Khi báo xưa là sách nay

 

SGTT.VN - Gần đây trên thị trường xuất hiện những cuốn sách khảo cứu, sưu tập bài vở trên các tờ báo xưa, như Nam Phong tạp chí, Đông Tây, Trung lập, Sông Hương, Phụ nữ tân văn… Tiêu chí sưu tập có thể theo tổng thể nội dung báo, có thể theo từng tác giả hay thể loại, nhưng nhìn chung những cuốn sách dạng này có sức hút âm thầm và đặc biệt.

 

 
Tác phẩm báo chí chỉ gắn liền với thời cuộc, nhưng tinh thần dấn thân của những nhà báo này thì mãi mãi là vấn đề thời sự của làng báo.

 

Vang bóng một thuở

Trước hết, sức hút nằm ở chỗ, nó giúp cho người đọc hôm nay nhìn thấy sự vận động của báo chí trong một thời kỳ đầy sôi động. Người ta nhìn thấy hành xử với tinh thần ngôn luận của học giới, người làm báo trước điều kiện xã hội không hẳn bao giờ cũng ủng hộ tự do ngôn luận hay học thuật.

Đọc bộ Du ký Việt Nam (nhiều tác giả viết trên tạp chí Nam Phong, do Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm, giới thiệu – NXB Trẻ, 2007) người đọc không chỉ đắm mình trong những trang văn thuật lại những chuyến xê dịch “cùng trời cuối đất” đầy cảm xúc, lý thú của những nhà văn – lữ khách như Nguyễn Bá Trạch, Trần Trọng Kim, Nguyễn Trọng Thuật, Phạm Quỳnh, Tùng Hương hay Trần Quang Huyến… mà còn nhìn thấy “tinh thần Nam Phong” thấm đẫm trong từng câu chữ.

Người đọc có thể nhận ra chân dung một Phan Khôi đầy sắc sảo, uyên bác và bộc trực, một lối làm báo độc lập qua bộ sưu tập năm cuốn Phan Khôi – Tác phẩm đăng báo từ 1928 đến 1932 (Lại Nguyên Ân biên soạn, các nhà xuất bản Đà Nẵng, Hội Nhà Văn, Tri Thức ấn hành từ 2003 đến 2010). Với sự có mặt trên các tờ báo tiếng tăm tại Việt Nam từ những năm 20 đến 50 của thế kỷ 20, Phan Khôi chứng minh rằng, sự nghiệp của ông không chỉ nằm trong những trang sách, mà nơi những bài báo nhỏ bày tỏ thái độ thẳng thắn trước các vấn đề từ đời sống thường nhật của dân sinh, văn hoá đến luận bàn chuyện thế giới, từ những luận chiến văn chương chữ nghĩa đến những cuộc bút chiến động trời về “tri” và “hành” của trí thức với dân nước. Ông không ngại bút chiến với những trí thức có quyền lực.

Là Phan Khôi đầy tinh thần phê phán, hài hước và tự trào dưới bút danh Thông Reo trên tờ Trung lập hay Phan Khôi đầy tinh quái dưới bút danh Chương Dân, Tân Việt trên tờ Thần chung, là chính Phan Khôi của Đông Tây hay Phụ nữ tân văn hay Phan Khôi chủ nhiệm tờ Sông Hương... tất cả, khi những mảnh ghép được ráp lại, cho thấy diện mạo một tác gia hàng đầu của lịch sử báo chí Việt Nam. Không quá khi nói rằng, vào thời Phan Khôi còn viết báo, làng báo, làng văn, làng học thuật của Việt Nam đã không một ngày được yên. Về sau, nhà phê bình Thanh Lãng, trong Phê bình văn học thế hệ 1932, có nói một ý cho thấy sự gắn kết của tên tuổi sự nghiệp Phan Khôi với báo chí Việt Nam thời kỳ đầu, được Lại Nguyên Ân trích dẫn trong lời giới thiệu chung về việc biên soạn bộ sưu tập tác phẩm đăng báo của Phan Khôi: “Sự nghiệp của ông (tức Phan Khôi) hầu hết hãy còn nằm rải rác trên mặt báo”.

Các tác phẩm đăng báo của Ngô Tất Tố, Phạm Quỳnh, Đào Trinh Nhất gần đây cũng được sưu tập lại và công bố. Sau Phan Khôi, thì Vũ Bằng cũng là một tên tuổi “có duyên” được các nhà nghiên cứu như Lại Nguyên Ân, Võ Văn Nhơn… sưu tập và giới thiệu với người đọc hôm nay một cách khá hệ thống.

Thời cuộc qua đi, thời sự vẫn còn

Bên cạnh việc sưu tập theo tên tuổi tác giả hay thể loại, thì việc “biến báo xưa thành sách nay” có khi được thực hiện trọn vẹn theo nội dung của tờ báo, như cách mà Phạm Hồng Toàn giới thiệu lại tuần báo Sông Hương (1.8.1936 đến 27.3.1937) do Phan Khôi chủ nhiệm (trung tâm Văn hoá ngôn ngữ Đông Tây & NXB Lao Động, 2009) hay hình thức giới thiệu, chú giải của Thiện Mộc Lan với trường hợp báo Phụ nữ tân văn (Phụ nữ tân văn – Phấn son tô điểm sơn hà, Thời Đại & NXB Văn Hoá Sài Gòn, 2010)... rất cần thiết giúp cho người đọc có quan tâm, giới nghiên cứu có thể nhìn thấy mỗi tờ báo có một số phận. Có những tờ báo đã đóng góp, xoay trở tồn tại và thậm chí, gặp nạn… đóng cửa, nhưng vẫn quyết liệt với “tôn chỉ mục đích” tự thân, chống lại mọi quyền lực áp đặt.

Từ đó, giá trị của báo chí không nằm ở tính phù du của sự kiện mà nó còn là dữ liệu sống động về thời cuộc, về tâm thế con người. Vũ Bằng viết trong Bốn mươi năm nói láo rằng: “Báo là một bộ môn văn hoá phản ánh sinh động nhất, đầy đủ nhất tính chất của một chế độ xã hội; báo là một phương tiện nói lên phẩm chất hoặc văn minh ưu việt hoặc thoái hoá, đồi truỵ của chế độ ấy; báo chụp lại một cách chân thành tình tiết tâm tư của con người, từng khía cạnh trớ trêu, uẩn khúc, giả tạo của chế độ; báo luôn có tính năng xây dựng; báo là cơ quan bảo vệ và phổ cập chân lý; mà báo cũng là một kỹ nghệ để cho nước này ganh đua với nước kia, để tranh đấu cho sự thật để góp phần tích cực vào sự đóng góp của một nước trên mọi lãnh vực kinh tế, chánh trị, văn hoá… và với cộng đồng thế giới. Sứ mệnh thì lớn mà người làm báo thường lại gian nguy, thiếu thốn, nhưng họ cứ làm báo, cứ say sưa, cứ vượt hiểm nghèo, cứ nghe chửi rủa, cứ cắn răng lại mà chịu đựng, miễn là đạt được lý tưởng của mình; phải chăng đó là tất cả cái vô lý nhưng cũng là tất cả cái cao thượng vượt bực của nghề “nói láo ăn tiền”.

Đọc lại báo xưa cũng là cách để người làm báo nay – trong điều kiện công nghệ hỗ trợ rất tốt cho nghề nghiệp – có dịp tự nhìn lại mình, không gian làm nghề của mình. Và rồi sẽ không thừa khi đặt ra câu hỏi: nếu đời sau lật lại những trang báo thời nay, thì sẽ thấy gì?

BÀI VÀ ẢNH NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

(Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị Online)

 

Đăng ký nhận bản tin

Đừng bỏ lỡ những tin nhắn ưu đãi độc quyền dành riêng cho bạn

{{productItem.Title}}
{{productItem.DescriptionOnlyText}}... Xem thêm
{{productItem.RealPriceStr}}₫    {{productItem.PriceStr}}₫
{{productItem.DiscountPercent}} %
Màu sắc:
  • {{item.Color.Name}}
Chọn kiểu dáng:
Size:
  • {{item.Name}}
{{productItem.HasGift}}
{{productItem.Type==1 || productItem==759 ? 'Sách này sắp phát hành' : 'Hàng này sắp ra mắt'}}
Hàng này không còn
Báo tôi khi có hàng
Thêm vào yêu thích