Nhặt nhạnh từ 48 tâm hồn

SGTT.VN - 48 nhân vật. 48 cuộc đời, không cuộc đời nào giống cuộc đời nào. Đó là 48 góc cạnh của viên đá quý, là những giá trị sống thời chúng ta đang sống. Tất cả đều mang đầy âm hưởng và nhiễu động dữ dội của cuộc sống hôm nay; chất chứa đầy những âu lo, dằn vặt, kiếm tìm trước những câu hỏi mà cuộc sống hôm nay đặt ra trước mỗi người.

 

 
Tập hợp các bài viết của nhà báo Kim Yến cho chuyên trang Giá trị sống báo SGTT, sách do NXB Trẻ và công ty Saigon Media liên kết ấn hành 6.2012.

 

Họ là những văn nhân, nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà giáo dục, doanh nhân, luật sư, kiến trúc sư, bác sĩ, nhà hoạt động chính trị… ít nhiều tên tuổi. Cũng có thể coi là thuộc giới ưu tú trong xã hội. Họ đến từ những chân trời khác nhau, nghề nghiệp khác nhau, với những trải nghiệm, kinh nghiệm sống khác nhau.

Nắm chắc “hồ sơ” từng nhân vật mình phỏng vấn, khéo léo dẫn dắt cuộc trò chuyện, khéo léo gợi mở, tác giả Kim Yến đã khắc hoạ nên chân dung các nhân vật, đưa người đọc vào thế giới tuổi thơ, thế giới nghề nghiệp, thế giới tinh thần và tâm hồn của các nhân vật. Độc giả có thể tìm thấy trong đó, ngoài sự đam mê của từng nhân vật với nghề của họ và những đòi hỏi, hy sinh, giá trị của nghề, còn là quan niệm về cuộc sống và triết lý sống của mỗi người; cái nhìn của họ về xã hội hôm nay với tất cả những ngổn ngang giằng xé và giải pháp mà họ đề nghị cho các vấn đề đặt ra.

Về quan niệm sống và triết lý sống chẳng hạn, Lê Thiết Cương, hoạ sĩ, nói: “Người ta nói nhiều đến khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng tiền tệ, nhưng tôi nghĩ khủng hoảng lớn nhất là khủng hoảng cá nhân. “Tái cấu trúc” lại chính mình cũng là cách để hiểu mình hơn, để sống nhiều hơn. Một cuộc sống tốt đẹp không có nghĩa là một cuộc sống nhiều tiền hơn, ai cũng hiểu điều đó, nhưng không dừng lại được”. Trong khi đó thì Nguyễn Thị Hậu, nhà khảo cổ học, tin rằng “Nhường nhịn một chút, chịu thiệt một chút là xong. Hơn thua nhau một câu nói, một đồng bạc làm gì. Thực ra ở đời chẳng có gì là mất hết, cũng chẳng bao giờ được hết. Được – mất vô cùng lắm…” Còn với nữ doanh nhân Cao Thị Ngọc Dung, đó là “biết đón nhận tất cả những gì đến với mình một cách bình thản hơn, vui cũng không tột đỉnh, mà buồn cũng không tuyệt vọng”. Người đọc có thể nhặt nhạnh được rất nhiều những triết lý sống như thế, những triết lý không từ sách vở mà được đúc kết từ những trải nghiệm cả đời như thế. Nhặt nhạnh để tiếp tục nghĩ suy, tìm lấy cho riêng mình một tâm thế sống ở đời.

Nhưng sẽ chán biết bao nếu chỉ luận bàn về những giá trị vĩnh hằng, đúng cho mọi thời. Xuyên suốt 48 cuộc trò chuyện là những vấn đề của xã hội hôm nay được đề cập, thấu cảm qua lăng kính riêng của từng nhân vật. Khủng hoảng là từ được nhắc đến nhiều. Như với Nguyễn Duy, nhà thơ: “Quả là có quá nhiều đổ vỡ. Những đổ vỡ đương đại đang “toác toàng toang” trong tôi. Cái vỡ lớn nhất là vỡ mộng, đâu có ứng riêng với một thời nào, Nguyễn Trãi đã nói từ ngày xửa ngày xưa rồi…” Còn với hoạ sĩ Phan Cẩm Thượng thì: “Chỉ buồn thôi, chứ không tới mức khủng hoảng (…) Chỉ có một nỗi buồn lớn nhất là con đường phát triển của dân tộc hiện tại đã phá huỷ môi trường, văn hoá tinh thần mạnh quá. Dòng chảy theo đuổi kiếm tiền cũng mạnh quá, ít ai quan tâm đến việc thưởng thức nghệ thuật, làm giàu có cho tâm hồn”. GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên đại biểu Quốc hội cũng cùng cảm nhận: “Có lẽ chưa bao giờ ý thức làm giàu bằng mọi giá, nạn bạo lực, sự thờ ơ, vô cảm trước những vấn đề chung, những nỗi đau của đồng loại, sự chối bỏ những giá trị truyền thống, thậm chí sự đổ vỡ niềm tin hiện rõ như bây giờ”. Với đạo diễn phim tài liệu Trần Văn Thuỷ thì: “Suy cho cùng vấn đề của xã hội Việt Nam bây giờ chính là vấn đề nhân cách. Từ tham nhũng, mua quan chạy chức, băng đảng… đến chuyện nói một đàng, nghĩ một nẻo (…) Nhưng có lẽ chưa bao giờ nói dối trở thành bình thường như bây giờ”.

Tuy vậy, điều đáng nói là không một ai hoàn toàn tuyệt vọng, không ai mất niềm tin. Mỗi nhân vật đều tìm cách góp phần, tìm cách lý giải nguyên nhân và tìm giải pháp cho những vấn đề của xã hội hôm nay. Đó có thể là chống sự xói mòn của nhân tính, bồi đắp sự tử tế nơi mỗi con người (đạo diễn Trần Văn Thuỷ); là nâng cao dân trí; là nâng cao tri thức và lòng trắc ẩn, hai trụ cột của xã hội (GS Phạm Xuân Yêm); là trở về với những giá trị truyền thống tốt đẹp Việt Nam; là vun xới đời sống tâm linh… Nhiều, rất nhiều những giải pháp. Và có lẽ chẳng thể chờ ai đó “phát động”, “tổ chức thực hiện” những giải pháp này. Có chăng là tự mỗi người chúng ta đọc, soi mình vào 48 cuộc đời, 48 mảnh ghép giá trị ấy và tự tìm một lối đi trước hết cho mình, sau nữa cho cộng đồng.


Đoàn Khắc Xuyên

(Theo SGTT)

Đăng ký nhận bản tin

Đừng bỏ lỡ những tin nhắn ưu đãi độc quyền dành riêng cho bạn

{{productItem.Title}}
{{productItem.DescriptionOnlyText}}... Xem thêm
{{productItem.RealPriceStr}}₫    {{productItem.PriceStr}}₫
{{productItem.DiscountPercent}} %
Màu sắc:
  • {{item.Color.Name}}
Chọn kiểu dáng:
Size:
  • {{item.Name}}
{{productItem.HasGift}}
{{productItem.Type==1 || productItem==759 ? 'Sách này sắp phát hành' : 'Hàng này sắp ra mắt'}}
Hàng này không còn
Báo tôi khi có hàng
Thêm vào yêu thích