Tomas Transtroemer: "Ngôn ngữ song hành với những kẻ hành quyết"

(TT&VH Cuối tuần) - Mặc cho 87% trong số gần 2.000 độc giả quốc tế của trang Nobelprize.org chưa hề đọc tác phẩm của Tomas Transtroemer - theo kết quả ghi nhận lúc 17h20 (giờ Hà Nội) ngày 6/10/2011 - thì thi sĩ này đã được giới thiệu khá toàn vẹn tại Việt Nam từ khoảng 20 năm trước. Đây là một chi tiết thú vị, đáng lưu ý. Cũng xin nói thêm, trong suốt lịch sử Nobel Văn học với 107 người thắng giải, chỉ có 17 nhà thơ, nên không hề đơn giản khi Ủy ban Nobel chọn Tomas Transtroemer để trao gần 1,5 triệu USD (hơn 30 tỷ đồng). 

Nhìn từ Việt Nam

 

Thi sĩ Tomas Transtroemer

Cũng cần nhắc lại, có lẽ thi sĩ Diễm Châu (1937-2006) là người đầu tiên dịch thơ Tomas Transtroemer sang tiếng Việt, từ giữa thập niên 80 của thế kỷ trước. Tiếp đến là thi sĩ Nguyễn Xuân Sanh (sinh 1920) của nhóm Xuân Thu nhã tập, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, ông đã dịch gần như toàn bộ trước tác của Tomas Transtroemer, với 11 tập. Tuyển tập này có tên Toàn tập thơ (NXB Văn học, 2000), gồm các quyển: 17 bài thơ (1954),Những bí mật trên đường (1958), Bầu trời một nửa đã xong(1962), Tương đồng và dấu ấn (1966), Hình tượng ban đêm(1970), Những lối mòn (1973), Biển Baltic (1974), Rào cản của chân lý (1978), Quảng trường hoang dã (1983), Vì người sống và người chết (1989), Du thuyền tang lễ (1996). Tiếp đến nữa là thi sĩ Lê Đình Nhất-Lang, anh đã dịch từ mấy năm trước. 

 

Trường hợp Tomas Transtroemer được dịch khắp thế giới từ lâu mà bây giờ mới được chính đồng hương công nhận có lẽ bắt nguồn từ sự chỉ trích ông nhận được trong nước. Một lý do khác là trước tác của ông vừa không nhiều về số lượng, vừa súc tích, nên các dịch giả “không quá ngán ngẩm”. Sau này, ông từng cho xuất bản 45 bài thơ theo thể haiku, cũng đủ thấy sự súc tích mà ông chọn lựa. 

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thì cho rằng sự kiện Việt Nam “đi trước” về dịch thuật là một tình cờ thú vị. Cũng tương tự như việc nhà văn Mario Vargas Llosa (Peru) vừa nhận giải năm ngoái thì ở ta đã dịch tiểu thuyết nổi tiếng của ông từ năm 1986 - cuốn Dì Huliavà nhà văn quèn. Đây thực sự chỉ là hú họa, “ăn may” thôi, chứ chưa phải các dịch giả và nhà xuất bản của ta đã có ý thức giới thiệu hệ thống về một tác giả có tiềm năng giải Nobel. 

Đi vào tư tưởng và bút pháp, thi sĩ - dịch giả Dương Tường nhận định: “Có thể coi Tomas Transtroemer là một nhà thơ huyền nhiệm chủ nghĩa (mysticistic), nhưng cái huyền nhiệm ở ông bắn rễ vững chắc vào sự quan sát tỉ mỉ, sát sao cả thế giới tự nhiên lẫn tâm lý con người (ông đã suốt đời hoạt động như nhà tâm lý học). Thơ ông không được trình ra như một cô đúc của minh triết, mà có khuynh hướng tiệm tiến từ hiện thực cụ thể đến một tầng cao hơn của nhận thức. Ông gọi những bài thơ của mình là ‘điểm gặp gỡ’, nơi sáng và tối, nơi nội giới và ngoại giới va chạm để bật ra những tương quan giữa con người với lịch sử”. 

“Tomas Transtroemer là người tìm được lối ra trong thơ. Thơ ông thường biểu hiện một quá trình chiêm nghiệm nhỏ và bài thơ thường đạt được một sự tri ngộ nào đó. Một đóng góp của ông về nghệ thuật là ông nhìn thấy những cái vô hình bằng con mắt của trí tưởng tượng - ông diễn tả nhận thức đó bằng những hình tượng và ý niệm rất cụ thể. 

Chính vì đặc điểm lối ra này mà Tomas Transtroemer bị chỉ trích bởi những nhà thơ mang khuynh hướng xã hội. Họ nói ông không đề cập tới những bế tắc của xã hội, mà chỉ nhắm tìm tới những chỗ đậu cao cho tư tưởng”, Lê Đình Nhất-Lang nói thêm.

Tác phẩm Mörkerseende của Tomas Transtroemer đã được dịch và
xuất bản ở Việt Nam năm 1970 với tên gọi Hình tượng ban đêm

Riêng nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thì dẫn lại lời giới thiệu cho bản dịch thơ Tomas Transtroemer ra tiếng Iraq của thi sĩ Adonis (Syria): “Transtroemer cố gắng thể hiện trạng thái con người của ông trong thơ, coi thơ là nghệ thuật phát lộ tình thế. Trong khi bắt rễ sâu vào xứ thơ, với các phương diện nhịp điệu, biểu tượng cổ điển của nó, ông lại không coi mình thuộc về một trường phái nào; ông vừa là một vừa là nhiều, cho phép chúng ta quan sát qua thơ ông cái thấy được và cái không thấy được trong một hỗn hợp được tạo nên”. Cũng nên nhớ, nhà cái nổi tiếng Ladbrokes (Anh) dù đánh giá rất cao khả năng chiến thắng của Tomas Transtromer trong năm nay, nhưng vẫn xếp ông sau thi sĩ Adonis. 

Theo dịch giả Phan Quỳnh Trâm thì: “Khác với nhiều tác giả được giải Nobel, ví dụ nhà văn Mario Vargas Llosa năm ngoái, Transtroemer ít quan tâm đến các vấn đề chính trị xã hội trên đất nước ông cũng như trên thế giới. Ông sống khá ẩn dật, không có quan hệ sâu sắc với bất cứ tờ báo, nhà xuất bản, trường đại học hay một tổ chức nào. Ông hiếm khi xuất hiện trước đám đông hay phát biểu điều gì liên quan đến thời sự”. 

Nhìn từ Tomas Transtroemer và…

Trước khi đến với Nobel Văn học, Transtroemer từng nhận nhiều giải thưởng quan trọng như: Aftonbladets Literary Prize, Bonnier Award for Poetry, Neustadt International Prize For Literature, Oevralids Prize, Petrarca-Preis… 

Khi phát biểu về thơ, Tomas Transtroemer từng nói trên tờ Tulsa World (ngày 6/8/1990) như sau: “Đối với tôi, bài thơ tự nó có một ý định mãnh liệt là được viết ra. Khi tôi viết một bài thơ, tôi chẳng có kế hoạch gì cho lắm. Tôi không phải là người làm chủ tình huống. Rốt cuộc, dĩ nhiên, cần phải có sự thông minh và tay nghề chữ nghĩa để làm cho một tác phẩm thành hình. Nhưng vào lúc bắt đầu thì đúng ra nó là một sự giục giã. Không phải do ý muốn của tôi. Vì thế, viết là một dạng hợp tác giữa cái tôi có thể làm chủ và không thể làm chủ”, dẫn lại theo bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn. 

Ông cũng nhiều lần khẳng định: “Ngôn ngữ song hành với những kẻ hành quyết. Do đó, ta phải đạt được ngôn ngữ mới” (The language marches in step with the executioners. Therefore we must get a new language.). 

Daniel Halpern (NXB Ecco của Mỹ, nơi in nhiều tập thơ của Tomas Transtroemer) phát biểu trên tờ New York Times: “Thơ, không chỉ ở đất nước này mà còn ở mọi nơi, đều nhỏ bé và riêng tư, không hướng ngoại mà hướng nội. Nhưng có một số nhà thơ đã viết những bài thơ có tính chất quốc tế thực sự. Đó là sự lay động cảm xúc ẩn chứa trong những vần thơ mê đắm. Transtroemer chính là một nhà thơ thông minh, rộng mở và lạ lùng như thế”, dẫn lại theo bản dịch của Thường Quán. 

Peter Englund, Thư ký thường trực Viện hàn lâm Thụy Điển khẳng định: “Chúng tôi đã cân nhắc kỹ, làm việc cẩn thận chứ không hề trao giải bừa bãi. Trong thơ, Tomas Transtroemer luôn đặt ra những vấn đề lớn. Ông viết về cái chết, về lịch sử, ký ức và thiên nhiên. Bạn không bao giờ cảm thấy nhỏ bé sau khi đọc thơ của Tomas Transtroemer”.

 

Vùng ngoại thành

Những người đàn ông mặc đồ công nhân cùng màu với đất đi lên từ một cái hào.

Ðây là một chỗ chuyển tiếp, trong bế tắc, không phải đồng quê cũng chẳng phải thành phố.

Các cần cẩu nơi chân trời muốn làm cú nhảy lớn, nhưng lũ đồng hồ chống lại.

Những ống bê tông rải rác khắp nơi liếm ánh sáng bằng những chiếc lưỡi lạnh.

Những tiệm sửa xe hơi chiếm cứ chuồng ngựa cũ.

Những tảng đá hắt bóng sắc như những vật thể trên mặt trăng.

Và những chỗ này cứ mãi lớn ra như mảnh đất mua bằng số bạc của Juda: “một mảnh sân của thợ gốm để chôn những kẻ lạ”.

(Lê Đình Nhất-Lang dịch từ bản Anh ngữ của Robert Bly, trong tập The Half-Finished Heaven, Saint Paul MN: Graywolf Press, 2001).

 

Văn Bảy - Theo Thể thao văn hóa

Đăng ký nhận bản tin

Đừng bỏ lỡ những tin nhắn ưu đãi độc quyền dành riêng cho bạn

{{productItem.Title}}
{{productItem.DescriptionOnlyText}}... Xem thêm
{{productItem.RealPriceStr}}₫    {{productItem.PriceStr}}₫
{{productItem.DiscountPercent}} %
Màu sắc:
  • {{item.Color.Name}}
Chọn kiểu dáng:
Size:
  • {{item.Name}}
{{productItem.HasGift}}
{{productItem.Type==1 || productItem==759 ? 'Sách này sắp phát hành' : 'Hàng này sắp ra mắt'}}
Hàng này không còn
Báo tôi khi có hàng
Thêm vào yêu thích