đồ chơi trẻ em (ĐCTE) mà cơ quan này lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên tại nước này có dấu hiệu không an toàn. Có tới 20 đồ chơi trong số này không đạt tiêu chuẩn cho phép, trong đó có 3 sản phẩm bị nhiễm kim loại nặng như chì, crom.
Lực lượng QLTT TP.HCM đang đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát mặt hàng này. Chỉ trong 1 tuần cuối tháng 5 đội QLTT 3A - TP.HCM đã thu 7.738 cái ĐCTE (hộp ráp đồ chơi, xe, siêu nhân, thú...) do Trung Quốc sản xuất không có hóa đơn chứng từ tại quận 5 và 6. |
Bất chấp những cảnh báo trên, tại VN, ĐCTE từ Trung Quốc hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn tràn ngập. Khảo sát trên địa bàn TP.HCM, những mặt hàng như xe đạp, ô tô, búp bê, bộ ghép hình, siêu nhân... được bán với giá rất rẻ. Chỉ từ vài ngàn đến vài chục ngàn đồng/sản phẩm ở vỉa hè các tuyến đường Nguyễn Trãi, Điện Biên Phủ, CMT8, Trường Chinh... Dễ nhận thấy nhiều loại sản phẩm giống với các mẫu mà báo chí Trung Quốc đăng tin là có vấn đề về an toàn sức khỏe như nói trên.
Dạo qua khu vực chợ Bình Tây, vốn được coi là “thủ phủ” của ĐCTE xuất xứ từ Trung Quốc, có thể nhận thấy hàng Trung Quốc "lũng đoạn" thị trường này với đủ loại, kích cỡ, màu sắc... bày bán la liệt từ trong nhà ra tận vỉa hè, tràn xuống cả lòng đường.
Đồ chơi trẻ em xuất xứ từ Trung Quốc giá rẻ bán tràn lan tại TP.HCM ảnh: Hoàng Việt |
Nguy cơ biến thành “bãi rác độc”
Ngày 1.6, Trung Quốc đã chính thức cấm dùng chất bisphenol A (BPA - là chất phá hoại nội tiết tố, gây hiệu ứng trong tế bào) trong sản xuất đồ dùng ăn uống cho trẻ sơ sinh, thu hồi các sản phẩm liên quan có chứa chất này.
Theo ông Đỗ Ngọc Chính - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn tiêu dùng (Cescon - Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN), một khảo sát ngẫu nhiên của trung tâm này trên 16 mẫu bình sữa trẻ em, bình đựng nước uống học sinh bán trên thị trường TP.HCM thì 100% mẫu sản xuất từ Trung Quốc đều chưa rõ về tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa. “Các nhà quản lý và NTD cần đề phòng các nước đã và sẽ cấm lưu thông bình nhựa cho trẻ ăn làm bằng polycarbonate (có chứa BPA) sẽ bán phá giá sản phẩm này sang thị trường nước ta”, ông Chính lưu ý.
Về nguyên tắc, khi sản phẩm bất kỳ nào đó bị phát hiện có vấn đề ở nước ngoài thì ít nhất chúng ta cũng phải có biện pháp kiểm tra, xử lý. Nhưng hiện tại VN không nhiều tổ chức đủ năng lực kiểm định |
||
Ông Hoàng Lâm, PGĐ Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 |
||
Tiếp sau đó, Lâm Đồng đã phát hiện ly cốc thủy tinh Trung Quốc chứa hàm lượng kim loại nặng cực độc chì, cadimi... vượt chỉ tiêu tham khảo đến vài ngàn lần nhưng với lý do “quy định chưa có” nên đành bó tay. Các cơ quan này đã có văn bản kiến nghị, đề xuất lên cấp bộ, tổng cục. Tuy nhiên, đến nay sản phẩm nói trên vẫn “nhởn nhơ” trên thị trường.
Ông Hoàng Lâm, PGĐ Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, cho biết: “Về nguyên tắc, khi sản phẩm bất kỳ nào đó bị phát hiện có vấn đề ở nước ngoài thì ít nhất chúng ta cũng phải có biện pháp kiểm tra, xử lý. Nhưng hiện tại VN không nhiều tổ chức đủ năng lực kiểm định các thành phần độc hại hay các yêu cầu về cơ lý trong sản phẩm”.
Với tình trạng không quản nổi đầu vào và cũng không thu hồi nổi khi phát hiện sản phẩm có nhiễm độc như nói trên, đặc biệt là đối với hàng Trung Quốc, nhiều chuyên gia cảnh báo, VN có nguy cơ biến thành “bãi rác độc” của thế giới. Bởi trên thực tế, các nước châu Âu, Mỹ, Nhật, Canada, ngay cả các nước láng giềng như Malaysia, Singapore đã cấm hoặc kiểm soát nghiêm ngặt hàm lượng các kim loại nặng như cadimi, chì hay BPA... trong sản xuất đồ chơi, đồ dùng trẻ em. Tại VN, việc quản lý một số chất có nguy cơ tổn hại đến sức khỏe người sử dụng vẫn còn lỏng lẻo. Đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa ban hành quy định cấm hoặc quy định cụ thể hàm lượng một số chất như phthalate, BPA... trong sản xuất ĐCTE, bình bú trẻ em, bình đựng nước học sinh...
Và nguy cơ VN là điểm đến lý tưởng cho các mặt hàng bị thế giới cấm cửa là rất cao.
Hoàng Việt