Việt Linh Xin lỗi bản thân

SGTT.VN - Chuyện và truyện của Việt Linh là một tập sách đáng đọc. Bài nào cũng đọc được nhưng với tôi, tôi chỉ chọn một bài thôi: Xin lỗi bản thân (trang 127).

 

Việt Linh ký tặng sách cho độc giả hâm mộ. Ảnh: Đức Minh

Nói lời xin lỗi với ai đó thì dễ chớ xin lỗi chính mình chẳng dễ chút nào! Cho nên không lạ khi Việt Linh phải bày ra cái cách viết thư cho một người nào đó mà thực ra là cho chính mình, thì thầm bên gối, vẻ như ân cần, nhỏ nhẹ mà nghe ra chì chiết, đắng cay. “Với những gì đã xảy ra, nếu là con chị đáng bị đánh đòn. Nếu là cha mẹ chị đáng bị lên án. Nếu là nguyên thủ, chị đáng bị phế truất!”

Chuyện gì đó vậy? Chuyện Việt Linh làm việc như điên, hút thuốc lá như ống khói tàu, thức trắng đêm này qua đêm khác, đầu óc lúc nào cũng căng như sợi dây đàn… để rồi một hôm run rẩy đánh rơi cái ly đang cầm trên tay, gục xuống và phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện vì… tai biến mạch máu não! May mà qua khỏi, nhưng di chứng đeo đẳng… Việt Linh bảo mình đã thực sự “thảng thốt, chao choáng” lúc bắt đầu viết bức thư này. Dễ hiểu thôi. Làm cái nghề đạo diễn, bóc tách tâm lý nhân vật, hô phong hoán vũ ở phim trường thì dễ chứ khi chính mình bóc tách mình quả là khó. Cho nên khi kết thúc bức thư, cô nói: “Như trả xong một món nợ”. Phải. Nợ ân tình. Nợ chính mình. Một cảm giác nhẹ nhàng như một người xưng tội và được tự mình tha thứ cho mình. Thế nhưng, Việt Linh không dừng ở đó, cô muốn làm một điều gì khác nữa, cho những ai khác nữa, mà trước hết cho những người thân, bức thư đã như “Một lời kêu gọi thiết tha”, một cảnh báo, một nhắc nhở. “Ngoài di chứng tê đau khiến chị luôn phải cắn răng chịu đựng, trong chị còn có thêm một di chứng khác: chị hay rùng mình run sợ. Rùng mình khi nghe người thân nói đau đầu. Rùng mình khi thấy người thân thức khuya, hút thuốc, ăn mặn...”

Lần đó, sau cơn bạo bệnh, Việt Linh về Pháp, gởi tôi cái “email” hỏi cách chữa các di chứng tê đau chịu không nổi của cô. Tôi “reply” liền. Nhưng Việt Linh “đổ quạu”: “Em hỏi anh là hỏi kinh nghiệm cá nhân anh, một bệnh nhân, nếm trải và phục hồi thế nào sau cơn bệnh… chứ bên Tây này em có tới ba bác sĩ chuyên khoa thần kinh, tim mạch, vật lý trị liệu chăm sóc cho mình rồi, đâu có cần ông bác sĩ trong anh nữa. Em cần là cần ông bệnh nhân trong anh kìa!” Vậy là tôi đành chia sẻ với Việt Linh cách khác. Bây giờ thì Việt Linh “khôn” rồi, chẳng thèm “dại” nữa. Việt Linh biết nghe ngóng tiếng nói của từng tế bào trong cơ thể mình. Việt Linh biết đi nghiêng nghiêng kiểu của mình, dựa vào ai đó cùng đi cho khỏi ngã mà người ngoài nhìn vào tưởng cô đang có một cử chỉ… âu yếm! Việt Linh đã biết nuông chiều mình bằng cách đóng riêng một chiếc giày có đế ngang cho hợp với cái chân cà khêu… Chia sẻ trong buổi giao lưu ở Hội sách (24.3.2012) cô nói: “Tôi đã biết chấp nhận. Tôi hiểu cơ thể mình. Tôi làm quen với bệnh. Tôi sống chung với nó và “có giải pháp cho nó”. Nghĩa là đã biết thích nghi. Biết “hoà hợp”.

“Từ bi với mình” không dễ đâu! Người ta có khuynh hướng hành hạ mình, bóc lột mình, than thở phiền trách mình, thậm chí nguyền rủa, căm thù mình nữa. Việt Linh viết: “Từ nay chị sẽ không ảo tưởng sự hồi phục toàn diện, sẽ an lòng sống chung với đau, với tê, với yếu ớt, mong manh... để hiểu sự trả giá hôm nay là đích đáng. Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, rất nhiều đêm chị đã thầm rơi nước mắt, tiếc đau những sai lầm trước đó: hàng chục lần nhức đầu, hàng trăm đêm thức trắng, hàng vạn điếu thuốc trong vòng mấy mươi năm... Các mạch máu trong người chị hẳn đã vô cùng đau đớn, đã nhẫn nại kêu than, chịu đựng biết bao ngày...” Và rồi, qua một cơn bệnh ngặt nghèo, cô còn nhận ra “biết bao nghĩa tình sâu nặng” đó đây của bè bạn, người thân, thầy thuốc… chung quanh: “Cùng với lời xin lỗi, chị cảm ơn bản thân đã giúp chị sáng mắt. Chị đã bỏ hẳn thuốc lá, sinh hoạt điều độ, bớt ăn mặn, tập yoga, đi bác sĩ thường xuyên, biết sưu tầm những bài thuốc hay cho cơ thể... Tóm lại, từ chỗ nhơn nhơn sức mạnh, chị đã biết lắng nghe tiếng nói của các “thần dân” cơ thể, biết thấu hiểu, chia sẻ. Và một lời cảm ơn quan trọng nữa: trong bấp bênh phù sinh chị đã nhận biết bao nghĩa tình sâu nặng...”

Việt Linh tâm sự thêm: “Tôi coi như mình đã chết rồi. Tôi biết buông bỏ. Biết sống có ích. Biết làm từ thiện”. Rõ rồi. Cô không còn hò hét ở trường quay nữa mà lặng lẽ viết, dịch để chia sẻ những kinh nghiệm nghề nghiệp với đồng nghiệp, với người đi sau. Một loạt tác phẩm về điện ảnh đã ra mắt. Các tản văn ngày càng thấm đẫm yêu thương. Tôi mến Việt Linh ở đó và cô cũng tự nguyện làm một người “em gái” của tôi, không phải “người em sầu mộng của muôn đời” mà là người em biết yêu cuộc sống, biết chia sẻ và biết “Cảm ơn mình” như một bài viết của tôi trong cuốn Già ơi… Chào bạn! mươi năm về trước.

ĐỖ HỒNG NGỌC

(Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị Online)

Đăng ký nhận bản tin

Đừng bỏ lỡ những tin nhắn ưu đãi độc quyền dành riêng cho bạn

{{productItem.Title}}
{{productItem.DescriptionOnlyText}}... Xem thêm
{{productItem.RealPriceStr}}₫    {{productItem.PriceStr}}₫
{{productItem.DiscountPercent}} %
Màu sắc:
  • {{item.Color.Name}}
Chọn kiểu dáng:
Size:
  • {{item.Name}}
{{productItem.HasGift}}
{{productItem.Type==1 || productItem==759 ? 'Sách này sắp phát hành' : 'Hàng này sắp ra mắt'}}
Hàng này không còn
Báo tôi khi có hàng
Thêm vào yêu thích