Trò chuyện cùng B.R.O – Đón xem hồi kết của truyện tranh Giông Tố

PT - Sau 5 tháng, kể từ ngày Phóng viên Phan Thị trò chuyện cùng B.R.O, hôm nay đôi bên mới có buổi gặp mặt lần hai để nói về … hồi kết của bộ truyện tranh Giông tố và thông tin về tập Truyện Tranh Danh Tác Việt Nam (TTDTVN) tiếp theo của Phan Thị. Mời bạn đọc cùng “tham dự” buổi trò chuyện thân mật này.

 

 

 

B.R.O đang trò chuyện với phóng viên Phan Thị

 
 

 

PV: Để chuyển thể tiểu thuyết Giông tố của Vũ Trọng Phụng sang truyện tranh tính đến thời điểm Giông tố tập 5 ra mắt đã mất 10 tháng, có khả năng bộ truyện tranh này chiếm trọn 1 năm làm việc của B.R.O. Nhìn lại khoảng thời gian qua, B.R.O cảm thấy thế nào?

 

 

B.R.O: Một năm trôi qua khiến B.R.O cảm thấy hơi hơi tiếc nuối vì làm được quá ít tác phẩm, tuy nhiên điều đáng mừng là B.R.O cảm thấy tay nghề của mình được cải thiện qua từng tập truyện. Rất nhiều kinh nghiệm được rút ra trong quá trình vẽ. Tác phẩm dài hơi này khiến chúng mình … đôi lúc choáng váng vì khối tư liệu đồ sộ cùng nhiều tuyến nhân vật với cuộc sống và nghề nghiệp khác nhau.

 

Nhưng chính việc tìm tư liệu ấy lại là cách tuyệt vời nhất để nâng cao hiểu biết, giúp cho tác phẩm sống động hơn. Nhờ thế mà B.R.O cũng biết thêm nhiều về lịch sử nước nhà trong giai đoạn đó, việc còn lại là cố gắng làm sao chuyển thể được những điều mình biết ra trang giấy để cùng chia sẻ với bạn đọc. Đáng tiếc là tốc độ vẽ quá … rùa bò, tuổi trẻ lại nhiều thú vui cám dỗ nên….vẫn phải để độc giả chờ dài cổ.

 

Sắp tới B.R.O sẽ cố gắng cải thiện điều này >_<

 

 

 

B.R.O đang gấp rút hoàn thiện truyện tranh Giông tố

 

       

 

 

 

PV: B.R.O từng “thổ lộ” khó khăn lớn nhất khi thực hiện TTDT là việc tìm kiếm tư liệu hình ảnh, thế nhưng nhiều bạn đọc cũng tò mò muốn biết cách “chế biến” để cho ra một kịch bản truyện tranh từ quyển tiểu thuyết dài hơi, nhiều nhân vật và ngồn ngôn tình tiết như Giông tố. B.R.O có sẵn sàng chia sẻ … bí kíp?

 

 

B.R.O: Khó khăn nhất là cách sắp xếp tình tiết, thông thường trong tiểu thuyết các nhà văn thường hay có cách kể truyện theo lối “flash back” hoặc dạng kể chuyện để nói về quá khứ của một nhân vật để diễn đạt tính cách của nhân vật đó. Điều này khá hạn chế trong truyện tranh, vì thế việc B.R.O cần làm trước tiên khi chuyển thể một tác phẩm là chia lại trình tự diễn biến của câu truyện, sắp xếp nó theo thứ tự thời gian thực cho hợp lý. Những đoạn “flash back” nếu hợp lý thì giữ lại, những đoạn kể chuyện thì thường phải tìm cách diễn đạt theo lối khác :D
 

 

 

   

 

 

Về phần tạo hình nhân vật thì B.R.O không gặp khó khăn nhiều. Vì  bạn đọc cũng biết là Việt Nam mình đã từng có phim truyện Giông tố của đạo diễn Nguyễn Mạnh Lân, việc hình tượng nhân vật tác phẩm sau có ảnh hưởng từ tác phẩm trước là điều không tránh khỏi. B.R.O cũng đã tham khảo từ phim, cộng thêm sự tưởng tượng của chính mình và kết quả như các bạn đã thấy. Những nhân vật nào nhóm không đồng tình với cách tạo hình của phim thì hoàn toàn chế biến lại, ví dụ rõ ràng nhất là nhân vật ông già Hải Vân.

 

 

PV: Việc chọn lọc tình tiết và lên khung kịch bản cho mỗi tác phẩm chiếm bao nhiêu thời gian sáng tác của B.R.O?

 

 

 

B.R.O: Tùy vào độ dài ngắn của tác phẩm mà khoảng thời gian này ít hay nhiều. Ví dụ như Giông tố, B.R.O đã mất 6 ngày để chia tập, mỗi tập chia làm 6 chương . Mỗi chương thường là diễn biến của 1 – 2 chương trong truyện (tùy vào việc nội dung của chương đó hấp dẫn nhiều hay ít, độc giả có quan tâm hay không). Thế nhưng vẫn còn nhiều chỗ bị lố :D Mấu chốt là làm sao mỗi tập đều có yếu tố hấp dẫn và kết thúc gây tò mò.
 

Nói tóm lại đó là giai đoạn ngốn nhiều tâm sức nhất của nhóm. Tuy thời gian không bằng 1/10 thời gian ngồi vẽ ra hình ảnh, nhưng cứ mỗi lần vẽ tác phẩm mới, bối cảnh mới, nhân vật mới, nội dung mới … là nhóm lại phải vò đầu bứt tóc, “lồng lộn” tìm kiếm tư liệu. Phải nói là một giai đoạn rất nhiêu khê T_T

 

 

PV: Giông tố được xem là một “kiệt tác hiếm hoi trong nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại”, điều này có gây áp lực nhiều cho các bạn khi chuyển thể tác phẩm thành truyện tranh không?

 

 

B.R.O: Ồ có chứ, nhiều áp lực lắm đấy. Nhưng áp lực khi chuyển thể Giông tố không bằng khi nhóm bắt tay vào chuyển thể truyện Chí Phèo, bởi Chí Phèo vừa là tác phẩm đầu tiên nhóm chuyển thể, vừa là truyện ngắn kinh điển trong văn học Việt. Lần đầu bao giờ cũng là khó khăn nhất, cho nên đến Giông tố, khi nhóm đã đi tới tác phẩm thứ 3 thì áp lực không còn gây ảnh hưởng nữa. Khi đã vẽ rồi thì phải quên hết mối lo ngại mới có thể phóng bút thoải mái, có vậy mới tạo ra được sản phẩm tốt.

Nói tóm lại quan điểm của B.R.O là: Đã sợ thì không làm, đã làm thì không thôi.

 


 

 

 
PV: B.R.O có thể tiết lộ nhân vật nào trong tiểu thuyết Giông tố tạo cảm hứng nhiều nhất trong quá trình sáng tác của các bạn không?
 

B.R.O: Đó là nhân vật Mịch. Cô gái này có yêu, có hận, rất biết suy nghĩ và cũng rất chân thực. Mịch và những đấu tranh nội tâm của Mịch đã khiến nhóm cảm thấy thích thú. Thật không dễ kiếm được một nhân vật như vậy ở bất cứ tác phẩm nào.

 

Hình ảnh Mịch trong Giông Tố 3

 

 

 

PV: Để hình ảnh một cô Mịch hiền lành, chân chất trong các tập đầu của truyện bỗng thay đổi dần trong tập 4 và khiến bạn đọc ngỡ ngàng trong tập 5 một cách thuyết phục, phải chăng B.R.O đã “đầu tư” rất nhiều cho nhân vật này?

 

 

 

B.R.O: Cái đó chủ yếu là do phục trang và cách ứng xử, lời thoại, suy nghĩ khiến cho con người ta trở nên thay đổi hoàn toàn. Cái đó là công lao của cụ Vũ Trọng Phụng chứ không phải do “sự đầu tư” của BRO ^__^!!

 

 

   

Hình ảnh Mịch trong Giông Tố 5

 

PV: Giông tố ập đến làng Quỳnh Thôn, ập đến Tiểu Vạn trường thành được Vũ Trọng Phụng thể hiện thành công qua từng câu chữ, thế còn B.R.O, chắc hẳn các bạn có bí quyết nào đó để cơn giông tố ấy vẫn hết sức dữ dội trong phiên bản truyện tranh?

 

 

B.R.O: Thật ra chỉ cần làm được những gì nhà văn đã miêu tả thì bản thân câu truyện đã rất kịch tính rồi ^^.
 

 

PV: Đọc đến Giông tố 5, độc giả càng nôn nóng muốn biết B.R.O sẽ thể hiện đoạn kết trong tập cuối như thế nào? B.R.O có thể hé lộ chút thông tin nào không?
 

B.R.O: Về cơ bản thì B.R.O sẽ giữ đúng nguyên tác, còn những điều mới lạ để gây bất ngờ thì… bí mật :P , không thể bật mí

 

 

     

 

Vài trang truyện sẽ "xuất hiện" trong Giông Tố 6

 

 

PV: Câu hỏi cuối cho buổi trò chuyện hôm nay nhé: Sau Giông tố sẽ là ….?

 

 

 

B.R.O: Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Nhóm đang trong quá trình tìm tư liệu và lên khung cho truyện. Một thách thức mới và gian lao mới. Hy vọng sẽ mang đến cho bạn đọc một tác phẩm hay nhất từ trước tới nay của nhóm B.R.O.

 

 

Chiếc lược ngà - tác phẩm tiếp theo của B.R.O sẽ ra mắt bạn đọc

 

 

Cám ơn B.R.O đã chia sẻ với phóng viên Phan Thị và bạn đọc về những điều xoay quanh bộ truyện tranh Giông tố. Thay mặt bạn đọc, gởi đến B.R.O lời chúc sức khỏe để tiếp tục thực hiện dự án Truyện Tranh Danh Tác Việt Nam của Phan Thị.

 

 

 

Phóng viên Phan Thị

Đăng ký nhận bản tin

Đừng bỏ lỡ những tin nhắn ưu đãi độc quyền dành riêng cho bạn

{{productItem.Title}}
{{productItem.DescriptionOnlyText}}... Xem thêm
{{productItem.RealPriceStr}}₫    {{productItem.PriceStr}}₫
{{productItem.DiscountPercent}} %
Màu sắc:
  • {{item.Color.Name}}
Chọn kiểu dáng:
Size:
  • {{item.Name}}
{{productItem.HasGift}}
{{productItem.Type==1 || productItem==759 ? 'Sách này sắp phát hành' : 'Hàng này sắp ra mắt'}}
Hàng này không còn
Báo tôi khi có hàng
Thêm vào yêu thích