Phim: nghệ thuật của tiếng, hình và…

 SGTT.VN - Loạt ba cuốn trong tủ sách điện ảnh do đạo diễn Việt Linh cùng nhóm cộng sự thực hiện vừa ra mắt bạn yêu phim và giới làm phim Việt Nam.

 

 

Càng về sau, những đầu sách càng cung cấp sâu hơn kiến thức, kinh nghiệm và công việc làm phim vừa đảm bảo tính học thuật lại vừa có giá trị ứng dụng. Nếu như ở các đợt sách trước, câu chuyện làm nghề nhìn từ góc độ đạo diễn, diễn viên, biên kịch, thư ký trường quay, cách thưởng thức phim… những phần việc được công nhận là hết sức quan trọng trong quy trình làm phim, thì lần này, tủ sách hấp dẫn bởi chủ đề hướng vào những phần việc, con người tương đối âm thầm mà đủ sức tạo ra những cuộc cách mạng trong nghệ thuật điện ảnh.

Đợt sách này có hai cuốn chứng minh điều nói trên, đáng được người yêu phim và làm phim quan tâm: Gọi tiếng cho hình (David Sonnenschein, do Hoàng Anh, Hoàng Đức Long dịch) viết về công việc của những nhà thiết kế âm thanh (sound design) cho phim và cuốn Khung hình tự sự (Peter Ettedgui) với tiểu sử và chuyện làm nghề của 17 nhà quay phim, thiết kế hình ảnh lừng danh thế giới, có những người là trụ cột các trào lưu cách mạng của điện ảnh hiện đại.

Một sự trùng hợp thú vị: hai cuốn sách này lại nói về hai loại công việc mà ngay cả giới làm phim ở những nền điện ảnh phát triển còn có khi đánh giá sai vai trò, dấu ấn của chúng trong một bộ phim.

Quả thật, cho đến nay, nhiều người (trong đó có các đạo diễn) vẫn chưa xoá khỏi não trạng ý nghĩ nhà quay phim chỉ là kẻ thực hiện các thao tác thuần kỹ thuật. Cũng có lý của nó. Bởi, như trong lời nói đầu của cuốn Khung hình tự sự, tác giả viết: “Xét theo nghĩa nào đó, diễn xuất và quay phim đều được xem là nghệ thuật trình diễn, trái lại, vai trò của đạo diễn và biên kịch gần gũi hơn với hình thái nghệ thuật tưởng tượng”.

Nhưng, với cuốn Khung hình tự sự, người đọc lại nhận ra, qua các cuộc thể nghiệm âm thầm trong xử lý hình ảnh, qua từng khung hình, từng trau chuốt về ánh sáng, màu sắc… các nhà quay phim đã cùng với đạo diễn làm nên sắc thái, giá trị nghệ thuật cho bộ phim. Đó thực sự là những người, đứng ở phận sự thầm lặng của mình, không tranh cãi ồn ào, vẫn có thể làm được những cuộc cách mạng đúng nghĩa cho nghệ thuật điện ảnh. Và đi xuyên qua quan niệm cùng công việc của họ, có thể thấy, “chức phận” này không dừng lại ở tính thuần kỹ thuật, mà là một thứ nghệ thuật đòi hỏi người làm nó phải trang bị một tư duy liên ngành.

Nhà quay phim nhất định không phải là thợ chỉnh máy. Anh ta phải vừa là nhà vật lý rất giỏi về quy luật ánh sáng, phản xạ, vừa có con mắt danh hoạ lại vừa là nhà phê bình văn học biết cách thẩm định mạch chuyện và đặt khung hình hợp lý… Jack Cardiff – một trong những thiên tài về màu sắc bởi ông đặt nền tảng phương pháp tạo ra các hiệu ứng tuyệt vời trong từng khuôn hình xuất phát từ niềm say mê hội hoạ; Douglas Slocombe cũng cho rằng muốn làm một đạo diễn hình ảnh thực thụ, việc căn bản là phải học vẽ trước khi học phá cách, Subrata Mitra thì lập hẳn một bảng “ký xướng” màu sắc và ánh sáng rồi sử dụng chúng thật hợp lý theo mạch chuyện và cảm xúc; trong khi đó, Iaszlo Kovacs, một gương mặt nổi bật của dòng phim làn sóng mới lại cho rằng, việc thiết kế ánh sáng cho những khuôn hình phải đạt đến tính hợp lý và thống nhất và “người quay phim phải là người lãnh đạo có bản lĩnh”...

Điều thú vị qua tự sự cuộc đời những nhà quay phim kiệt xuất này, là hầu hết đều có xuất phát điểm khá thử thách: trầy trật xin làm phụ quay cho các đạo diễn, các đoàn làm phim với khát vọng một ngày được chính thức bấm máy và đưa từng khung hình của chính mình vào tác phẩm.

Gọi tiếng cho hình có chín chương, sẽ cung cấp cặn kẽ về mặt lý thuyết và cơ sở ứng dụng, những trang bị cần thiết đối với một nhà thiết kế âm thanh. Độc giả sẽ nhận ra việc làm tiếng động, âm nhạc, giọng nói và hiệu ứng âm thanh trong điện ảnh là công việc thầm lặng nhưng đầy thú vị. Điều quan trọng hơn, sau khi đọc cuốn sách này, độc giả sẽ thưởng thức trọn vẹn hơn những giá trị âm nhạc, hiệu ứng âm thanh… khi xem phim. Rõ ràng người xem phim không chỉ xem, mà cần phải biết… nghe phim và từ đó, hiểu phim.

Có một cuộc gặp gỡ trong những trang sách lần này: câu chuyện nghề đầy niềm đam mê và tự trọng về nghề ở những bậc thầy. Có một cuộc gặp gỡ khác đáng trân trọng bên ngoài trang sách: câu chuyện về tinh thần giữ lửa, truyền lửa về nghề, tri thức điện ảnh nơi những người thực hiện tủ sách tại Việt Nam.

Nhà quay phim Darius Khondji viết ở cuối cuốn Khung hình tự sự, xem như một lời nhắn gởi: “Hãy xem phim, thật nhiều phim”. Có lý do để tin lời cổ vũ ấy hiệu quả khi người xem được trang bị tốt hiểu biết để thưởng thức nghệ thuật điện ảnh.

NGUYỄN VINH

 

Tủ sách điện ảnh do đạo diễn Việt Linh thực hiện từ 2006; ban chủ biên gồm ba đạo diễn: Việt Linh, Vinh Sơn, Phan Gia Nhật Linh cùng nhà báo Lê Hồng Lâm.

Đợt sách lần năm của tủ sách điện ảnh gồm ba cuốn: Gọi tiếng cho hình (David Sonnenschein, do Hoàng Anh, Hoàng Đức Long dịch); Khung hình tự sự (Peter Ettedgui) và tái bản Từ vựng điện ảnh Anh – Pháp – Việt (Minh Tùng, Phương Lan) có bổ sung của đạo diễn Vinh Sơn (sách do Blue Production, Saigon Media và NXB Tổng Hợp TP.HCM xuất bản, 2011), giá ba cuốn: 273.000 đồng.

Ba cuốn sách trên sẽ được ra mắt vào lúc 8 giờ 30 ngày mai (28.7) tại phòng chờ rạp Galaxy 116 Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM. Chương trình ra mắt sách có sự tham gia của ban chủ biên và nhiều nghệ sĩ, diễn viên uy tín nhân tủ sách điện ảnh tròn năm tuổi.

 

(Theo Sài gòn Tiếp thị)

Đăng ký nhận bản tin

Đừng bỏ lỡ những tin nhắn ưu đãi độc quyền dành riêng cho bạn

{{productItem.Title}}
{{productItem.DescriptionOnlyText}}... Xem thêm
{{productItem.RealPriceStr}}₫    {{productItem.PriceStr}}₫
{{productItem.DiscountPercent}} %
Màu sắc:
  • {{item.Color.Name}}
Chọn kiểu dáng:
Size:
  • {{item.Name}}
{{productItem.HasGift}}
{{productItem.Type==1 || productItem==759 ? 'Sách này sắp phát hành' : 'Hàng này sắp ra mắt'}}
Hàng này không còn
Báo tôi khi có hàng
Thêm vào yêu thích