Đừng tiếp đón những cơn điên cuồng

SGTT.VN - Nếu bạn có một tài khoản Facebook hay Twitter và nhất thiết mỗi ngày phải đăng nhập liên tục để chém gió, giãi bày tâm sự qua các “status”, tag những đoạn “note”, “share” hình ảnh mới sang “nhà” người khác, tò mò ghé xem từng người trong “friendlist” nghĩ gì, đang trong tình trạng thế nào, bày tỏ thái độ qua việc “like” hay “comment” đầy nhiệt tình; nếu bạn có thói quen mở một lúc quá nhiều cửa sổ trên màn hình và làm việc nọ xọ việc kia... thì có nghĩa là bạn đang cần đến cuốn sách này. Nếu không, có thể bạn đang chào đón những cơn điên cuồng đi vào tâm hồn mà không hay biết.

 

 
“Kẻ thù số một của internet” Nicholas Carr.

 

Nếu bạn cảm thấy thời gian qua, việc đọc những cuốn sách giấy diễn ra khó khăn, nguyên do là ở sự xao lãng, mất tập trung; việc dự định viết một bài luận, một truyện ngắn hay một tiểu thuyết cứ bị gián đoạn và một hôm, bạn phát hiện ra mình chỉ còn đủ khả năng để viết từng đoạn văn rời rạc, hời hợt, nhạt nhẽo rất ngắn... thì đã đến lúc nên ngắt kết nối để tìm hiểu nguyên nhân một cách nghiêm túc qua chương 3, chương 4 và chương 6 của cuốn sách này. Có thể não bạn đang bị internet, điện toán đám mây, sự đa nhiệm của các thiết bị công nghệ hiện đại khiến cho phân tán, rời rạc, lạc trong tư duy tung hứng, đánh mất sự tập trung và chiều sâu, đánh mất kỹ năng trầm lắng, tĩnh lặng để chìm đắm khi đọc sâu.

Nếu bạn từng cho rằng, các thiết bị đọc sách như iPad, Amazon Kindle có thể thay thế những cuốn sách giấy, những nhà văn viết trực tuyến son phấn kia có thể thay ông nhà văn khổ hạnh truyền thống lùi khỏi đám đông để sáng tạo, thì nên đọc quãng giữa của cuốn sách này. Đây là dịp bạn trở ngược lịch sử xuất bản để lần đến hiện đại, ở mỗi giai đoạn công nghệ, con người có một phương thức đọc khác nhau. Có những điều hạn chế trong thói quen đọc trên mạng, đọc sách điện tử được liệt kê, phân tích kỹ lưỡng, làm cho bạn bị thuyết phục rằng, cuốn sách giấy truyền thống, những thư viện đồ sộ vẫn có chỗ của nó trong thời tương lai. Và mặc cho nhà văn thức thời đang tự giết chết sự độc lập và cô đơn sáng tạo để phơi bày cái mong manh dễ vỡ của mình trước đám đông cộng đồng mạng đầy nhiễu sự, thì văn học chân chính vẫn có đất sống. Chúng ta cần niềm tin rằng, những thay đổi trải nghiệm, cách thức người đọc, viết đang diễn ra không làm thay đổi được bản chất của vấn đề sáng tạo và lĩnh hội tri thức.

Nếu bạn cảm thấy máy tính thực sự mang đến một thế giới quá đầy đủ, mối quan hệ với người thân, tha nhân diễn ra qua tin nhắn, mạng xã hội, chat quá ư tiện dụng... thì đã đến lúc bạn nên gấp cuốn sách này lại và suy nghĩ thêm về sự quan tâm và đọc suy nghĩ của người khác. Bằng không, sự tung hứng sẽ vẫn tiếp tục diễn ra trong những căn phòng đóng kín chật đầy ảo tưởng về sự cá thể hoá mà công nghệ mang lại.

Nếu bạn nghĩ rằng internet giúp mình thông minh hơn, hiểu biết nhiều hơn, thì hãy đọc chương 7 của cuốn sách này. Bạn sẽ tìm ra chiều sâu của trí thông minh xoay quanh khả năng chúng ta chuyển thông tin từ trí nhớ hiệu dụng sang trí nhớ dài hạn và dệt thành các lược đồ khái niệm. Điều đáng nói, với một lượng thông tin tiếp nhận từ internet vượt quá tải trọng nhận thức, thì tất yếu sẽ xảy ra sự “nghẽn”, phản tác dụng; lúc bấy giờ não bộ chỉ chọn lấy cơ chế tiếp nhận thông tin rất nhỏ và lưu trữ ngắn hạn. Và, trí nhớ hiệu dụng là thứ giới hạn biên độ nhận thức bền vững của chúng ta.

 

 

Cuốn sách này gọi Google là một “giáo hội”, gọi máy tính nối mạng là một “hệ sinh thái các công nghệ gián đoạn” (mượn cách nói của Corry Doctorow, nhà văn giả tưởng), gọi trí tuệ bị lệ thuộc vào điện toán đám mây là thứ “trí tuệ giả tạo” (theo cách nói tiên tri của Kubrick: khi chúng ta dựa vào máy tính làm trung gian cho sự hiểu biết về thế giới thì trí thông minh của chúng ta đã trở thành trí tuệ giả tạo).

Bằng một văn phong hấp dẫn, sự phân tích đầy uyên bác, Nicholas Carr, người được mệnh danh là kẻ thù số một của internet đưa ra cho chúng ta những phản biện để nhất thiết phải nhìn lại đời sống tôn thờ công nghệ đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, đưa ra những phê phán cần thiết trước chủ nghĩa duy công nghệ đang đi sâu, thống trị não trạng mỗi chúng ta.

Độc giả trong nước đã biết đến Nicholas Carr qua cuốn Chuyển đổi lớn (Vũ Duy Mẫn dịch, NXB Trẻ, 2010). Nicholas Carr là cựu tổng biên tập của tờ Harvard Business Review; là tác giả nhiều bài viết văn hoá công nghệ được chú ý trên các tờ New York Times, The Atlantic, Wall Stress Journal... Những cuốn sách của ông như The Shallows (Trí tuệ giả tạo), The big switch (Chuyển đổi lớn) hay Does IT matter (IT đã hết thời?) luôn biết cách gây sốc một cách cần thiết, giúp người đọc nhìn lại các vấn đề nhân bản trong phát triển công nghệ.

NGUYỄN NGUYÊN THẢO

(Đọc Trí tuệ giả tạo – Internet đã làm gì chúng ta?, Nicholas Carr, Linh Giang, Hà Quang Hùng dịch, Vũ Duy Mẫn hiệu đính, NXB Trẻ, 2012, 285 trang, 85.000 đồng)

Bạn có thể tìm mua sách tại đây: http://bookbuy.vn/sach/14917/Tri-Tue-Gia-Tao---Internet-Da-Lam-Gi-Chung-Ta-.html

Đăng ký nhận bản tin

Đừng bỏ lỡ những tin nhắn ưu đãi độc quyền dành riêng cho bạn

{{productItem.Title}}
{{productItem.DescriptionOnlyText}}... Xem thêm
{{productItem.RealPriceStr}}₫    {{productItem.PriceStr}}₫
{{productItem.DiscountPercent}} %
Màu sắc:
  • {{item.Color.Name}}
Chọn kiểu dáng:
Size:
  • {{item.Name}}
{{productItem.HasGift}}
{{productItem.Type==1 || productItem==759 ? 'Sách này sắp phát hành' : 'Hàng này sắp ra mắt'}}
Hàng này không còn
Báo tôi khi có hàng
Thêm vào yêu thích