-
-
{{item.Color.Name}}
- {{item.Name}}
77,000 đ
Tiết kiệm:
14,000 đ (15%)
Giá thị trường: 91,000 đ
Tình trạng:
Hết hàng
THÔNG TIN CHI TIẾT
Giới thiệu sản phẩm
Nội dung
NHẬN XÉT CỦA KHÁCH HÀNG
Đăng ký nhận bản tin
Đừng bỏ lỡ những tin nhắn ưu đãi độc quyền dành riêng cho bạn
CHƯƠNG 1
Ấy là vào một đêm mùa đông cách đây gần tám năm...
Đêm lạnh giá, tái tê ngọn gió bấc mang theo hương hoa sữa thơm hắc từ những căn phố cụt quanh mặt hồ thổi thông thốc vào ga, khiến cho nơi đây xưa nay vốn ồn ào nóng bức, nay cũng đột nhiên trở nên âm thầm, co cụm. Lại mưa nữa. Mưa nhỏ hạt thôi nhưng cũng đủ để cho những tấm vải nhựa sột soạt giở ra vội vã ở vỉa hè này, bậc thềm nọ trong cái dáng co ro của vài ba bóng người từ khoảng trống chui vào chỗ khuất. Một tiếng xuýt xoa nho nhỏ rên lên từ trong chăn, một tiếng điếu cày ré giòn trong bóng tối, một ngọn đèn dầu lả ngọn xuống khuôn mặt ngái ngủ tiều tụy của người đàn bà bán nước chè chén đêm. Ngoài hiên ga, những giọt nước tong tả rỏ xuống đường rãnh nông choèn, làm bốc lên, lan ra cái mùi vị nồng nồng quen thuộc mà nếu không có nó thì chẳng ra cái nơi công cộng hội tụ đủ loại cư dân tạm thời của thập phương tứ xứ. về đêm, dường như cả xã hội thu gọn vào đấy. Ngột ngạt và tan loãng.
Rét! Năm nay rét đậm và dài. Tưởng như cả thành phố ủ kín trong chăn bông, ông lão làm nghề tẩm quất có tiếng rao nẫu ruột, một vài cô gái đi đêm, dăm ba gã con trai bất hảo, vài kẻ ăn xin tàn tật, ngay cả mấy người cảnh sát cần mẫn nhất đêm nay cũng đã lặn giạt vào đâu đó từ chập tối! Nhớp nháp, vắng hoe và hiu hắt, nó gợi lên hơi hướng một cái ga ở trung du, ở miền ngược. Buồn! Thành phố về đêm bao giờ cũng buồn. Ở sân ga lại càng buồn. Thỉnh thoảng giọng người đàn bà phát thanh viên xưa cũ, xa vắng gợi sự nhàm tẻ tới nôn nao lại bật lên như vừa ngủ vừa nói: "Đoàn tàu... Đoàn tàu sắp khởi hành. Đoàn tàu sắpvào ga... Xin mời qúy khách chuẩn bị hành lý lên tàu... Đoàn tàu... Đoàn tàu...". Toàn là một âm trầm đơn lẻ, không đổi thay, không cao thấp; không thể có ở nơi nào, chỉ có thể có ở nơi đây. Nó gợi nỗi bồn chồn của ly biệt, nó gợi cả cái nằm ỳ cố định của thời gian. Một giọng nói có mạng nhện giăng!
“Đoàn tàu... Đoàn tàu Thống nhất! Sắp vào ga. Xin lưu ý quý khách: Đoàn tàu Thống nhất 1 sắp vào ga...”. Để phụ họa cho giọng nói dửng dưng không chút sinh khí ấy, quả thật từ phía Ngã Tư Vọng hay xa hơn một chút, một tiếng còi đột ngột hú vang bằng cái giọng khàn khàn mệt mỏi báo rằng đang đi đến điểm kết thúc cuộc hành trình dằng dặc của mình.
Dưới quầng sáng nhập nhòe của ngọn đèn ga, người ta có thể trông rõ trong toa số 6 có bốn người lính hay bốn bóng người vận bộ đồ lính lần lượt bước xuống. Họ ngẩn ngơ một chút trước cảnh xô bồ ồn ã của xung quanh rồi nối hàng dọc thong thả bước qua sân ga ra cổng. Với những chiếc ba lô giữ nguyên dạng hình cóc, họ bước nhẹ tênh, trầm tĩnh, chẳng ngó ngược nhìn xuôi để tìm kiếm người nhà. Có ai đâu để ra đón họ đêm nay! Bóng họ vẽ thành một vệt màu xám nặng, thẳng thớm, lặng lẽ xuyên qua đám đông, lách ra ngoài khoảng trống.
Người đi đầu dáng cao, có cái cổ nghênh nghênh không bình thường khoát tay cho tất cả dừng lại:
- Ngồi tại đây thôi!
Họ đặt ba lô ngồi luôn xuống vỉa hè nhớp nháp chẳng cần kê giày, lót dép và mặc kệ cho mưa rơi xuống đầu. Cả bốn người đều còn trẻ, xấp xỉ tuổi nhau, khoảng trên dưới ba mươi hay ít hơn một chút nhưng đã sớm thâm trầm, khắc khổ.
Vẫn là người nghênh nghênh cổ có vẻ lớn tuổi hơn cả nói trước:
- Ngồi với nhau thêm một chút. Còn rượu đây, mỗi thằng tợp một ngụm rồi chia tay.
Chiếc bi đông nhựa sứt sẹo mang nhãn hiệu USA được lần lượt rót cho mỗi người một nắp bi-đông rượu đầy tràn. Họ uống lặng lẽ, lặng lẽ như ca rượu giữa rừng chúc nhau vào trận hay mừng nhau thoát chết năm nào.
- Thế là xong! Xin giã từ binh nghiệp từ đây - Anh khà một tiếng nói tiếp, không giấu được đôi chút ngậm ngùi nhẹ nhõm - Mỗi thằng đã làm xong phần việc của mình không đến nỗi tồi. Bây giờ chuyển sang cuộc sống khác, tay trắng và bít bùng chưa biết thế nào nhưng cứ kệ nó. Sống đã sống được là may rồi. Ra đi cả trăm thằng, đêm nay chỉ còn lại có bốn thằng ngồi chống gối ở đây. Buồn... Nhưng thế cũng là xong. Làm một nắp nữa đi! Uống cho hết, uống chờ sáng rồi từng thằng tự động phân tán, ai về nhà nấy, bắt đầu lại cuộc đời từ đâu. Hấp! Dô!
- Ý mình thế này nhé! - Người ngồi cạnh có khuôn mặt rắn rỏi, nhiều râu, mắt to và hơi phảng phất buồn gượng nhẹ lên tiếng - Nhà mình ở gần đây. Chật thôi nhưng chỉ có hai ông bà già. Bây giờ kéo tất cả về làm một bụng cơm, lăn ra đánh một giấc đã, mai rồi tính. Nên thế.
- Ấy, còn nhiều dịp mà anh Linh - Người thứ ba có lẽ là trẻ nhất, có nụ cười rất hiền và đôi mắt trong veo như mắt con gái nói - Chiến nghĩ là đã khuya lắm rồi, đừng đánh thức hai bác dậy. Tốt nhất là cứ cụm cả ở đây đến sáng rồi chia tay theo đúng kiểu lính như anh Vận nói.
- Thằng Chiến nói nghe được. Ít nói nhưng đã nói là nghe được cả
- Người có cái cổ nghênh tên là Vận gật đầu - Thức trắng với nhau một đêm dưới trời mưa mới có kỷ niệm chứ. Thế nào Huấn?
Anh quay sang người thứ tư ngồi ở bên phải mình. Người này từ đầu đến giờ chỉ uống chứ không nói, cung cách đặc biệt thâm trầm, có cái nhìn ra xung quanh khá sắc; nghe hỏi, khẽ gật đầu:
- Tao sợ rằng - Vận nói khẽ - Rồi tới đây mỗi thằng một hoàn cảnh khéo lại khó gặp nhau. Vậy để đừng mất liên lạc, từng thằng hãy nhắc lại địa chỉ cho khỏi quên - Anh đập tay vào ngực mình - Tao, Trương Đình Vận, cựu thượng úy tiểu đoàn trưởng, phục viên do thương tích ở động mạch cổ, quê tại Cổ Nhuế ngoại thành Hà Nội. Vợ tên là Tài, Nguyễn Thị Tài, chưa biết còn hay mất.
- Tôi, Trần Hoài Linh, thiếu úy đại đội trưởng, chưa vợ, nhà tại Hà Nội. Trước mắt có thể chuyển ngành, có thể không. Xin lưu ý: Phố hẹp và nhỏ, có rất nhiều hoa sữa, đi từ xa đã ngửi thấy mùi thơm tỏa ra hăng hắc rồi.
- Tôi... Nguyễn Văn Chiến. Quê quán Yên Bình, Yên Bái. Khi tôi đi nơi này toàn núi, bây giờ nghe nói đã trở thành hồ chứa nước. Tôi ở xa nhất đấy nhưng có rượu ngon, nhiều thịt rừng, nếu các anh lên được, mặc sức nhậu sáng đêm. Tôi như anh Linh: Có thể chuyển ngành, có thể không.
- Còn tôi... Người cuối cùng có đôi mắt sắc đang mải suy nghĩ điều gì vội mỉm cười nói tiếp - Tôi là Huấn. Ngày bé gọi Huấn còi, đến đầu cầu Hồng Nhâm hỏi Huấn còi, ai cũng biết. Tôi chuyển ngành về huyện, chưa vợ. Mong được đón tiếp bạn bè.
Vận khoát tay đứng lên:
- Nào, cạn nốt bi đông rượu rồi chia tay!
Bi đông rượu được chắt đến giọt cuối cùng. Lúc đó, trên tầng cao, chiếc kim đồng hồ nhà ga cũng đã chỉ đến con số năm. Đường phố bắt đầu có người đi lại. Mùi xôi nóng ở đâu bốc lên thơm ngậy. Cả mùi vị nồng nòng beo béo của phở. Thành phố trở mình tỉnh giấc trong những mùi vị và âm thanh quen thuộc nhưng không bao giờ nhàm chán.
Linh nhìn lên vòm trời ràng rạng trắng trên mái tòa nhà đối diện, khẽ nói một mình:
- Chao ôi! Hà Nội vẫn thế. Rét mướt, lam lũ và nghèo nàn. Vậy mà tưởng không bao giờ còn gặp lại nữa!
Huấn đến bên anh, chìa tay ra, vẻ khoái hoạt hiện rõ trong giọng nói như vừa quyết định một điều gì hệ trọng:
- Linh! Tạm biệt. Cậu hạnh phúc hơn bọn mình. Chỉ ít phút nữa là cậu đã được ngồi giữa bố mẹ, anh em rồi. Chúc cậu thành đạt. Con người cậu có đầy đủ lý do để thành đạt. Xắn cao tay áo lên, đừng nghĩ ngợi gì nhiều. Nhất định sẽ gặp lại nhau!
- Nhất định! - Linh siết chặt tay bạn. Huấn đi đến bên cạnh Chiến:
- Hãy quên đi tất cả. Chiến ạ! Về nhà, lấy vợ, đẻ con, bắt đầu một cuộc đời mới...
Chiến nhìn sâu vào cặp mắt Huấn:
- Có những cái không bao giờ, không thể nào quên được đâu, anh Huấn ạ!
Vận chợt giậm chân, nói to:
- Thôi, không nói thêm gì nữa. Nói thêm, tao khóc lên bây giờ đây này! Và nước mắt anh giàn ra thật.
Họ lặng lẽ siết chặt tay nhau. Bình thản, trầm tĩnh như những chàng trai tạm biệt nhau sau một chuyến đi nghỉ hè nơi xa. Chỉ một lát sau, thành phố xô bồ đã nuốt chửng họ vào lòng. Đấy là một đêm lạnh giá cách đây gần tám năm. Còn bây giờ...
Xin hãy bắt đầu từ người ở lại thành phố làm nhân vật chính.
Mời bạn đón đọc.