-
-
{{item.Color.Name}}
- {{item.Name}}
Những đứa con của anh chị Út Tịch trong "Người mẹ cầm súng" đã lớn lên như thế nào, hiện giờ ra sao? Chúng tôi đã tới huyện Cầu Kè (Trà Vinh) - nơi sinh ra “Người mẹ cầm súng” để tìm hiểu về vấn đề này.
Đối với thế hệ học sinh chúng tôi, dấu ấn đậm nhất về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trong văn học trên ghế nhà trường có lẽ là “Người mẹ cầm súng”. Tiếp theo “Người mẹ cầm súng” là gì, chúng tôi biết thêm chị Út Tịch đã hy sinh năm 1968, anh Út Tịch cũng thành liệt sĩ năm 1974.
Mất cả cha lẫn mẹ, những đứa con “như sáu củ khoai, da thịt vẫn chắc như da anh Tịch” đã lớn lên như thế nào, hiện giờ ra sao?
Tại TP.Vĩnh Long, chúng tôi tách khỏi QL1A đi về hướng Hựu Thành - Trà Ôn, rồi xuôi về Tam Ngãi khoảng 70 cây số là tới huyện Cầu Kè - nơi sinh ra “Người mẹ cầm súng”. Hỏi thăm các con chị Út Tịch, ai cũng chỉ về phía nghĩa trang liệt sĩ huyện Cầu Kè - nơi “Hiển ngọng” có căn nhà ở đối diện với nghĩa trang.
Hiển (bên phải) và Hùng - 2 người con trai của "người mẹ cầm súng" Út Tịch. Ảnh: K.Q
Gặp “băng đạn của mẹ Út”
Thuở ngồi trên ghế nhà trường, khi đọc tới đoạn: “Thằng Hiển, hai tuổi rưỡi, ôm súng của mẹ, ngọng líu hát: Anh eng ta như ạn con ùi. Nó có dúng mình có dao găm. Nó éo cò thì mình ảy ô đâm”, chúng tôi luôn cười bò. Nhà của “Hiển ngọng” khá sơ sài, lợp lá dừa nước, bày bán mấy chai nước giải khát. Kế bên nhà là dãy nhà trọ “siêu bình dân” mang tên Thanh Hiển, khoảng 5 - 6 phòng, giá cho thuê 60 ngàn đồng/ngày, là nguồn thu nhập chính của vợ chồng anh. Đối diện nhà là nghĩa trang liệt sĩ huyện Cầu Kè, trong ấy có mộ chị Út Tịch, bên cạnh là mộ người chồng Lâm Văn Tịch. Khi sống, họ đã sát cánh bên nhau trong từng trận đánh, giờ họ cũng ở bên nhau.
“Hiển ngọng” ngày nào giờ đã là người đàn ông ở tuổi 50. Anh có vẻ ít nói, thế nhưng khi nhắc về “Người mẹ cầm súng”, anh khác hẳn, nói cười lưu loát. Chúng tôi thật sự bất ngờ khi một người học không “đến đầu đến đũa” như anh lại có thể đọc thuộc lòng truyện ký “Người mẹ cầm súng”. Bằng giọng nam trầm, anh đọc: “Một đêm tối trời tháng giáp tết vừa qua, dân làng đáy ở ngoài cồn Bần Chát bỗng nghe tiếng đàn bà kêu cứu...
Mấy mẹ con ngụp lặn giữa trời nước tối đen. Chị Út vai vác đứa con mới đẻ, lội đứng, miệng hò hét điều khiển ba đứa con gái... Cứ như vậy, hai tiếng đồng hồ, sóng lớn, sóng cả đã thua chị. Lên bờ, thoa bụng con, chị thử sức con bằng cách thọc lét cho nó cười”. Đứa bé “cứng đờ, thở thoi thóp” ấy không ai khác, chính là Hiển ngọng. Trong 6 đứa con, chỉ có Hiển là kè kè bên mẹ, kể cả khi chị Út đang chiến đấu, số còn lại chị gửi tứ tán. Hiển kể, có lần máy bay trực thăng quần sát ngọn dừa, một tay má Út cặp cổ anh lôi theo bờ mương, một tay chĩa súng bắn máy bay. Hiển ôm chặt mẹ như “băng đạn quấn quanh thắt lưng má Út”, không một tiếng khóc.
Sau khi má Út hy sinh, Hiển và chị Kim Anh được đưa ra Hà Nội học, rồi đi Liên Xô “du học”. Tháng 9.1975, Hiển và chị từ Liên Xô trở về Trà Vinh, anh tiếp tục hết lớp 8, rồi học tới lớp 10. Học hành dở dang, việc làm cũng lận đận. Năm 2000, sau một tai nạn suýt chết, Hiển nằm viện hơn 2 tháng rồi nghỉ việc. Hiện 3 đứa con lớn của anh Hiển đều đã nghỉ học, đứa làm cho chị Bé Ba, đứa ở nhà làm nông. Ước mơ của anh: Được làm giấy đứng chủ quyền miếng đất anh đang ở!
Vẫn là cô Bé “bồng em quấy bột”
Hỏi về người chị lớn tên Bé - một trong những nhân vật chính trong “Người mẹ cầm súng”, Hiển chưa vội trả lời, anh đọc thuộc lòng: “Con Bé mới mười tuổi. Nó bồng hết em này đến em khác. Hông nó cũng sần sượng, nổi chai. Bữa cơm, nó nhường hết thức ăn cho em. Nó nhường riết đến nỗi bây giờ không biết ăn thịt cá...”. Lâm Thị Bé (Bé Ba) từ nhỏ đã cực khổ, thay mẹ lo cho đàn em nheo nhóc. Như là định mệnh, trong cả cuộc đời còn lại, chị cũng là trụ cột trong gia đình, thay cha mẹ lo cho các em, rồi các cháu. Sau ngày giải phóng, chị đi học bổ túc, rồi công tác tại Quân y viện 121, sau nghỉ về Vĩnh Long làm khách sạn, đóng sà lan.
Sau ngày giải phóng, cha mẹ không còn, chị Bé Ba gom các em đang ở tứ tán về một chỗ. Không ruộng đất, không tài sản cha mẹ để lại, mấy chị em đã vất vả vượt qua những năm nghèo khó sau chiến tranh. Lo cho các em xong, ngày nay chị Bé Ba tiếp tục lo cho các cháu là con của Hiển, Hùng, Kim Anh có công ăn việc làm. Cô em kế của chị Bé Ba tên là Lâm Thị Mỹ Thanh, hiện đang sống ở TP.Trà Vinh, kinh doanh buôn bán nhỏ. Chị chính là cô bé đã cùng mẹ thoát chết trên dòng sông Hậu năm nào, khi được vớt lên bờ, chị đã uống đầy bụng nước, mẹ Út Tịch phải thọc lét cho chị cười phun hết nước ra. Chị sống thầm lặng, cũng giống như chị chỉ xuất hiện thầm lặng vài lần trong truyện ký “Người mẹ cầm súng”. Cô em kế của họ tên Lâm Thị Kim Anh - người từng cùng Hiển ngọng đi “du học”, giờ sinh sống ở Hoà Ân - Cầu Kè quê nội. Trước đây, Kim Anh từng công tác ở Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cầu Kè. Sau cô nghỉ việc về nhà buôn bán, kinh doanh nước giải khát, nhà trọ. Cuộc sống không khá giả, nhưng cũng đủ sống.
Bến đò Bà My
Chúng tôi hỏi Hiển về người em mà mẹ Út Tịch vừa đánh giặc vừa cho bú. Hiển đọc ngay: “Súng giặc nổ lai rai ngoài xa. Vú căng sữa quá, Út chạy về cho con bú. Nửa chừng, nghe súng nổ gần, chị đặt con xuống, chạy sang...”. Nhân vật “còn bú” trong truyện là Lâm Thanh Hùng - em kế của Hiển. Chúng tôi đến nhà Hùng bên bến đò Bà My, xã Tam Ngãi. Vợ chồng Hùng ở ngay tại nền nhà cũ của má Út ngày xưa, có gần 3 công đất vườn trồng cam bưởi. Chính trên khoảnh sân trước nhà, chị Út Tịch từng “rủ bạn gái tới nhảy cò, nhảy u, đánh banh, vật lộn cho anh Tịch chê, vì đàn bà con gái mà chơi những trò đó thì quá lắm! Nhưng anh Tịch vẫn không chê”. Nơi đây chị Út từng đào 1 căn hầm cho các con tránh bom đạn.
Giữa những đợt giao tranh, chị Út chạy về thăm chừng các con, chứng kiến: “Con Bé, một tay bồng em, một tay thò ra ngoài hầm, quấy bột. Nó bắc soong lên ba cục đất, chụm bằng lá dừa. Bốn đứa nhỏ vẫn chổng mông lên trời... Thằng Hiển đang chửi, miệng ngọng líu: “Ụ ẹ ằng ỹ!”. Đàn con bu lấy mẹ. Tóc chúng hôi mùi khói bom. Út rờ khắp mình các con coi có đứa nào bị thương không”. Cũng trong ngôi nhà này, gia đình chị Út Tịch từng trải qua những giờ phút đoàn tụ hiếm hoi giữa các trận đánh: “Cả sáu mẹ con cùng cười. Út kiểm lại khạp gạo và chai nước tương rồi đặt kế hoạch ngày mai cho đàn con. Mẹ con đi ngủ. Con Bé ra vườn hái lá so đũa hơ nóng cho mẹ lót lưng, mẹ đang có thai. Út nằm giữa, đàn con bao tròn chung quanh. Một lát, anh Tịch về”.
Hùng chạy xe ôm, còn vợ đưa đò qua bến Bà My. Chính tại bến Bà My năm xưa, chị Út đã làm nên những kỳ tích. Hình ảnh những con sóng như con voi chồm lên trong mưa bão, chị Út Tịch tay nắm đứa con nhỏ đưa lên cao, tay đẩy xuồng cho hai đứa lớn bám vào... như vẫn còn phảng phất đâu đây. Căn nhà vợ chồng Hùng ở là nhà tình nghĩa địa phương tặng, đây cũng là nơi thờ tự vợ chồng Út Tịch, là nơi chị em, con cháu sum họp trong những dịp giỗ, tết. Gần 20 năm trôi qua, căn nhà đã xuống cấp, hư hỏng. Nhà nước vừa hỗ trợ vợ chồng Hùng 30 triệu đồng, cùng 20 triệu đồng của gia đình, để sửa chữa lại nhà, dự kiến hoàn thành vào dịp 27.7 này. Hùng là con trai út nên được các anh chị “ưu tiên” cho ở căn nhà này.
Năm 1968, Út Tịch sinh người con út đặt tên Lâm Thị Xuân Hồng. Khi Xuân Hồng mới 14 ngày tuổi thì Út Tịch hy sinh trong trận đánh tại Gò Quao - Kiên Giang. Xuân Hồng bị bom hất xa hàng chục mét, nhưng vẫn sống. Rồi đứa bé sống và lớn lên nhờ vào nước cơm, bú thép... Cô đang sống cuộc sống bình thường như mọi người ở thị trấn Cầu Kè.
Đêm nằm ở thị trấn Cầu Kè, tôi lên mạng đọc lại “Người mẹ cầm súng”, thấy bồi hồi khi Nguyễn Thi viết: “Thực ra, lúc nằm phục kích, bao ý nghĩ Út đều quay cả vào giặc. Súng nổ, chị quên hết, cả lỗ công sự cũng bỏ. Lúc rút lui trên đường về, chị mới giật mình nhớ đến con. Nếu mình hy sinh nó sẽ ở với ai đây? Nó ở với nhân dân! Bây giờ nó cũng đã ở với nhân dân rồi. Đời mình cực thì đời sau nó sướng...”. Chị Út đã linh cảm, hay nhà văn đã linh cảm đúng về sự hy sinh sau đó không lâu. Còn chuyện “đời mình cực thì đời sau nó sướng”, chỉ mới đúng với chị Bé Ba, còn “Hiển ngọng”, Hùng và các chị em còn lại chưa thể nói đã sướng!
Kỳ Quan
(Theo Lao động)
Đăng ký nhận bản tin
Đừng bỏ lỡ những tin nhắn ưu đãi độc quyền dành riêng cho bạn