Maeve Binchy - người Dublin cuối cùng

Chiếc bàn con trong một căn nhà nhỏ ở thành phố Dublin (Ireland) sẽ không còn lưu giữ hình ảnh của nữ chủ nhân ngồi nhấm nháp bên cạnh ly champagne lúc 11 giờ trưa hàng ngày nữa. Maeve Binchy đã ra đi ở tuổi 72, nhẹ nhàng như những nhân vật đầy tình cảm của bà. Người Ireland vừa mất đi một tượng đài văn chương. 

 

Người kể chuyện xuất sắc

Nhà phê bình văn học Martin Chilton của tờ Guardian từng nhận xét Binchy là người kể chuyện xuất sắc và “một khi bạn đã thích lối văn phong nhẹ nhàng, thấm đẫm nhân văn và hài hước ấy thì bạn sẽ luôn là một độc giả trung thành của Binchy”. 

Nhưng cá nhân Binchy thì chỉ thừa nhận: “Ai mà chẳng sung sướng khi sách mình bán chạy suốt bao nhiêu thập niên qua nhưng tôi chẳng điên khùng gì mà dám nhận vơ là một nhà văn lỗi lạc mà nhiều người ca tụng. Đối với tôi, những tác phẩm tôi viết ra đều bình dị và những người mua chúng cốt để đọc cho qua nhanh những ngày nghỉ mà thôi”. Trên thực tế, 30 năm qua, tác phẩm của Binchy đã bán hơn 40 triệu cuốn, mỗi tác phẩm được dịch ra gần 40 thứ tiếng và một vài truyện đã được Hollywood đưa lên màn ảnh. 


Maeve Binchy

Thủ đô Dublin (Ireland) được xem là nơi sản sinh ra nhiều nhà văn lỗi lạc như George Bernard Shaw, James Joyce, Flann O’Brien, Seamus Heaney... Thành phố này sở hữu một di sản văn hóa mà những thành phố khác phải ghen tị khi có tới 3 nhà văn người Dublin đoạt giải Nobel Văn học. Maeve Binchy là một trong những người nối tiếp dòng chảy văn học có chiều sâu của Ireland và bà được xem là kho báu của văn học Ireland đương đại. 

Maeve Binchy sáng tác tiểu thuyết và truyện ngắn, bà tập trung mô tả sự va chạm giữa văn hóa truyền thống và cuộc sống hiện đại, rõ nhất là ở Dubin quê hương bà. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của Binchy mang tên Light A Penny Candle được xuất bản năm 1982 trở thành cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất vào thời đó. Với bối cảnh là những năm diễn ra Đệ nhị thế chiến, Light A Penny Candle lột tả sinh động cuộc sống của những người dân ở thị trấn nhỏ vùng Ireland, những mối quan hệ họ hàng ruột thịt, cộng đồng với nhau. Lẽ ra Mavea Binchy đã bỏ mộng văn chương khi năm 1982 bà cầm cuốn tiểu thuyết này gõ cửa 4 nhà xuất bản và đều bị từ chối. Phải đến lần thứ năm, khi tìm đến nhà xuất bản Arrow, tiểu thuyết của bà mới tới đúng địa chỉ.  

Càng về sau những tác phẩm của Binchy càng khắc họa rõ hơn lòng trắc ẩn, tình người và mối quan hệ cộng đồng. Ở tác phẩm Dublin 4 (Người thành phố Dublin, NXB Trẻ, 2002) với nhiều truyện ngắn như Một mình ra tỉnh, Khi anh ấy tỉnh rượu… người đọc thấy sự cuộn rõ lòng trắc ẩn pha trộn với sự ý nhị của tính hóm hỉnh của tác giả. Binchy đưa người đọc thâm nhập vào cuộc sống của hai tuýp người ở Ireland, một cô gái nhà quê lên tỉnh và anh chàng thành thị đang khổ sở bất đắc chí với những bi kịch, dại khờ và những hy vọng mà họ nhen nhóm. 

Còn trong tác phẩm The Glass Lake (Dòng sông Glass, NXB Lao Động, 2005, hai tập) lại là một lối viết hài hước pha lẫn bí ẩn. Kit McMahon sống ở một thị trấn nhỏ cạnh hồ nước Glass (Ireland), nơi mọi người đều biết nhau; những đứa trẻ đến trường cùng nhau đã lớn bên nhau rồi trở thành những cặp tình nhân và cưới nhau; người dân hay ngồi lê đôi mách, cằn nhằn và mơ một cuộc sống khác bởi vì đây là nơi mọi sự thay đổi đều diễn ra rất chậm chạp. Cho đến một ngày người phụ nữ xinh đẹp bí ẩn Helen Mc- Mahon biến mất, mọi người cho rằng cô ấy bị chết đuối dưới sông và lời đồn đại cứ thế lan truyền. Hậu quả gây ra cho chồng, con trai và hơn hết là cho cô con gái Kit của Helen không thể tưởng tượng được và làm cho cuộc sống của tất cả bọn họ thay đổi. 

Tác phẩm Circle Of Friends (Vòng tay bè bạn, NXB Văn hóa - Thông tin, 2005) từng được Hollywood dựng thành phim với sự tham gia của Chris O’Donnell và Minnie Driver vào năm 1995. Bốn năm sau, khi cuốn tiểu thuyết Tara Road ra đời và ăn khách bậc nhất vào thời đó, Hollywood lại tiếp tục chuyển thể thành phim với sự tham gia của hai ngôi sao Andie MacDowell và Olivia Williams. 

 



Maeve Binchy và chồng, nhà văn Gordon Snell. Maeve Binchy bảo rằng Gordon Snell là người đàn ông mà bà yêu nhất trong cuộc đời vì ông đến với bà trong lúc bà khó khăn nhất và trải qua tất cả mọi khó khăn trong cuộc đời

Trái tim nhân hậu 

Báo chí Ireland ca ngợi Maeve Binchy là một nhà văn có trái tim nhân hậu, nhiều câu chữ của bà được xếp vào hàng danh ngôn. “Cho dù bà không thể có con nhưng những tác phẩm của Binchy là những đứa con cực kỳ đáng yêu. Nhân vật nào của bà cũng có nhà ở, cuộc sống, có tên tuổi…những điều bình dị của cuộc sống nhưng đọc lại rất hấp dẫn và không sa vào lối mòn”, nhà văn Claudia Carroll nhận xét. 

Với một nhà văn mà các tác phẩm thường đằm thắm và chọn lối diễn đạt trực tiếp như kiểu Binchy rất dễ sa vào lối mòn khiến người đọc nhàm chán nhưng Binchy rất sớm nhận ra điều này. “Điều duy nhất khiến tôi không sa đà vào những con chữ khô queo và thẳng đuột là nhờ vào những năm tháng làm báo”, Binchy từng nói. Bà đã từng làm rất lâu cho tờ The Irish Times, giữ mục Phụ nữ trong tuần, lương cao ngất ngưởng và một thời gian dài bà làm trưởng chi nhánh của báo này ở London (Anh). 

Lẽ ra Binchy đã không phải là nhà báo và sẽ chẳng phải là nhà văn nếu như bà vẫn tiếp tục sự nghiệp làm giáo viên như thời thanh niên. Sinh ra trong một gia đình gia giáo, cha bà là giáo viên, anh chị em đều là luật sư và sử gia nên ngay từ bé Binchy nuôi mộng sẽ trở thành giáo viên. Lớn lên bà thi đỗ vào khoa Sư phạm sử trường đại học Dublin và dạy cho học sinh gốc Do Thái ở Ireland. Vào Hè năm 1963, cha mẹ học sinh đã tặng cho cô giáo Binchy một chuyến sang thăm Israel và tại đây Binchy đã thay đổi rất nhiều khi thấy những hình thái nông xã quân đội mọc lên khắp nơi. Trong những lá thư gửi về gia đình bà phân tích sự hiện đại và đoàn kết trong cộng đồng nông xã và sự tự hào của bà khi thấy sức vươn lên mạnh mẽ của người Do Thái. Và Binchy đã không thể ngờ khi cha bà đã gửi những bức thư ấy cho tờ Irish Times và tờ này ngay sau đó đã đăng dài kỳ những bức thư phương xa. Trở về Ai Len sau đó Binchy đã được mời vào làm báo và trở thành cây bút chủ lực của Irish Times. 

 

Tác phẩm của Maeve Binchy đã bán hơn 40 triệu cuốn, được dịch ra gần 40 thứ tiếng

Nhà văn Maeve Binchy qua đời hôm 30/7 tại Dublin sau một thời gian ngắn lâm bệnh. Cách đây không lâu, trên trang web của mình bà cho biết: “Mấy ngày gần đây sức khỏe của tôi không được tốt lắm và tôi không thể đi thăm mọi người như thường lệ. Tuy vậy tôi vẫn luôn vui mừng lắng nghe ý kiến của độc giả và cố gắng có những hồi âm”. 

 

Trong cuộc đời mình Binchy đã đoạt nhiều giải thưởng văn học uy tín, người đọc Việt Nam cũng đã từng rất yêu thích những tác phẩm của bà. 

Nhà hát Peacock ở Dublin đã dựng hai vở kịch của bà là vở Cuối kỳ và Mảnh đất hứa nửa vời. Vở kịch truyền hình của bà, Cực kỳ hối tiếc, đã giành hai giải thưởng Jacobs và giải thưởng Kịch bản hay nhất tại Liên hoan phim Prague. 

Khi Binchy mất đi, tờ Irish Times đã gọi bà là người Dublin cuối cùng như ngụ ý sẽ khó còn ai tiếp nối được con đường mà Binchy đã đi qua “dù rất dễ đi nhưng không phải ai cũng đi được nếu thiếu một trái tim”. Binchy được xem là nhà văn có trái tim nồng ấm nhất văn học Ireland đương đại.

Nguyên Minh

(Theo TT&VH)

Đăng ký nhận bản tin

Đừng bỏ lỡ những tin nhắn ưu đãi độc quyền dành riêng cho bạn

{{productItem.Title}}
{{productItem.DescriptionOnlyText}}... Xem thêm
{{productItem.RealPriceStr}}₫    {{productItem.PriceStr}}₫
{{productItem.DiscountPercent}} %
Màu sắc:
  • {{item.Color.Name}}
Chọn kiểu dáng:
Size:
  • {{item.Name}}
{{productItem.HasGift}}
{{productItem.Type==1 || productItem==759 ? 'Sách này sắp phát hành' : 'Hàng này sắp ra mắt'}}
Hàng này không còn
Báo tôi khi có hàng
Thêm vào yêu thích