Thay đổi thế giới từ những trang sách

 

SGTT.VN - Mỗi ngày trên thế giới có gần bốn thư viện mới được thành lập, nghĩa là sẽ có khoảng 1.200 trẻ em lần đầu được háo hức đọc sách trong thư viện tại các nước đang phát triển. Đó là những gì mà dự án Room to Read do John Wood sáng lập đã làm được.

“Chẳng có gì có thể làm tôi cảm thấy ý nghĩa hơn con đường tôi đang đi từ khi rời khỏi Microsoft”, ở trang 409 của cuốn tự truyện này, John Wood viết.

 

 

Từ một lời hứa ở Nepal

Quả thật, đây không phải là cuốn tự truyện hấp dẫn theo lối gây sốc câu khách của các nhân vật danh tiếng (có thể lần đầu bạn được nghe thấy cái tên John Wood hay dự án Room to Read). Nhưng đây là câu chuyện giàu trắc ẩn về một con người có “bản năng can trường” và dám nghĩ lớn, dám hành động thay đổi cuộc đời, thay đổi thế giới.

35 tuổi, đương là giám đốc phát triển kinh doanh của hãng Microsoft tại Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, John Wood thực hiện một chuyến du ngoạn Nepal, nơi người mù chữ chiếm đến 70%. Sau chuyến đi đó, một bước ngoặt lớn đã xảy ra với ông. Ít lâu sau, ông quyết định rời chiếc ghế được xem là mơ ước của nhiều người tại Microsoft để giữ lời hứa với một ông hiệu trưởng tại Nepal: sẽ trở lại đây và mang theo những thùng sách cho các em nhỏ.

Dự án Sách cho Nepal được ông khởi xướng từ đó. Một câu chuyện hết sức cảm động đã xảy ra với John, đó là trong cuộc trở lại Nepal với một đoàn lừa thồ sách lúc lỉu, người cha đã tham gia hỗ trợ cùng anh. Sách làm cho cuộc đối thoại giữa hai cha con diễn ra đầy thấu hiểu. Và không chỉ cha anh, những chuyến trở lại Nepal với sách, với kinh phí xây dựng những ngôi trường mới cho trẻ em nghèo, John Wood đã thực sự tạo ra sự cộng hưởng cao trong xã hội, lôi kéo mọi người hành động để thay đổi thế giới, vì: “lựa chọn tồi tệ nhất đó là không hành động gì”. Trong khi đó, bước ngoặt này cũng làm cho cá nhân anh mất nhiều cơ hội khác, trước hết là một công việc khá ổn định tại Microsoft và sau đó phải chia tay người yêu, cũng là một công dân toàn cầu đầy năng động và có triết lý sống khác biệt, khó tìm thấy sự đồng cảm.

 

“Có một khẩu hiệu ở Microsoft là “Làm điều lớn lao hoặc về nhà” và chính điều này nằm ở cốt lõi lời khuyên của tôi cho bất kỳ ai muốn tạo ra một sự thay đổi. Thế giới ngày nay đang phải đối mặt với những vấn đề rộng lớn. Đây không phải là thời điểm dành cho những suy nghĩ thiệt hơn. Nếu một sự nghiệp đáng giá để cho bạn đầu tư thời gian vào, rồi bạn nhận thấy mình nợ sự nghiệp – và bạn sẽ phải phụng sự – thì hãy nghĩ lớn”. (tr. 187)

Nhưng điều gì tạo nên sức mạnh nội tại để John Wood có thể đi đến quyết định lớn lao đó? “Niềm phấn khích về kế hoạch hình thành thư viện cho lũ trẻ bắt nguồn từ chính tuổi thơ tôi. Những ký ức sống động của thời thơ ấu đều liên quan đến sách và đọc sách” (tr. 26). Một trong những nguồn sức mạnh khác mà ông có được đó chính là kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong một môi trường Microsoft đầy tính nhân văn, kỷ luật, tự do sáng tạo và trên tất cả, đó là “dám nghĩ lớn”.

 

Việt Nam là đất nước thứ hai, sau Nepal mà dự án của John Wood hướng đến. Trong một chuyến đi du lịch đến Huế, ông gặp cậu học trò Nguyễn Thái Vũ say mê với máy tính và sau đó ông quyết định móc tiền túi phát học bổng, còn theo dõi hỗ trợ cho đến khi Vũ trở thành kỹ sư phần mềm. Chính sự hiếu học và chân tình của Vũ đã làm cho John Wood mạnh mẽ quyết định chọn Việt Nam là điểm đến thứ hai của dự án Room to Read. Một trong những nguồn cộng tác hỗ trợ khác, đến từ một người nước ngoài từng làm cho một tập đoàn lớn tại Việt Nam, đồng hành với John Wood trong tinh thần tình nguyện, đó là Erin. Khi bạn đọc đang đọc cuốn sách này, thì Room to Read vừa hỗ trợ thành lập 20 thư viện cho học sinh tiểu học miền Bắc cùng nhiều hoạt động hỗ trợ nữ sinh nghèo ở đồng bằng sông Cửu Long…

 

 

Nghĩ lớn từ việc nhỏ

Vậy là một “mô hình Microsoft phi lợi nhuận” được thể hiện trong tinh thần dự án Room to Read, và với một thời gian ngắn, sức lan toả của dự án thật mạnh mẽ, không chỉ dừng lại ở Nepal, Việt Nam, mà còn đến với Campuchia, Lào, Ấn Độ, Sri Lanka và Nam Phi, những nơi trẻ em cần trường học và phòng đọc sách, nhiều trẻ em gái cần học bổng để tiếp tục theo đuổi con đường học vấn. Mục tiêu dự án được John Wood công khai: giúp 10 triệu trẻ em trên thế giới có được sách đọc và lớp học, những quà tặng giáo dục trong suốt cuộc đời.

Một chi tiết nhỏ, nhưng đầy ý nghĩa từ cuốn sách này, đó là, trong những chuyến bay từ nơi này qua nơi kia, nhà sáng lập dự án Room to Read đã từ chối những ghế hạng nhất. “Tôi không muốn tiêu những đồng tiền của nhà tài trợ vào ghế hạng nhất. Tôi nợ họ và những đứa trẻ trong việc huy động càng nhiều tài chính cho các chương trình giáo dục của chúng ta, chứ không phải cho những két bạc của các hãng hàng không lớn trên thế giới” (tr. 405).

Nghĩ lớn ngay từ những việc nhỏ, có thể đó cũng là tinh thần trách nhiệm mà John Wood thừa hưởng từ văn hoá Microsoft và ứng dụng có hiệu quả vào mô hình Room to Read. Sự thay đổi trong sự nghiệp của John Wood là giá trị sống của một cá nhân không đứng ngoài trách nhiệm thúc đẩy sự phát triển chung, bền vững, bình đẳng của thế giới. Một cuốn sách đánh thức trong mỗi người câu hỏi về trách nhiệm mỗi cá nhân với chính mình và cả cộng đồng mình đang sống.

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

(Đọc Rời Microsoft để thay đổi thế giới, John Wood, do Trần Lê dịch, NXB Trẻ, 439 trang, 100.000 đồng)

(Theo Sài gòn tiếp thị)

Đăng ký nhận bản tin

Đừng bỏ lỡ những tin nhắn ưu đãi độc quyền dành riêng cho bạn

{{productItem.Title}}
{{productItem.DescriptionOnlyText}}... Xem thêm
{{productItem.RealPriceStr}}₫    {{productItem.PriceStr}}₫
{{productItem.DiscountPercent}} %
Màu sắc:
  • {{item.Color.Name}}
Chọn kiểu dáng:
Size:
  • {{item.Name}}
{{productItem.HasGift}}
{{productItem.Type==1 || productItem==759 ? 'Sách này sắp phát hành' : 'Hàng này sắp ra mắt'}}
Hàng này không còn
Báo tôi khi có hàng
Thêm vào yêu thích