“Văn học trẻ không thể là một thứ viễn mơ!”

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên 

"VĂN HỌC TRẺ KHÔNG PHẢI LÀ MỘT THỨ VIỄN MƠ!" 

SGTT.VN - Tại đại hội 11 hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội vừa qua (6.7), nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên tung ra bài tham luận Văn học nghệ thuật của lòng yêu nước gây được chú ý. Ông dành cho SGTT cuộc trao đổi về bài phát biểu này kết nối với sự kiện hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc sắp diễn ra. 

 
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên. Ảnh: nhân vật cung cấp

Trong tham luận, ông kêu gọi các nghệ sĩ hãy có những sáng tác mới hướng về thời sự Biển Đông, tỏ bày thái độ, trách nhiệm công dân khi lãnh hải đất nước đang bị Trung Quốc xâm phạm. Xin hỏi ngược lại: phải chăng giá trị nhập cuộc, phản kháng, thái độ trực diện về “thời cuộc” đang thiếu vắng đến mức báo động trong đời sống sáng tác văn học đương đại? 

Thi hào W. Goethe từng nói đại ý: thơ nào cũng là thơ thời sự, hiểu rộng ra là văn học nghệ thuật luôn bám sát cuộc sống, luôn đáp ứng nhanh nhạy những nhu cầu, đòi hỏi của con người trước mọi hoàn cảnh cuộc sống. Thời chiến tranh, văn học nghệ thuật của ta đã được hô hào và huy động sáng tác theo hướng này, và xét trên bình diện xã hội thì nó đã tác động mạnh mẽ, lớn lao đến công chúng. Thời bình hiện nay vẫn có biết bao những vấn đề thời sự liên quan đến sự yên ổn thường ngày của mỗi người và sự an nguy của xã hội, đất nước. Nhưng quả là nhìn vào văn học nghệ thuật hiện nay thì thấy hơi thở thời sự còn yếu ớt, cầm chừng. Vẻ như tinh thần nhập cuộc, dấn thân của văn nghệ sĩ không mạnh như trước. 

Bài phát biểu của tôi ở đại hội là tiếng nói trách nhiệm của một công dân, một người làm văn học trước một nguy cơ của đất nước và mong muốn văn học nghệ thuật hãy sáng tạo cho và vì lòng yêu nước của nhân dân. Thực ra, tôi nghĩ, trong lòng mỗi người làm văn học nghệ thuật ở Hà Nội và cả nước, ngọn lửa yêu nước thương dân chưa bao giờ nguội tắt cả. 

Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc sắp diễn ra trong bối cảnh thị trường xuất bản đang khó khăn, các trục trặc kinh tế, chính trị, dân sinh, văn hoá đang là những thách thức cho trang viết… Từng có mặt ở những hội nghị nhà văn trẻ trước đây, ông đoán là lần này những chủ nhân của hội nghị sẽ quan tâm điều gì nhất? 

Mỗi hội nghị nhà văn trẻ mở ra, các đại biểu được mời dự đều rất háo hức, nhiệt tình, đều mang chứa trong mình rất nhiều tâm sự thành thực và những ý nghĩ lớn lao muốn được trình bày, chia sẻ với bạn bè đồng nghiệp cùng trang lứa. Nhưng thường kết quả của hội nghị lại chỉ là sự vui vẻ của những cuộc gặp mặt mà không đặt ra được vấn đề gì lớn lao, bức xúc của người viết trẻ trước cuộc sống và trước trang viết ở thời kỳ của họ. Lỗi ở đây có phần của ban tổ chức, có phần của chính các đại biểu.

Cho nên ở hội nghị lần này, tôi sợ các nhà văn trẻ lại sẽ nói đủ mọi thứ mà không tập trung vào một thứ gì chủ yếu, quan trọng. Tôi mong muốn (chứ không phải là đoán nhé) các đại biểu sẽ nói về sự đi sâu vào cuộc sống để viết văn hay.

Là nhà phê bình, ông sẽ đến để nghe họ nói chứ? Thực tâm, ông chờ đợi điều gì từ một hội nghị chắc chắn sẽ “thành công tốt đẹp”?

Có chứ, tôi mong được đến, và tôi sẽ đến. Tôi chờ nghe các nhà văn trẻ nói thẳng, nói thật những suy tư, băn khoăn của họ về cuộc sống và văn học hôm nay, từ cái nhìn trẻ. Văn học nói chung, văn học trẻ nói riêng, không thể là một thứ viễn mơ, xa rời và thờ ơ với số phận nhân dân, dân tộc. Và tôi cũng muốn được trò chuyện, trao đổi cùng các bạn trẻ về chủ đề đó.

 Tôi sẽ nói với họ về thơ Lưu Quang Vũ ở độ tuổi hai mươi, khi đất nước chiến tranh, chàng trai thi sĩ đã kiên quyết: “Tôi chán cả bạn bè/ Mấy năm rồi họ chẳng nói được câu gì mới/ tôi bỏ ra đi, họ ngồi ở lại”.

 

Nguyễn Vinh thực hiện

 

Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc 2011 sẽ diễn ra từ 28 – 30.8 tại Tuyên Quang do ban Nhà văn trẻ của hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Hiện nay, các hội văn nghệ, hội nhà văn địa phương trong nước đang chọn lọc và đề cử đại biểu (dưới 35 tuổi, có tác phẩm được in, được giải thưởng, dư luận chú ý) tham dự hoạt động này.

Thông tin từ ban Nhà văn trẻ: “Sau mỗi kỳ đại hội Hội Nhà văn Việt Nam, việc phát hiện, tập hợp và bồi dưỡng lực lượng những người viết trẻ luôn là nhiệm vụ hàng đầu, cấp thiết, quy tụ vào hoạt động của hội Nhà văn Việt Nam, đi theo dòng chảy chính thống của dân tộc. Qua hội nghị nhằm phát hiện và bồi dưỡng những tài năng trong các lĩnh vực thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký, lý luận phê bình, dịch thuật; bổ sung cho đội ngũ hội Nhà văn Việt Nam, nhằm trẻ hoá hội; khơi gợi và nhận chân những giá trị đích thực; đồng thời kích thích sáng tạo đẳng cấp và chuyên nghiệp, thông qua những toạ đàm chuyên môn và các hoạt động, giao lưu trong hội nghị”.

Trong tháng 6 vừa qua, Hội nghị viết văn trẻ TP.HCM và Hội nghị viết văn trẻ quân đội cũng đã diễn ra.

 (Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị)

Đăng ký nhận bản tin

Đừng bỏ lỡ những tin nhắn ưu đãi độc quyền dành riêng cho bạn

{{productItem.Title}}
{{productItem.DescriptionOnlyText}}... Xem thêm
{{productItem.RealPriceStr}}₫    {{productItem.PriceStr}}₫
{{productItem.DiscountPercent}} %
Màu sắc:
  • {{item.Color.Name}}
Chọn kiểu dáng:
Size:
  • {{item.Name}}
{{productItem.HasGift}}
{{productItem.Type==1 || productItem==759 ? 'Sách này sắp phát hành' : 'Hàng này sắp ra mắt'}}
Hàng này không còn
Báo tôi khi có hàng
Thêm vào yêu thích