Tự mắc bẫy

SGTT.VN - Linda Lê cho thấy năng lượng sáng tạo của mình thật dồi dào, đồng thời cũng cho thấy cô giỏi khai thác lối viết văn chương cận kề với “non-fiction” (tác phẩm văn chương giống như tiểu luận) đến thế nào, thông qua tác phẩm mới nhất: À l’enfant que je n’aurai pas (Gửi đứa con mà tôi sẽ không sinh), NXB Nil, tủ sách Les affranchis, 2011. 

 
Nhà văn Pháp gốc Việt Linda Lê.

 Đề tài lá thư dài của Linda Lê (in trong một tủ sách chỉ toàn những lá thư) thật hóc hiểm: 65 trang sách khổ nhỏ được tác giả tập truyện ngắn Lại chơi với lửa dùng để viết những gì bà muốn nói với một người nhận không tồn tại: đứa con mà bà không sinh. Đây không phải một tác phẩm kiểu “roman épistolaire” (tiểu thuyết dưới dạng thư) truyền thống thường thấy ở các nhà lãng mạn chủ nghĩa hay các nhà văn phong tình thế kỷ 18, cũng không phải là tiếng lòng nức nở của một bà mẹ gửi cho đứa con không ra đời vì bị sảy thai. Ngay lập tức, tính chất “no reply” (không hồi âm) của dự tính này đã được nhấn mạnh về độ buồn bã bởi Linda Lê viết thư gửi một đứa con bất khả, bà viết để cho biết mình sẽ không bao giờ sinh con, hay nói đúng hơn, bà viết ra các suy tư của mình về việc không sinh con.

Bức thư của Linda Lê mở ra bằng câu: “Con, đứa trẻ mà tôi sẽ không sinh, tôi tự hỏi con có thể có những đường nét thế nào nếu tôi đẻ con ra: góc cạnh như khuôn mặt bố tôi hay nhạt nhoà như khuôn mặt người đàn ông tên S. ấy, người tôi đã yêu trong suốt năm năm, bền bỉ đến đáng kinh ngạc, người từng bảo tôi rằng mình rất có khiếu làm cha?” (trang 7). Đứa con này không ra đời, nhưng những rối loạn do sự hiện diện có thể của nó gây ra cũng không kém phần bức bối nếu so với những rối loạn do sự vắng mặt thực tế của nó: tác giả bức thư và S. triền miên tranh cãi về đối tượng vô hình ấy; để đương đầu với các lý lẽ dính dáng tới thiên chức phụ nữ của S., tác giả bức thư đưa ra lập luận rằng: “trong một thế giới đang lao tới thảm hoạ, việc sinh nở là một tội ác”, bằng chứng cho sự mù quáng (trang 8).

 

 

Chủ nghĩa cá nhân và sự tập trung quá mức vào tính chất duy nhất ngay lập tức nổi lên trên bề mặt cuộc suy tư siêu hình về sự sinh ra, điều đó là hiển nhiên trong một tình huống như thế này. Tuy nhiên, nếu gạt bỏ được những thoáng gợn về mặt đạo lý, hay tâm lý, thì vị thế cái nhìn này cũng chứa đựng rất nhiều sáng suốt. Với tác giả bức thư, cái tôi là nguyên khối, sinh con cũng đồng nghĩa với tự làm mình “mềm dẻo đi”, tự hao tổn. Rồi với một người hằn sâu ở trong đầu cái suy nghĩ rằng chỉ phù du là tồn tại thực sự, một người “trân quý sự cô độc” (trang 11), sự hợp lý vốn hiển nhiên trong mắt người khác lại là khó hiểu, thậm chí phi lý.

Rồi chiều hướng của sáng suốt và hợp lý tăng dần lên theo những trang thư: “Tôi, người có tâm trí kém cân bằng đến thế, người thường xuyên rơi vào những cơn hoảng hốt vô nguyên cớ, rất có thể tôi sẽ truyền sang cho con, rất có thể con sẽ là một người bất ổn, không có những mối quan tâm giống với những người bình thường. Tôi sẽ truyền đi được gì đây nếu như không phải là sự bất lực của tôi trong việc trụ được bên trong chuẩn mực, những bối rối của tôi trước những gì làm người quen của tôi vui vẻ” (trang 25-26).

Là một nhà văn, sự triệt để trong suy nghĩ của tác giả bức thư được đẩy đến mức phủ nhận ẩn dụ thường thấy về “thai nghén” và “sinh hạ” tác phẩm: “Việc cho ra đời một tác phẩm văn chương không tương đương với sự bừng nở bên trong mình một mầm sống” (trang 45). Sự triệt để này làm nên sức mạnh cho văn chương, nhưng nó cũng dẫn tới điên rồ, kể cả điên rồ bệnh lý, và quả thực tác giả bức thư đã phải vào trại tâm thần (chi tiết tương tự trong đời thật của Linda Lê; trong bức thư này, nhiều câu chuyện đáng buồn của tuổi thơ tác giả cũng được kể lại, với sự góp mặt của một bà mẹ chuyên chế được đặt biệt danh là Big Mother) và tại đây sự điên của tác giả ấy được đặt cạnh sự điên của người đàn bà có con chết khi sinh nở, và ta khó nói được cái điên nào khủng khiếp hơn – của người đàn bà sinh con bị chết hay của người đàn bà từ chối sinh con. Không phải ngẫu nhiên mà có chỗ Linda Lê dùng đến cụm từ “tự mắc bẫy chính mình” để miêu tả trạng thái dằng dai, tiến thoái lưỡng nan mà tác giả bức thư rơi vào.

Nhưng đứa con không ra đời dần dà tồn tại, tồn tại đến mức độ khi nghĩ đến nó, tác giả bức thư nghĩ: “Đó không phải sự hối hận, mà một cảm giác không thể định nghĩa về tàn tật, như thể tôi bị cắt đi một tay hay một chân” (trang 54). Cứ nghĩ mãi, đứa trẻ đã trở thành một phần trong người đàn bà (trang 63), cho dù nó không hiện hữu. Sau cãi vã, điên rồ và mất mát, sự thanh thản đã ló dạng ở đoạn cuối bức thư, như thể theo một chuyển hoá đặc biệt, sự vắng mặt đau đớn đã dần biến thành sự hiện diện cứu rỗi.

CAO VIỆT DŨNG

(SGTT)

Đăng ký nhận bản tin

Đừng bỏ lỡ những tin nhắn ưu đãi độc quyền dành riêng cho bạn

{{productItem.Title}}
{{productItem.DescriptionOnlyText}}... Xem thêm
{{productItem.RealPriceStr}}₫    {{productItem.PriceStr}}₫
{{productItem.DiscountPercent}} %
Màu sắc:
  • {{item.Color.Name}}
Chọn kiểu dáng:
Size:
  • {{item.Name}}
{{productItem.HasGift}}
{{productItem.Type==1 || productItem==759 ? 'Sách này sắp phát hành' : 'Hàng này sắp ra mắt'}}
Hàng này không còn
Báo tôi khi có hàng
Thêm vào yêu thích