Lần gặp sau cùng với Chim Trắng

 

TT - Từ hồi nghỉ việc, Chim Trắng thường ở Bình Dương. Mỗi lần về Sài Gòn, anh gọi cho tôi, rủ đi ăn sáng. Vài lần anh nói: “Tôi bây giờ phải tập thói quen sống một mình, không tụ tập bạn bè để lúc ra đi nhẹ nhàng”.

 

Nhà thơ Chim Trắng - Ảnh: T.N.T.

 

Vài lần anh nhắc đến căn bệnh của anh, nói về cách chữa chạy... Nhưng bao giờ, khi chia tay, anh cũng cười cười: “Nói vậy chớ cũng chưa tới nỗi nào đâu”. Thế rồi suốt mấy tháng không cách gì liên lạc được với anh.

Tôi biết là anh ốm và định đi Bình Dương thì nhận được điện thoại. Chim Trắng bảo đang điều trị bệnh ngoại trú ở 45 Nguyễn Phi Khanh. Tôi vội đến ngay. Hôm ấy ngày 19-8, lúc bước vào tôi hơi bàng hoàng vì thấy anh nằm trên nệm, đang truyền thuốc. Nghe thấy tiếng chào, anh bật ngồi dậy. Tôi chưa kịp hỏi han, anh đã vội vã nói: “Có chuyện này tôi phải nói với cô ngay, lỡ tôi có sao, không nói được với Ý Nhi thì tôi ân hận lắm. Ông Tư Sâm bảo tôi là người giúp cho ở ngoải (ngoài Bắc) biết đến ổng. Tôi đã nói không phải vậy. Người thu gom bài vở, lo bản thảo là Ý Nhi. Tôi chỉ lo in thôi”.

Thấy anh có vẻ căng thẳng, tôi cười, chuyện đó có gì đâu mà anh lo. Chim Trắng bảo: “Hôm nay nói được rồi tôi mới yên tâm”. Rồi anh cười: “Ờ, thôi, cho qua chuyện đó đi. Bây giờ tôi còn một việc muốn nhờ Ý Nhi. Tôi còn khoảng 40 bài thơ chưa in. Nếu tôi không kịp làm thì Ý Nhi biên tập giúp rồi giao cho Lâm Xuân Thi in”. Lúc tôi chào ra về, anh dặn: “Cô không được nói chuyện tôi bệnh cho ai hết. Cô mà nói là tôi nghỉ chơi với cô luôn”. Biết tính anh nên tôi không dám báo tin cho bạn bè, dù tôi biết rất nhiều người quý mến anh. Chim Trắng còn dặn tôi lúc nào anh nhắn thì mới đến vì anh còn vào bệnh viện.

Nhưng đợi mãi mà không có tin, tôi đành gọi hú họa cho anh. Anh cho biết đã về lại Nguyễn Phi Khanh. Sáng 27-9 tôi đến thăm anh, gặp nhà văn Nguyễn Trọng Tín và Nguyễn Trọng Nghĩa đem cho anh CD cuốn phim đài truyền hình vừa hoàn tất về cuộc đời anh.

Vừa trông thấy tôi, Chim Trắng đã hỏi: “Lại quên mang sách cho tôi hả?”. Chim Trắng cho pha một ấm trà Bắc, ngồi trò chuyện vui vẻ với mọi người. Giữa chừng câu chuyện, có người cháu đến bàn thủ tục tặng ôtô cho con gái của anh. Thấy thủ tục có vẻ rườm rà, anh khoát tay, thôi, để lo sau. Rồi anh kể cho chúng tôi chuyện đang nhờ anh Văn Định lo cho loại thuốc chế từ rắn lục đuôi đỏ. Anh nói với tôi, giọng trầm tĩnh: “Đại khái là bệnh viện chê rồi. Mình tự lo thôi”. Anh bảo anh không sợ ra đi, chỉ lo bị đau đớn, dằn vặt.

Khi tôi ra về, anh dứt khoát bắt tôi phải mang sữa về vì anh không uống được. Anh dặn lần sau nhớ đem theo sách.

Nhưng không có lần sau. Hôm nay tôi nhận được tin Chim Trắng đã ra đi. Con dâu của Chim Trắng gọi cho tôi, báo tin lúc lâm chung anh muốn về Bình Dương. Có lẽ anh muốn tránh xa mọi ồn ào của cuộc đời này.

Anh Chim Trắng ơi, vậy là anh đã ra đi. Vậy là tôi đã mất một người bạn lớn, người mà tôi tin cậy biết bao bởi sự chính trực, sự ngay thẳng và lòng chung thủy.

Hẳn những ngày sắp tới sẽ buồn hơn...

Ý NHI

 

 “Mỉm cười tay vẫy những ngày qua”

Sau một thời gian lâm bệnh, nhà thơ Chim Trắng mất tại nhà riêng lúc 19g15 ngày 28-9. Lễ viếng bắt đầu từ ngày 29-9 tại nhà riêng (biệt thự D18/17 P.Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương). Lễ động quan lúc 10g ngày 1-10-2011, sau đó hỏa táng tại nghĩa trang Chánh Phú Hòa, Bến Cát, Bình Dương.

Nhà thơ Chim Trắng tên thật là Hồ Văn Ba (theo họ mẹ), sinh năm 1938, quê Bến Tre. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ phong trào “Bảo vệ hòa bình” của luật sư Nguyễn Hữu Thọ năm 1955, bút danh Chim Trắng cũng ra đời trong giai đoạn này. Ông từng bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam hai lần ở Mỹ Tho và Sài Gòn. Đầu năm 1961 ông trốn khỏi nhà tù ở Sài Gòn, vào chiến khu, làm công tác thanh niên, làm báo, viết báo, làm thơ...

Các tác phẩm thơ của Chim Trắng đã xuất bản: Có đâu như ở miền Nam (in chung với Lê Anh Xuân, Viễn Phương, 1968), Tên em rực rỡ vô cùng (1971), Đồng bằng tình yêu (1973), Một góc quê hương (1974), Những ngả đường (1980), Dấu vết nhỏ nhoi (1984), Khi tình yêu lên tiếng(1987), Có một mùa thu trong (1990), Thơ Chim Trắng - Cỏ gai (1998), Hát lời cỏ hát (1999),Nhân có chim sẻ về (2006), Cỏ khóc dưới chân tôi (2008)...

Nhà thơ Chim Trắng nguyên là tổng biên tập Tuần báo Văn Nghệ TP.HCM từ năm 1995-2006. Ông được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1981 cho tập thơ Những ngả đường.

Là ủy viên ban chấp hành, phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM trong nhiều khóa, phó chủ tịch hội đồng thơ Hội Nhà văn VN khóa 7, nhà thơ Chim Trắng là người luôn theo sát đời sống thơ đương đại trên văn đàn, cũng như luôn dành cho bạn thơ những tình cảm sôi nổi, nồng ấm.

Cỏ khóc dưới chân tôi là tập thơ xuất bản cuối cùng của Chim Trắng, tuy nhiên thơ chưa công bố của ông vẫn còn nhiều. Mấy mươi bài thơ còn nằm trong tập bản thảo Lời chào ngọn gió. Một bản thảo với nhiều bài thơ hay và cũng không ít bài khiến tê điếng bùi ngùi:

Rượu tri kỷ không thể 
một mình uống cạn
Không thể là rượu tiễn 
đưa nhau
Trái đất này mỗi ngày lắm cuộc chia tay
Hạnh ngộ cứ như là tia chớp
...
Tôi chẳng tiễn đưa ai chẳng tiễn đưa mình
Mỉm cười tay vẫy những ngày qua.

(Trích bài Nhân diện bất tri hà xứ khứ, trong tập di cảo 
Lời chào ngọn gió).

T.N.T

Đăng ký nhận bản tin

Đừng bỏ lỡ những tin nhắn ưu đãi độc quyền dành riêng cho bạn

{{productItem.Title}}
{{productItem.DescriptionOnlyText}}... Xem thêm
{{productItem.RealPriceStr}}₫    {{productItem.PriceStr}}₫
{{productItem.DiscountPercent}} %
Màu sắc:
  • {{item.Color.Name}}
Chọn kiểu dáng:
Size:
  • {{item.Name}}
{{productItem.HasGift}}
{{productItem.Type==1 || productItem==759 ? 'Sách này sắp phát hành' : 'Hàng này sắp ra mắt'}}
Hàng này không còn
Báo tôi khi có hàng
Thêm vào yêu thích