Sách cũ

 SGTT Xuân 2012 - Với Cao Huy Thuần thì không phải đến lúc dơ mới đặt vấn đề sạch, tự xưa, vấn đề sạch luôn được đặt ra. Tác giả này trích lục Quốc văn giáo khoa thư như một dẫn chứng qua câu chuyện nhà văn sơn nam đến nói chuyện với một lớp học...

 

 

Cô giáo bước vào lớp với một người khách lạ. Cô giới thiệu: “Đây là nhà văn Sơn Nam. Em nào biết nhà văn Sơn Nam?”

Một em giơ tay: “Dạ em biết. Nhà văn Sơn Nam có viết một truyện ngắn nhan đề là Tình nghĩa giáo khoa thư, ông nội ông ngoại em đều thích”.

Cô giáo cắt nghĩa: “Vậy có em nào biết “giáo khoa thư” là gì không? Là sách giáo khoa viết cho thế hệ ngày trước, hồi ông nội ông ngoại các em cũng chỉ mới là… bé ngoan như các em bây giờ”.

Cả lớp cười rộ. Ông khách cũng cười. Cô giáo nói tiếp: “Quyển sách giáo khoa đó hay lắm, nói chuyện tầm thường, chữ nghĩa bình dân, nhưng nó thấm sâu vào lòng học trò để dựng lên một thứ văn hoá vững chắc, đến nay chưa mất. Bởi vậy, hôm nay cô mời nhà văn Sơn Nam đến đây để nói chuyện với các em về quyển sách ấy, các em thích nghe không?”

“Thích! Thích!”, cả lớp cùng reo lên. Nhà văn Sơn Nam cũng thích không thua gì học trò mỗi khi động đến Quốc văn giáo khoa thư. Ông hỏi: “Các em thích nghe chuyện gì nào? Giáo khoa thư ấy kể đủ thứ chuyện mà chuyện nào cũng hay. Tối hôm qua trời mưa, cây bàng giữa sân sạch lá, mình kể chuyện cây bàng sạch lá nghen”.

Có em nào đó giong tay lên: “Thưa nhà văn Sơn Nam, ông nội em nghe nói báo Sài Gòn Tiếp Thị định ra số tết với nhan đề “phát triển sạch”. Em nghe bác nói mưa, liền nghĩ đến sạch. Nhưng “phát triển sạch” là sao, thưa bác? Giáo khoa thư ấy có bàn đến không?”

“Có chớ, có chớ, cái gì cũng có trong đó. Các em đừng tưởng phát triển là chuyện mới mẻ. Nó xưa như từ lúc con người sinh ra, bởi vì phát triển là hiện tượng tự nhiên, bao giờ cũng sờ sờ trước mắt. Ông nội các em, từ bé ngoan phát triển lên thành… già giỏi, ấy là phát triển đấy! Có điều là phải phát triển thế nào để mỗi người đều tốt, bởi vì nếu ai cũng tốt thì xã hội mới tốt. Con người tốt, xã hội tốt, ấy là phát triển sạch. Quyển sách giáo khoa đó dạy cho thế hệ ông nội các em thế nào là sạch. Mình tắm rửa cho thân thể mình sạch thì mình cũng phải tắm rửa cho ý nghĩ của mình sạch. “Đói cho sạch rách cho thơm” là câu cách ngôn nằm trong lòng trong ruột của cha ông các em hồi trước. Câu cách ngôn đó hướng dẫn ý tứ cho mọi câu chuyện sạch trong giáo khoa thư”.

“Chẳng hạn chuyện gì, thưa bác?”, một em hỏi. Nhà văn Sơn Nam không trả lời thẳng mà đọc câu ca dao: “Con cò mà đi ăn đêm…” Ông hỏi: “Em nào đọc tiếp được không?” Cả lớp nhao nhao tranh nhau đọc, từ “Đậu phải cành mềm…” cho đến “Có xáo thì xáo nước trong/Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”.

“Các em thấy chưa, nhà văn nói, con cò đến chết vẫn sợ dơ bẩn. Các em có để ý đến lông con cò không? Nó trắng toát, như tuyết, như bông. Nó hãnh diện với màu trắng của nó, và nó không cần ai biết trong lòng của nó cũng trắng tinh như thế. Cho đến khi chết, nó mới thổ lộ một ước mong, và nhờ ước mong đó, người ta mới biết con cò trắng toát từ trong đến ngoài. Các em nghĩ đó là lý tưởng của con cò hay của con người? Có ai biết phải sống như thế nào để khi chết xã hội đừng đem cái tên của mình ra mà xáo với thứ nước vàng khè chảy ào ào từ mỏ này đến quặng nọ?”

“Thưa bác Sơn Nam – một em giong tay hỏi – chuyện con cò thì em hiểu, nhưng khi nãy bác nói phải tắm rửa cho ý nghĩ, em không biết tắm thế nào? Em đưa cho bác cái gáo nước, bác xối lên ý nghĩ của em được không? Giáo khoa thư có bày cách tắm nào không?”

“Có chớ, có chớ, cái gì cũng có trong đó hết thảy. Đây nè, em nào biết chuyện đậu đen đậu đỏ không? Nhà kia, có người để ra hai bình, mỗi lần có ý nghĩ gì xấu thì thả một hột đậu đen vào bình thứ nhất, mỗi khi có ý nghĩ gì tốt…”

“… Thì thả một hột đậu đỏ vào bình thứ hai – một học sinh nhanh nhẩu cướp lời nhà văn. Lúc đầu, bình đậu đen đầy ắp, dần dần bình đậu đỏ đầy hơn, và cuối cùng chẳng còn hột đậu đen nào nữa”.

Nhà văn Sơn Nam vui vẻ đồng tình với thành tích lạc quan tuyệt đối của em bé: “Vậy là tắm rửa! Người kia rửa sạch sành sanh ý nghĩ xấu của mình”. Cả lớp đang phấn khởi với đại thắng của đậu đỏ thì, ở cuối lớp, có em giơ tay. “Thưa nhà văn Sơn Nam, có trường hợp nào cái bình đậu đen cứ đầy hoài, trong khi bình đậu đỏ cứ trống rỗng mãi? Có trường hợp nào người kia bực quá, vứt luôn cả hai bình, chẳng đen đỏ gì nữa? Giáo khoa thư có biết trường hợp đó không ạ?”

“Biết chớ – nhà văn khẳng định – chuyện này hay lắm. Một bác công chức kia vừa mua một đôi giày mới, bóng loáng, soi mặt cũng được. Ông mang ra đường, khổ thay, đường lầy lội quá vì mới mưa xong. Ông đi từng bước, cẩn thận, rón rén, nhưng xui quá, vấp cái ổ gà nham hiểm, sa chân xuống đấy, giày dính đầy bùn. Thế là chẳng cảnh giác, chú tâm gì nữa, ông đi bừa, bao nhiêu bùn cũng chẳng thèm đếm xỉa. Giáo khoa thư nhắn nhủ gì với chúng ta? Rằng: bước đầu là quan trọng lắm, lầm lỡ bước đầu thì có khi hỏng cả cuộc đời. Rằng: trẻ thơ là quan trọng lắm, làm hỏng trẻ thơ là làm hỏng cả thế hệ. Rằng: thế hệ này là quan trọng lắm, làm hỏng nó là hỏng luôn cả gia tài ngàn năm”.

Cô giáo xin phép thêm một câu. Cô nói: “Giáo khoa thư đặc biệt tắm rửa cho các ông quan. Cái gáo múc nước trong để tắm cho các ông được đặt tên là “thanh liêm”. Văn hoá xưa nhắm sản xuất ra những cái gáo ấy và sử sách tặng nhiều trang thơm cho các ông quan thanh liêm. Chẳng hạn ông quan này trong giáo khoa thư. Ngày tết, theo tục lệ, có người đem đến biếu ông hai hộp trà. Thấy người ấy thực lòng, biếu chút quà để tỏ lòng cảm phục thôi, ông nhận bất đắc dĩ. Người ấy đi rồi, ông quan mở hai hộp trà ra: quái, dưới lớp trà là cả một thỏi vàng ròng. Ông đóng hộp, gọi người kia đến, trả quà. “Anh làm thế này là không được. Đáng lẽ tôi cho anh vào tù”.

Có tiếng cười khúc khích ở cuối lớp. Nhà văn hỏi: “Tại sao em cười?” Em học sinh trả lời: “Dạ, tại vì ông quan này ăn nói không giống ai. Em tưởng ổng nói: Sao chỉ có hai hộp? Lần sau phải bốn hộp nghen”. Nhà văn Sơn Nam cười xoà: “Ông quan nào trong giáo khoa thư đều ăn nói như vậy cả, không giống ai, chỉ giống lương tâm của mình thôi, mà lương tâm thì khi nào cũng sạch. Như ông Tô Hiến Thành. Ông Tô Hiến Thành đau nặng, hoàng hậu đến hỏi ông tiến cử ai để thay ông làm thủ tướng. Bà tưởng ông sẽ tiến cử người hầu hạ, thuốc men ngày đêm cho ông, nhưng không, ông tiến cử người giỏi”.

Suốt cả buổi, nhà văn Sơn Nam đều cười vui vẻ, bây giờ giọng ông bỗng trở nên rắn rỏi, nghiêm trang. Ông nói: “Các em nên ghi câu này của ông Tô Hiến Thành vào tim óc: “Nếu ngài hỏi tôi tiến cử ai giỏi nghề hầu hạ thì tôi tiến cử người này, còn nếu ngài hỏi tôi tiến cử ai giỏi nghề trị nước giúp dân thì tôi tiến cử người kia”. Các em cứ suy ngẫm câu đó thì biết nước thịnh hay nước suy. Rồi suy ngẫm thêm việc này nữa: câu nói của ông Tô Hiến Thành được dạy cho các em học sinh ngày trước ngay ở tuổi từ 10 – 12. Vậy mà em nào cũng hiểu, em nào cũng nhớ mãi trong tâm khảm cho đến già, đến chết. Công dân giáo dục là vậy đó, các em. Học làm người tốt trước, người tốt thì công dân tốt. Mà tính tốt, tính thiện, thì có sẵn trong tim các em, cho nên các em học mà thích. Thích tốt ghét xấu. Thích tự nhiên như thế, không ai bắt buộc. Và thích thì nhớ. Nhớ cả đời. Tự do là vậy đó, các em. Là không ai ép buộc cả, tự các em thích cái tốt. Cho nên văn hoá là tự do đó, các em ạ”.

 

 

CAO HUY THUẦN

Đăng ký nhận bản tin

Đừng bỏ lỡ những tin nhắn ưu đãi độc quyền dành riêng cho bạn

{{productItem.Title}}
{{productItem.DescriptionOnlyText}}... Xem thêm
{{productItem.RealPriceStr}}₫    {{productItem.PriceStr}}₫
{{productItem.DiscountPercent}} %
Màu sắc:
  • {{item.Color.Name}}
Chọn kiểu dáng:
Size:
  • {{item.Name}}
{{productItem.HasGift}}
{{productItem.Type==1 || productItem==759 ? 'Sách này sắp phát hành' : 'Hàng này sắp ra mắt'}}
Hàng này không còn
Báo tôi khi có hàng
Thêm vào yêu thích