“Ma có việc của ma, Hoàn có việc của Hoàn!”

Nguyễn Lê My Hoàn từng rất nổi tiếng trên các tờ báo văn chương học trò khoảng 15 năm trước; từng tạo dấu ấn với một truyện dài mà tựa của nó, đến nay vẫn được dùng như một thành ngữ chỉ sự dấn thân quyết liệt của người trẻ – Lối đi ngay dưới chân mình (giải nhì Văn học tuổi 20 lần 1 do nhà xuất bản Trẻ, báo Tuổi Trẻ, hội Nhà văn TP.HCM tổ chức). Và sau đó, cô “mất tích một cách khó hiểu” đến chục năm trời.


Thế rồi, cái tên Nguyễn Lê My Hoàn “đột ngột” trở lại trong tư cách một dịch giả. Cô dành cho SGTT cuộc trao đổi nhân dịch phẩm đầu tay của mình, tiểu thuyết Trước lúc ngủ say của S.J.Watson vừa ra đời cách đây một tháng và sắp được tái bản.

 

 
Nguyễn Lê My Hoàn là tác giả của: Lối đi ngay dưới chân mình (truyện dài), Thơ sĩ dế, Hoàng Điệp (hai tập truyện ngắn). Hiện làm việc tại NXB Trẻ.

 

Tại sao phải ghi rõ “tiểu thuyết tâm lý” vào bìa sách, khi mà bản thân thể loại tiểu thuyết thường được hiểu là đã bao hàm tính chất “tâm lý”?

Chúng tôi ghi thế để nhấn mạnh rằng Trước lúc ngủ say là một tiểu thuyết thú vị với mức độ “tâm lý” đậm đặc gấp đôi, không, có lẽ là đậm đặc ở mức độ bình phương mới đúng! Nó gấp đôi chữ LOVE (tình yêu) trong đời một người phụ nữ và nó bình phương chữ LOSS (mất mát) khi ý muốn sở hữu tình yêu của những người trong cuộc quá lớn, và nhất là khi nhân vật nữ chính của nhóm người trong cuộc ấy lại mắc phải một chứng bệnh mất trí nhớ dạng hiếm: từng ngày một, toàn bộ ký ức về những người cô gặp, những sự việc cô trải nghiệm trong ngày đều bị xoá sạch mỗi đêm, sau một giấc ngủ say.

Sau một vụ tai nạn, Christine Lucas đã rơi vào một kiểu quên kỳ lạ: nhớ tất cả các sự việc xảy ra trong vòng 24 giờ trước khi đánh mất chúng. Cô được một chuyên gia tâm lý (bác sĩ Nash) giúp “ghi” lại từng mảnh ký ức bằng nhiều cách, trong đó có việc viết nhật ký mỗi ngày, từ đó mà lần dấu qua từng khoảng hoang trống, mờ mịt của thời gian để góp nhặt từng mảnh vụn trí nhớ suy tàn…, dần dần dựng lại một câu chuyện tình yêu. Là một người từng viết văn, chị có nghĩ rằng, với cốt truyện như thế, nếu không pha trộn thứ trò chơi “lấp lửng”, bí ẩn của phân tâm học, sẽ dễ sa vào một dạng diễm tình?

Chịu. Tôi không giỏi suy đoán lắm đâu, chỉ biết thích cái cách mà Trước lúc ngủ say đã gợi ra cho tôi nhiều câu hỏi. Rằng, nếu ký ức về mỗi một ngày trôi qua đều bị xoá sạch, như một ván cờ bị xoá lúc cuối ngày, bất kể bạn thua hay thắng, liệu bạn có muốn chơi tiếp hay không? Liệu có gì là thú vị khi ngày hôm sau bạn bày bàn cờ trở lại mà chẳng có một kinh nghiệm gì về ván cờ trước đó, dù bạn đã chơi nó cả mấy chục năm ròng? Nếu chẳng nhớ ra nổi đời mình, liệu bạn có biết được mình là ai không? Nếu chẳng biết mình là ai, cuộc đời của bạn liệu có còn ý nghĩa nữa không?

Khi tự vấn như vậy, tôi thấy mình đang âm thầm chinh phục một vùng đất lạ lẫm, với những ranh giới nhập nhoạng cùng những cư dân bí ẩn.

Nhưng hẳn điểm mạnh của cuốn sách lại làm khó cho dịch giả (đòi hỏi sự tìm hiểu kiến thức tâm lý học chuyên ngành). Chị có vất vả với “trò chơi tâm lý” của tác giả S.J.Watson ở Trước lúc ngủ say?

Có chứ. Rất nhiều lúc tôi ngồi thần ra trước trang bản thảo vì chẳng biết phải dịch như thế nào nữa. Cũng may là những phần kiến thức tâm lý học ấy không nhiều lắm và đã được chàng bác sĩ Nash trong tiểu thuyết Trước lúc ngủ say diễn tả khá là súc tích, vì gần như ngày nào anh ta cũng phải giải thích điều đó cho bệnh nhân Christine, mà cô ấy thì hôm nay thức dậy ngỡ mình là một đứa trẻ, hôm khác lại ngỡ mình là một thiếu nữ ngây thơ... Thế nên có thể coi sự thông minh của cô Christine và tôi về vấn đề này là ngang ngửa nhau – nghĩa là cùng mù tịt về nó – mà bạn biết rồi đấy, giải thích một vấn đề khó cho một người mù tịt thì phải đơn giản nhất có thể rồi (cười).

S.J.Watson trong hành trình đến với văn chương đã trải qua một chọn lựa bị coi là ngông nghênh: bỏ ngang xương công việc phó quản lý một mảng dịch vụ quan trọng tại hiệp hội Chăm sóc sức khoẻ Anh Quốc (NHS) để đi học viết văn. Ngoài giá trị của cuốn sách, thì hình như sự “chuyển hướng” trong sự nghiệp của tác giả đã tạo sự đồng cảm đối với chị – một người từng viết văn và bỗng dưng “mất tích” để làm kinh doanh rồi chợt xuất hiện trở lại trong vai trò một dịch giả?

Bạn “điểm huyệt” chính xác. “Mất tích” trên văn trường để “góp mặt” trên thương trường là cách để tôi tạo dựng vốn sống và tăng độ trải nghiệm của mình đó mà. Bảy năm là một quãng thời gian vừa đủ để tôi kết thúc một chuyến ra đi và bắt đầu hành trình trở về…

Bắt tay vào công việc dịch thuật trong một thời điểm mà chất lượng dịch thuật đang được người đọc, giới chuyên môn “soi” rất kỹ, chị có bị áp lực?

Bạn bè thấy tôi ở nhà một mình thường hỏi: ở thế có sợ ma không? Tôi chỉ biết cười và bảo: ma có việc của ma, Hoàn có việc của Hoàn. Việc ai người nấy làm thôi. Nhà văn thì phải viết, dịch giả thì phải dịch, nhà chuyên môn thì phải “soi”. Nếu mỗi người đều làm tốt công việc của mình thì tất cả chúng ta đều có lợi. Nghĩ thế, nên tôi thấy rất nhẹ nhàng.


Nguyễn Vinh

(Theo SGTT)

Đăng ký nhận bản tin

Đừng bỏ lỡ những tin nhắn ưu đãi độc quyền dành riêng cho bạn

{{productItem.Title}}
{{productItem.DescriptionOnlyText}}... Xem thêm
{{productItem.RealPriceStr}}₫    {{productItem.PriceStr}}₫
{{productItem.DiscountPercent}} %
Màu sắc:
  • {{item.Color.Name}}
Chọn kiểu dáng:
Size:
  • {{item.Name}}
{{productItem.HasGift}}
{{productItem.Type==1 || productItem==759 ? 'Sách này sắp phát hành' : 'Hàng này sắp ra mắt'}}
Hàng này không còn
Báo tôi khi có hàng
Thêm vào yêu thích