Casanova ở Bolzano

56,000 đ

Tiết kiệm: 

10,000 đ (15%)

Giá thị trường: 66,000 đ

Tình trạng: 

Hết hàng

Thông tin & Khuyến mãi

  • Đổi trả hàng trong vòng 7 ngày
  • Sử dụng mỗi 3.000 BBxu để được giảm 10.000đ. Làm sao để lấy BBxu?
  • Freeship nội thành Sài Gòn từ 150.000đ*. Chi tiết tại đây
  • Freeship toàn quốc từ 250.000đ
Trọn bộ {{collection.TotalAllOutOff}} sản phẩm / Còn {{collection.List.length}} sản phẩm có hàng / {{collection.PriceTotalStr}} đ
  • {{item.RealPriceStr}} {{item.PriceStr}} -{{item.DiscountPercent}}%

    {{item.Note}}
  • THÔNG TIN CHI TIẾT

    • Nhà xuất bản: NXB Văn Học
    • Ngày xuất bản: 09/08/2011
    • Nhà phát hành: Nhã Nam
    • Kích thước: 13.0 x 20.5 cm
    • Số trang: 340 trang
    • Trọng lượng: 400 gram

    Giới thiệu sản phẩm

     Năm 1756, trốn thoát khỏi buồng chì kiên cố ở Venice, không cưỡng nổi sự thôi thúc bí ẩn của định mệnh, kẻ phiêu lưu khét tiếng và phong tình lừng danh của thế kỷ 18 Giacomo Casanova tìm đường trở về Bolzano, nơi chàng từng chạm trán Tử thần trong cuộc quyết đấu cùng vị hôn phu quyền lực của thiếu nữ Francesca tuyệt sắc.

    Lần trở lại này của Casanova khiến cả thành phố chấn động. Tin tức cũng lan tới lâu đài của Bá tước Parma, lúc này đã kết hôn cùng Francesca. Bá tước tới nơi chàng Casanova trọ để làm một cuộc thương lượng lạ lùng. Một bí mật sẽ vĩnh viễn trở thành kỷ niệm, một nỗi đau sẽ được gói lại lần cuối, để không gì còn xen vào cuộc sống của người đàn bà quý giá của đời ông...

    Hư cấu và tưởng tượng, không vay mượn từ Histoire de ma vie của nhân vật có thực Giacomo Cassanova nổi tiếng trong lịch sử, Márai Sándor  đã tạo nên một kiệt tác văn chương tràn ngập hơi thở mãnh liệt, cám dỗ nồng nàn của cuộc sống, với những đối thoại lạ lùng, thông thái, đam mê, bất ngờ và đầy tính cách ngôn sâu xa xoay quanh một tình yêu khắc khoải.

    Casanova ở Bolzano chứng minh rằng Márai Sándor - một trong những bậc thầy xuất sắc của nền văn học Hungary và thế giới - đã in dấu ấn vô cùng đặc biệt trên diện mạo văn chương thế kỷ 20.

    ***

    Đôi nét về tác giả Márai Sándor

    Márai Sándor họ Grosschmid, sinh ngày 11-04-1900, tại Kassa, Hungary, nay là Kocise thuộc nước Cộng hòa Slovakia. Năm 1923, Márai sang Paris, lưu lại năm năm. Năm 1926 ông bắt đầu hành trình dài ngày tìm hiểu vùng Cận Đông và viết cuốn Theo dấu chân các bậc thánh (Istenek nyomában), xuất bản năm 1927. Thời kỳ sáng tác sung sức nhất của Márai là khoảng từ năm 1928 đến năm 1948, khi ông trở về sinh sống tại Hungary cùng vợ. Ông làm thơ, viết tiểu thuyết, dịch thuật, viết kịch bản và để lại gần một trăm đầu sách, trong đó có những tiểu thuyết nổi tiếng như Casanova ở Bolzano, Di sản của Eszte, Những ngọn nến cháy tàn, Nhật ký, Lời bộc bạch của một công dân… Márai cũng là bậc thầy của thể đoản văn, những suy niệm của ông bao giờ cũng mang âm hưởng triết lý, cô đọng. Márai được bầu là Viện sĩ Thông tấn năm 1942 và Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Hungary năm 1945. Từ 1948, ông sống lưu vong tại Ý và Mỹ. Tác phẩm của Márai đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và ông được xếp trong số những nhà văn lớn nhất của châu Âu thế kỷ XX.

     

    Mời bạn đón đọc

    ***

    Lời khen tặng dành cho Casanova ở Bolzano

     

    “Câu chuyện mê đắm về tình yêu, tình bạn và sự phản bội…  Phong phú, cám dỗ, nồng nàn và châm biếm.

    Elle

     

     

    “Sâu sắc và đầy chiêm nghiệm… Tràn ngập niềm vui cuộc sống.

    - Vogue

    “Sáng chói… Cuộc đấu phức tạp của những trí tuệ… Casanova ở Bolzano cung cấp thêm bằng chứng về sự xuất sắc bị quên lãng của tác gia lớn trong thời đại chúng ta: Márai Sándor. 

    Chicago Tribune

    ***

    Trích Casanova ở Bolzano

     

    Một đức ông, từ Venice

    Chàng từ biệt những người chèo thuyền ở Mestré; người bạn hư hỏng Balbi thiếu chút nữa đã làm chàng rơi vào tay cảnh sát ở đây, vì đúng lúc chiếc xe ngựa chở khách khởi hành thì chàng hoài công tìm kiếm, mãi rồi mới thấy anh ta trong một quán cà phê - đang vô tư nhâm nhi một cốc sô cô la - và tán tỉnh cô hầu bàn. Đến Treviso thì chàng hết sạch tiền; họ lủi qua cổng Saint Thomas ra cánh đồng, và theo sau những khu vườn, đi men theo ven những cánh rừng, lúc mặt trời lặn thì đến trước những ngôi nhà của Valdepiadene. Đến đây chàng rút con dao găm ra dọa người bạn đường khó chịu, hai người hẹn sẽ gặp nhau ở Bolzano, rồi chia tay. Cha Balbi buồn bã bước đi giữa những thân cây trơ trụi trong rừng ô liu; nom ông gầy guộc và nhếch nhác, vừa đi vừa ngoái nhìn lại bằng cái nhìn vụng trộm tăm tối, lủi thủi như một con chó ghẻ bị chủ xua đuổi.

    Khi cha cố đã đi khuất, chàng đi vào thành phố, bằng một bản năng mù lòa và đáng tin cậy chàng hỏi chỗ ở trong nhà của viên chánh cẩm. Bà vợ ông ta, một phụ nữ thuần hậu, tiếp đón chàng, cho chàng ăn tối, rửa các vết thương cho chàng - trên gối và trên mắt cá chân máu đã đông lại, trong khi chạy trốn, lúc nhảy từ những mái nhà lợp chì, khuỷu tay và gối chàng bị xước -, và trước khi đi ngủ chàng được biết ông chánh cẩm đang đi vắng, ông đang săn lùng chính chàng, kẻ chạy trốn. Lúc rạng sáng chàng bỏ đi. Chàng ngủ ở Pergine, sang ngày thứ ba thì đến Bolzano trên xe ngựa, vì giữa đường đã moi được của một người quen sáu đồng tiền vàng.

    Balbi đã đợi chàng. Chàng thuê phòng trong một quán trọ có tên là Con Hươu. Chàng không có đồ đạc gì, quần áo rách mướp, chiếc áo đuôi tôm may từ thứ lụa màu nay chỉ còn lại những mảnh tơi tả, không có áo khoác ngoài. Ở Bolzano, trên những con phố hẹp gió tháng Mười một đã bắt đầu quất mạnh. Người chủ quán lúng túng nhìn những vị khách rách rưới.

    - Những phòng đẹp nhất ư?! - ông ta lúng túng.

    - Những phòng đẹp nhất! - chàng đáp khẽ, dứt khoát. - Và hãy chú ý đến đồ ăn đấy!

    - Ở đây các người hay nấu với các thứ mỡ đã ôi, thay vì dầu, và từ khi rời khỏi Nước Cộng hòa ta chưa được ăn ở đâu một miếng cho tử tế! Hãy quay gà trống thiến và mái tơ vào bữa tối, không phải một, mà ba con, với hạt dẻ. Và kiếm loại vang Cyprus. Ngươi nhìn quần áo ta ư?... Ngươi tìm hành lý của ta ư? Ngươi ngạc nhiên vì ta đến đây tay không ư? Tin tức không tới đây hay sao? Ngươi không đọc Leyden Gazette sao?... Đồ ngốc! - chàng gào lên giọng khản đặc, vì giữa đường chàng bị cảm lạnh, và cơn ho đang hành hạ phế quản chàng. - Ngươi không nghe tin một nhà quý tộc Venice và thư ký cùng đám gia nhân vừa bị cướp ngoài biên giới ư? Cảnh sát còn chưa tới tìm ta ư?

    - Dạ chưa thấy, thưa đức ông, - người chủ quán hốt hoảng đáp.

    Balbi bụm miệng cười. Cuối cùng đúng là họ đã được những phòng đẹp nhất: phòng khách, hai cửa sổ có cánh mở ra quảng trường chính, những đồ gỗ có chân mạ vàng và gương Venice đặt trên lò sưởi. Giường kiểu Pháp có màn che. Balbi ở phía cuối hành lang, gần một cầu thang hẹp và dốc dẫn lên tầng áp mái của những người hầu. Cách bố trí như thế làm chàng rất mãn nguyện.

    - Thư ký của ta đấy, - chàng giới thiệu Balbi với ông chủ quán trọ.

    - Cảnh sát, - người chủ quán trọ nói như thanh minh. - Ở đây cảnh sát cũng rất nghiêm. Họ sẽ đến đây ngay. Họ xem xét tất cả những người lạ mặt.

    - Bảo với họ rằng, - chàng đáp qua loa - có khách quý. Một đức ông...

    - Nhưng dù sao! - người chủ quán cố nài, và cúi đầu thật thấp, tay cầm chiếc mũ, tò mò và lễ phép.

    - Một đức ông, từ Venice! - chàng nói.

    Chàng nói điều này như thể thông báo một phẩm tước đặc biệt nào đó. Đến mức Balbi cũng phải chú ý tới âm điệu của chàng. Rồi bằng nét chữ nhọn và thành thục, chàng viết tên mình vào quyển sổ lớn. Người chủ quán hồi hộp đến đỏ mặt: day day thái dương bằng những ngón tay mập mạp, và không biết nên chạy đi gọi cảnh sát hay quỳ mọp xuống để hôn tay chàng? Thế là ông ta cứ đứng một chỗ, bối rối và im lặng.

    Rồi ông châm đèn và đưa các vị khách lên tầng trên. Những người phục dịch đã xếp dọn các phòng: mang nến đến trên những giá đỡ lớn mạ vàng, nước nóng đựng trong các bình bạc, những chiếc khăn lau Limburg bằng vải bông. Chàng bắt đầu chậm rãi cởi quần áo, như một đấng quân vương, giữa đám hầu cận: chàng đưa từng chiếc áo bẩn cho người chủ quán trọ và những người hầu phòng, chiếc quần lụa dính máu bết vào da thịt phải dùng kéo cắt ở phía ngoài hai bên ống quần, chàng ngâm chân khá lâu trong cái chậu rửa bằng bạc, người ngả trên một chiếc ghế bành, lim dim ngủ vì mệt mỏi, nom tã tượi và thê thảm. Thỉnh thoảng chàng chợt ngủ trong một khoảnh khắc, lẩm bẩm, hét lên một tiếng. Balbi, ông chủ quán, những người hầu phòng há miệng đi đi lại lại quanh chàng: người ta đang trải giường trong buồng ngủ, kéo kín các rèm cửa, tắt gần hết nến. Đến giờ ăn tối họ gõ cửa rất lâu. Sau bữa ăn chàng lại đi ngủ ngay; chàng ngủ đến trưa ngày hôm sau, với gương mặt vô tư và bình thản, lạnh lùng như người mới chết một ngày.

    Một đức ông, các cô gái bảo nhau rồi ai vào việc nấy, khe khẽ hát, cười và thầm thì với nhau, trong bếp và dưới hầm, họ đi rửa xe và lau bát đĩa, chẻ củi, mang nước uống, họ nói nhỏ hơn, đưa ngón tay che miệng, lại khúc khích cười, rồi lại làm mặt nghiêm và truyền nhau cái tin ấy, vẻ quan trọng và cười cợt: một đức ông, đúng, một đức ông, từ Venice. Đến tối thì có hai viên cớm chìm đến quán; tên chàng, đáng ngờ và quyến rũ, hấp dẫn và nguy hiểm, vừa được mạ vàng bởi tin tức về cuộc phiêu lưu lớn, cuộc tẩu thoát, đã thu hút đám mật vụ ở khắp các thành phố. Và họ muốn biết tất cả. Hắn ta ngủ ư?... Không có hành lý gì à?

    - Một con dao găm, - chủ quán nói. - Ông ta đến với một con dao găm. Chỉ có thế.

    - Một con dao găm, - họ nhắc lại, vẻ am hiểu và ngơ ngác. - Loại dao gì thế? - họ căn vặn.

    - Dao găm Venice, - chủ quán đáp vẻ hâm mộ.

    - Không còn gì khác? - họ hỏi.

    - Không, - chủ quán trọ đáp. - Không có gì khác. Một con dao găm. Chỉ có thế.

    Tin này làm hai viên cớm chìm bất ngờ. Họ đã không ngạc nhiên nếu chàng tới đây với đầy chiến lợi phẩm, đá quý, túi đựng, vòng cổ và nhẫn quý tháo ra từ ngón tay của những phụ nữ nhà lành trên dọc đường đi. Tiếng tăm chàng đã đến trước, như một kẻ dẫn ngựa đi tiền trạm, và bố cáo tên chàng. Sáng ra đức giám mục đã thông báo cho viên chánh cẩm, và yêu cầu trục xuất ngay vị khách nguy hiểm. ỞTirol và Lombardia, buổi sáng sau lễ cầu kinh, buổi tối trong các quán rượu, người ta đã kể cho nhau nghe về cuộc tẩu thoát của chàng.

    - Hãy cẩn thận với hắn! - đám cớm chìm nói. - Chúng tôi muốn biết hết hắn nói gì. Phải rất chú ý hắn. Hắn có nhận thư không, và nhận từ ai? Hắn có gửi thư không, và gửi cho ai? Hãy để ý đến nhất cử nhất động của hắn! Hình như, - họ thì thầm, dùng bàn tay chụm lại làm loa ghé sát vào tai ông chủ quán, - hắn có người che chở. Cả đức giám mục cũng chẳng làm gì nổi hắn.

    - Trước mắt, - ông chủ quán nói với vẻ từng trải.

    - Trước mắt, - những tay cớm chìm buồn bã nhắc lại.

    Rồi họ nhón chân bỏ đi, gương mặt bí hiểm và đầy lo âu. Ông chủ quán ngồi xuống trong phòng nước, thở dài. Ông không thích những người khách có tiếng tăm, những người gây nên sự chú ý của đức giám mục và cảnh sát. Ông nghĩ tới đôi mắt của vị khách, đến ánh lửa tăm tối và than hồng bập bùng uể oải trong đôi mắt ấy, và ông sợ. Ông nghĩ đến con dao găm, con dao găm Venice, đồ vật duy nhất của người khách, và ông sợ. Ông nghĩ đến tin tức theo sau vị khách, và bắt đầu rủa thầm.

    - Teresa! - ông cáu kỉnh gọi.

    Một cô gái, đã bận áo khoác ngoài buổi tối, bước vào. Cô mười sáu tuổi, một tay cầm cây nến đang cháy, tay kia kéo hai vạt áo ngủ trước ngực.

    - Nghe đây! - ông thì thầm, bảo cô bé ngồi xuống gối. - Ta chỉ tin con thôi. Chúng ta có một vị khách nguy hiểm. Teresa, ông khách này...

    - Từ Venice đến? - cô bé nói giọng học trò, như hát.

    - Đúng, từ Venice, từ Venice, - ông nói hốt hoảng. - Từ trong tù. Từ lũ chuột. Từ dưới giá treo cổ. Nghe đây, Teresa. Hãy chú ý xem ông ta nói những gì. Tai mắt con hãy luôn luôn ở cạnh lỗ khóa. Ta yêu con như con gái ta. Con là con nuôi ta; nhưng nếu ông ta gọi vào phòng thì con đừng ngại. Con sẽ đem bữa sáng cho ông ấy. Hãy coi chừng đức hạnh của con và hãy chú ý.

    - Vâng, - cô bé đáp.

    Rồi vẫn cầm cây nến trên tay, cô bé đi về phía cửa, nhẹ nhàng như một cái bóng. Đến trước cửa, cô bé than, kéo dài giọng như giọng trẻ con:

    - Cháu sợ.

    - Ta cũng thế, - ông chủ quán nói. - Giờ con đi ngủ đi. Trước đó hãy đem cho ta rượu vang đỏ.

    Nhưng đêm đầu tiên tất cả đều trằn trọc.

     

    Tin tức

    Họ ngủ không yên giấc, ngáy, thở nặng nhọc và khò khè, và trong khi ngủ họ cảm thấy có điều gì đó đang xảy ra với mình. Họ cảm thấy một ai đó đi lại quanh ngôi nhà. Họ cảm thấy một ai đó cất tiếng hỏi và họ phải trả lời như chưa bao giờ từng trả lời. Câu hỏi mà người lạ đặt ra cho họ đầy vẻ khiêu khích, trịch thượng, ngỗ ngược, và hơn hết là đáng sợ và buồn. Nhưng sáng ra, sau khi thức dậy họ không còn nhớ đến câu hỏi ấy nữa.

    Trong khi họ ngủ, cái tin ấy đã bay đi, tin rằng chàng đã tới, đã trốn khỏi những buồng chì, đã đi thuyền giữa ban ngày ban mặt ra khỏi thành phố quê hương chàng, qua mắt các đấng đáng kính, những đức ông khét tiếng của Tòa Pháp đình, chàng đã xỏ mũi Lawrence, viên cai ngục, đã giúp cả người bạn đã bị cấm hành đạo, đã ung dung đi ra khỏi thành trì của các ngài Tổng trấn, người ta đã thấy chàng ở Mestré trong khi mà cả với người đánh xe, thấy chàng đang uống rượu ngải đắng trong một tiệm cà phê ở Treviso, và một nông dân còn thề rằng đã thấy chàng thôi miên lũ bò sữa ngoài biên giới. Cái tin bay đến các lâu đài Venice, đến các quán rượu vùng ngoại ô. Các Hồng y Giáo chủ và các nghị sĩ đáng kính, những gã đao phủ và bọn chó săn, những gã mật vụ và những tay cờ bạc, những ả tình nhân và các đức ông chồng, những cô gái trong lễ cầu nguyện và các mệnh phụ trên giường ấm đều bật cười và kêu lên: “Hô hô!” Hoặc hét lên hết cỡ: “Ha ha!” Hay cúi mặt xuống gối và khăn tay mà cười khúc khích: “Hi hi.” Ai ai cũng mừng vì chàng đã trốn thoát. Tối hôm sau người ta thông báo tin này với Đức Giáo hoàng, Người còn nhớ ra chàng, nhớ cả việc có lần Người đã đích thân trao cho chàng một tấm huân chương bậc thấp; và lúc đó Người đã mỉm cười khi nghe được tin này. Cái tin cứ bay đi, ở Venice những người chèo thuyền tựa lên đầu những mái chèo dài, tranh cãi kỹ lưỡng tất tật mọi tình tiết cuộc tẩu thoát của chàng, và người ta mừng vì chàng đã trốn thoát, mừng vì chàng là người Venice, và chàng đã cho quyền lực một quả lừa, mừng vì một con người đã mạnh mẽ hơn bạo quyền, hơn tường đá và xiềng xích, hơn những mái lợp chì. Người ta nói nhỏ, nhổ bọt xuống mặt nước, xoa hai bàn tay vào nhau một cách khoái trá. Tin chàng trốn thoát cứ bay đi, và người ta cảm thấy con tim mình như được sưởi ấm. Thực ra chàng đã làm gì? - người ta hỏi nhau. - Chàng đã chơi bạc, ôi lạy Chúa, và có lẽ chàng đã chơi với đôi tay không hẳn trong sạch, đã đặt tiền cược trong các sòng bạc, đã đeo mặt nạ khi chơi với các tay bạc chuyên nghiệp. Nhưng có ai không làm như thế ở Venice này?... Và ban đêm chàng đã đánh kẻ phản bội mình, đã lừa phụ nữ ngoài thành phố đến ngôi nhà thuê ở Murano - nhưng tuổi trẻ, có ai sống khác thế ở Venice này? Chàng xấc xược ư, hoạt khẩu và nói nhiều ư? Nhưng ở Venice có ai là im lặng?...

    Người ta lẩm bẩm thế, và thỉnh thoảng lại phì cười. Vì có điều gì đó tốt lành, có cái gì đó như mãn nguyện, một thứ gì đó như sưởi ấm con tim. Vì tất cả mọi người đều ít nhiều nằm trong móng vuốt của Tòa Pháp đình, và đều ít nhiều sống trong những buồng chì, và giờ đây một ai đó đã chứng tỏ một người mạnh hơn bạo quyền, một người mạnh hơn những mái lợp bằng chì, hơn bọn cớm chìm, mạnh hơn messer grande, sứ giả của đao phủ và tín sứ của điềm gở. Cái tin cứ bay đi, và tại các đồn, cảnh sát giận dữ ném tập hồ sơ xuống bàn, các viên đồn trưởng quát lác ầm ĩ, đám quan tòa đỏ mặt tía tai thẩm vấn các nghi can, bực tức tuyên phạt án tù, đày, khổ sai hay giá treo cổ. Trong các giáo đường người ta nói về chàng, sau buổi cầu nguyện người ta thuyết giáo, vì chàng hợp nhất cả bảy tội lỗi chính trong cái thân thể đáng nguyền rủa của chàng, chàng sẽ bị nấu trong một vạc dầu riêng, sẽ bị ninh nhừ bằng ngọn lửa riêng dưới địa ngục, vĩnh viễn. Nhưng cả trên ghế xưng tội người ta cũng nhắc đến tên chàng, những người đàn bà quỳ gối, đầu cúi thấp, lẩm bẩm nhắc tên chàng từ sau cuốn kinh cầu, họ đấm ngực thề thốt sự ăn năn hối lỗi. Và tất cả đều vui mừng, như thể một điều gì đó tốt lành đã xảy ra ở Venice, và ở khắp nơi cái tin ấy đi qua, trong những thành phố và làng mạc của Nước Cộng hòa.

    Người ta ngủ, và trong giấc mơ họ mỉm cười. Tin tức đi tới đâu người ta cũng đóng kín cửa ra vào và cửa sổ cẩn thận hơn vào ban đêm, và sau những rèm cửa đóng, đàn ông trò chuyện mãi với phụ nữ. Cứ như tất cả mọi cảm xúc hôm qua đã chỉ còn là tro than, nay bỗng bắt đầu bốc lửa. Chàng không thôi miên lũ bò, nhưng những người chăn nuôi bò cả quyết năm nay số bê sinh ra nhiều hơn và đẹp hơn. Những người đàn bà thức dậy, mang nước giếng về trong những bình gỗ phình rộng về phía đáy, nhóm lửa trong bếp, hâm nóng sữa và bày hoa quả lên khay sơn, cho con bú, dọn ăn cho chồng, dọn dẹp phòng ngủ, trải giường và giữa chừng cứ mỉm cười. Nụ cười mãi không biến khỏi những gương mặt ởVenice, ở Tirol, ở Lombardia. Nụ cười cứ lan truyền như một thứ dịch bệnh tinh tế và nhẹ nhàng, qua biên giới, cả ở München người ta cũng đã biết, đã đợi và mỉm cười, và tin này cũng đã tới Paris, người ta kể câu chuyện tẩu thoát của chàng cho Đức Vua nghe trong vườn Con Hươu, và Ngài cũng cười. Và người ta biết tin này ở cả Parma, ở Torino, ở Wien và Moscow. Và ở đâu người ta cũng mỉm cười. Các viên cảnh sát và chánh án, mật vụ, điệp viên và tất cả những người chuyên nghề kìm hãm dân chúng bằng quyền lực và nỗi sợ hãi, đều bắt đầu công việc với sự nghi kỵ và tức giận trong những ngày này. Vì không có gì nguy hiểm hơn một con người, kẻ không chịu khuất phục sự chuyên quyền, bạo ngược.

    Họ biết chàng không có gì, chỉ vỏn vẹn một con dao găm; nhưng trên các tuyến biên giới mấy tuần nay sự phòng vệ đã được củng cố. Người ta biết chàng không hề có đồng minh và không quan tâm đến chính trị, nhưng ngài tổng thư ký của Tòa Pháp đình vẫn soạn thảo ra cả một kế hoạch tác chiến, để đến một lúc sẽ tóm được chàng, lừa chàng vào cũi, sống hay chết, bằng vàng bạc hay bằng đoản kiếm, bất kể cách nào có thể. Ông Tổng trấn được thông báo về cuộc đào tẩu của chàng, con người có cặp mắt sắc, dáng người thấp lùn ấy đập bàn tay đeo nhẫn lên mặt bàn và hứa sẽ dành cho đám cai ngục kiếp nô lệ chèo thuyền. Các nghị sĩ dùng bàn tay vàng vọt nuột nà kéo sát hơn các dải buộc hai tà áo lụa trước ngực, ngồi câm lặng trong phòng lớn, trong những chiếc ghế bành, hít thở không khí qua chiếc mũi vàng ệch do bệnh tiểu đường, liếc nhìn những bức tranh chạy vòng tròn trên trần nhà và những dầm gỗ chính trong phòng nghị sự qua mi mắt khép hờ bằng cái nhìn vô cảm, bỏ phiếu thông qua những đạo luật nghiêm ngặt hơn nữa, họ nhún vai và im lặng.

    Nhưng nụ cười lây lan như một cơn sốt, vợ gã làm bánh mì, em gái tay thợ kim hoàn, cả con gái viên Tổng trấn đều nhiễm phải. Còn lại một mình trong những căn phòng đã cẩn thận đóng kín cửa, người ta cứ ôm lấy bụng mà cười. Có một cái gì đó cực kỳ khích lệ trong cái tin này, một người nào đó đã vượt qua nổi những bức tường dày hàng mét, qua mặt bọn lính gác lăm lăm tay đao tay thương, qua những vòng xiềng xích to bằng cổ tay trẻ con. Rồi người ta đến các cửa hiệu, ra ngoài quảng trường chợ, nhâm nhi vang Verona trong các quán rượu, những kẻ cho vay nặng lãi cân vàng cám trên những chiếc cân tinh xảo, đám dược sĩ trộn thuốc xổ và bùa yêu, độc dược mạnh tán thành bột để giấu dưới viên đá của nhẫn có triện nổi, dân chợ bụng phệ giạng chân ngồi bán cá, bán hoa quả, thịt tươi và các loại rau thơm trên các bàn thấp tè ngoài chợ, đám người buôn đồ mốt xếp các tất dài phụ nữ mới nhập về từ Lyon và những chiếc nịt vú đan ở Bruges vào những chiếc hộp da được ướp phấn hoa, trong khi làm việc và tán gẫu, trong lúc buôn bán và thừa hành công vụ, tất cả đều quay đi một thoáng, đưa tay lên che miệng và tủm tỉm cười.

    Đàn bà thì cảm thấy cú đào tẩu và tất cả những gì đã xảy ra có một chút gì đó như cũng đã diễn ra vì họ. Họ không thể giải thích chính xác cảm giác này, nhưng họ là đàn bà và là người Venice không phải để tranh cãi với những cảm giác, và họ chấp nhận cái lý do câm lặng mà con tim họ, dòng máu và cảm thức trong người rủ rỉ vào tai họ. Họ cũng sung sướng vì chàng đã trốn thoát. Cứ như có một sức mạnh, cho tới lúc này vẫn bị kìm hãm trong xiềng xích, đã được giải thoát trong thế giới, cứ như từ cổ tích và huyền thoại, từ những cuốn sách và hồi ức, từ giấc mơ và nỗi bức xúc, là nội dung bí mật, bất thành văn và khiếm nhã khác, nhưng vẫn là nội dung đích thực và đáng sợ của cuộc sống đàn ông và đàn bà, một ai đó đã bước ra, không có tóc giả và son phấn, trần trụi như cách mà chỉ một nạn nhân bước ra từcuộc đối đầu tay đôi cau có của buồng tra khảo, và những người đàn bà nhìn theo chàng, đưa tay và quạt lên che mắt, đầu hơi nghiêng sang bên, không nói một lời, nhưng con mắt họ mơ màng liếc nhìn theo kẻ đào tẩu, con mắt ấy nói: “Được, được lắm.” Vì thế mà họ mỉm cười. Và trong vài ngày, cái thế giới nho nhỏ mà họ sống như tràn đầy sự dịu dàng. Tối tối họ đứng bên cửa sổ và trên ban công, trên vịnh biển, mái tóc gài tấm voan ren cài lên chiếc lược hình cây đàn lia và vai phủ chiếc khăn lụa mỏng, họ nhìn xuống mặt nước bẩn váng dầu và những con thuyền vô tư nhẹ lướt trên mặt nước, và họ đáp lại một ánh mắt mà nếu là ngày hôm qua thì họ không đáp lại, họ buông rơi một chiếc khăn tay, một bàn tay nâu sạm nhanh nhẹn bắt lấy ở phía dưới, sát ngay mặt gương nước, họ nâng lên môi một nhành hoa, và mỉm cười. Rồi họ đóng cửa sổ, và trong các căn phòng ánh sáng vụt tắt. Nhưng trong những con tim, trong từng cử chỉ, trong mắt những người phụ nữ và trong tia nhìn của đàn ông những ngày này vẫn thấp thoáng một điều gì đó. Cứ như thể một ai đó đã phát ra tín hiệu, rằng cuộc sống không chỉ là quy định, cấm đoán và xiềng xích như cho đến lúc ấy họ đã từng tin. Và trong một khoảnh khắc họ hiểu tín hiệu được phát ra, và họ cùng mỉm cười.

    Sự đồng lõa này không kéo dài: những bộ luật, những quy tắc sống thành văn và bất thành văn đã làm cho ký ức về kẻ trốn chạy sớm bị quên lãng trong những con tim. Sau vài tuần lễ ở Venice người ta đã quên. Chỉ còn ngài Bragadin - người che chở tốt bụng và hiền lành - là còn nhớ đến chàng, và vài người đàn bà mà chàng đã hứa sẽ chung tình mãi mãi, mấy tay cho vay nặng lãi và đám con bạc mà chàng còn mắc nợ.

     

    Một người đàn ông

    Chàng đã trốn thoát như thế, tin tức đã bay đi trước chàng như thế, và một dạo người ta đã nhớ đến chàng như thế ở Venice. Nhưng rồi thành phố có những mối lo âu khác, và nó quên đi đứa con ngỗ nghịch của mình. Vào giữa dịp lễ hội hóa trang, ai ai cũng đã nói về một bá tước B. nào đó, mà người ta thấy bị treo cổ trước nhà ông Đại sứ Pháp - đeo mặt nạ và mặc áo khoác hóa trang. Vì Venice cũng là một đô thị vô ơn.

    Và giờ đây chàng đang ngủ ở Bolzano, trong một phòng của quán trọ Con Hươu, sau những ô cửa sổ khép kín; và vì đã mười sáu tháng nay, bây giờ mới là lần đầu tiên ngủ trên một chiếc giường thật, trong an bình, sạch sẽ và thoải mái, chàng thả mình vào niềm hạnh phúc sâu thẳm của giấc mơ. Chàng nằm ngang giường, tóc xõa, chân tay dang rộng, ngủ say sưa, vô tư, trên môi thoáng một nụ cười khinh thị và mệt mỏi, như thể chàng cảm thấy rằng có người đang dõi theo mình qua lỗ khóa.

    Và đúng là có người nhìn, và chuyện xảy ra thế này: đầu tiên là Teresa nhìn, cô bé mà ông chủ quán trọ gọi là con, và cô đóng vai trò một con ở họ hàng xa trong nhà. Cô gái đã lớn, và theo họ hàng cô có thân hình cân đối dễ coi, nhưng cô hơi đần. Mọi người không hay nói đến chuyện này. Teresa, vừa là người họ hàng, vừa là người ở, cũng ít nói. Con bé đần, họ bảo thế, nhưng cũng không giải thích tại sao, vì với Teresa thì chẳng cần, cũng không cần quan tâm nhiều đến nó, vì trong nhà này nó không bằng con lừa trắng mà sáng sáng người ta đóng vào xe cho nó kéo xe ra chợ, vì cô là người họ hàng sống như cái bóng trong nhà, là người của tất cả mọi người, vì thế chẳng ai quan tâm đến cô và cũng chẳng trả lương cho cô. Con bé đần, họ bảo thế, và trên hành lang tối đám lính tráng và các thương gia ở trọ thường véo má, nắm tay cô. Gương mặt cô có một vẻ hiền dịu, và quanh miệng cô có một nét nguyên sơ nào đó, và bàn tay cô, bàn tay lúc nào cũng đỏ vì giặt giũ, có một vẻ gì đó quý phái, và đôi mắt cô như một câu hỏi, thầm lặng và sùng kính, và không thể trả lời câu hỏi ấy, nhưng cũng không thể né tránh nó. Dĩ nhiên cả con người cô, cả khuôn mặt thon dài hình trái tim, cả đôi mắt như một câu hỏi cũng không đáng để người ta nói nhiều về cô.

    Nhưng lúc này cô đang quỳ trước lỗ khóa, nhìn người đang ngủ, chỉ vì thế mà ta nói đến cô. Hai tay cô đặt lên thái dương để nhìn cho rõ hơn, cô chú ý bằng cả cái lưng mềm và eo hông đậm, cứ như cả cơ thể cô đang rình mò qua lỗ khóa. Những gì cô nhìn thấy không có gì đặc biệt thú vị. Teresa đã nhìn thấy bao điều qua lỗ khóa; cô đã hầu hạ ở quán Con Hươu này bốn năm, từ khi mới mười hai, đã lắng nghe, đã mang bữa sáng vào các phòng, trải giường buổi sáng và buổi tối, những chiếc giường mà đàn ông và đàn bà đã nằm chung và nằm riêng. Cô đã thấy nhiều điều và không ngạc nhiên vì điều gì. Cô hiểu con người ta là như thế: phụ nữ ngồi trước gương rất lâu, và đàn ông, kể cả những quân nhân, đều rắc phấn lên tóc giả, hay cắt và đánh bóng móng tay, rồi họ rên lên hay cười lớn, hoặc khóc, hay dùng nắm tay đấm vào tường, hoặc lục tìm quần áo hay thư từ, và nhỏ lệ xuống những vật vô tri ấy. Qua lỗ khóa, khi có một mình trong phòng, người ta thường như thế. Nhưng con người này không thế. Đến giờ ông ta vẫn ngủ, tay dang ra trên chiếc giường rộng, cứ như người đã bị giết chết. Gương mặt nghiêm và xấu. Một gương mặt đàn ông, không đẹp và không dễ coi, cái mũi to dày, đôi môi mỏng và khắc kỷ, cằm nhọn, hung hãn, vóc dáng bé nhỏ và hơi phệ bụng, vì mười sáu tháng ngồi tù ông đã béo ra do giam hãm và bất động. Thật là khó hiểu, Teresa nghĩ. Cô suy nghĩ một cách khó khăn, chậm chạp và đơn điệu. Hoàn toàn không thể hiểu, cô nghĩ, hồi hộp đến đỏ mặt tía tai: đám phụ nữ thích ông ta ở điểm gì?... Vì ban đêm, trong phòng uống và sáng ra, ngoài chợ và khắp nơi trong thành phố, trong các cửa hiệu và tửu quán người ta chỉ nói về chàng, về việc chàng đã đến, rách rưới và máu me, với một con dao găm, không tiền bạc, cùng với thư ký của chàng, một tù phạm khác; tốt hơn cả là không nên nhắc đến tên. Nhưng rồi họ vẫn nhắc đến. Họ nhắc đến chàng khá nhiều, đàn bà và đàn ông, họ muốn biết tất cả, chàng bao nhiêu tuổi, tóc vàng hay nâu, giọng chàng thế nào?... Họ nói về chàng như một ca sĩ danh tiếng hay một diễn viên nhào lộn đã đến thành phố, hay một nghệ nhân đã hoạn, chuyên đóng các vai nữ trong các vở kịch và còn biết hát nữa. Ông ta biết những gì?... Cô bé vừa nghĩ, vừa dán mũi vào cánh cửa và ghé mắt vào sát lỗ khóa.

    Người đàn ông dang tay dang chân nằm ngủ trên giường kia không đẹp. Teresa nghĩ đến Giuseppe, anh thợ cắt tóc, anh ta đẹp. Giuseppe có gương mặt hồng hào, cặp môi mềm, mắt xanh, nom anh ta giống một cô gái. Anh hay vào quán trọ Con Hươu, bao giờ anh ta cũng nhìn xuống và đỏ mặt khi Teresa chào. Cả ông đại úy thành Wien hồi hè đã ở đây cũng đẹp, ông có mái tóc xoăn bôi sáp thơm và để ria mép, ông nói thứ tiếng không thể nào hiểu nổi, một thứ tiếng lạ, hoang dã mà Teresa không biết. Sau này có người bảo cái thứ tiếng hoang dã mà ông đại úy nói là tiếng Hung hay tiếng Thổ... Teresa không nhớ nữa. Và ông giám mục cũng đẹp, với mái tóc trắng và hai bàn tay vàng, ngang lưng thắt đai đỏ và chiếc mũ tím trên mái đầu trắng. Teresa nghĩ dẫu sao cô cũng hiểu biết đôi chút về vẻ đẹp đàn ông. Người đàn ông này chắc chắn không đẹp: còn xấu thì đúng hơn, hoàn toàn khác những người đàn ông mà phụ nữ thường thích. Trên gương mặt không cạo râu của người đàn ông lạ đang ngủ kia giờ đây càng lộ ra những nét thô và lạnh mà tối qua cô bé cũng đã nhận thấy: quanh miệng chàng các cơ như co rúm lại vì căng thẳng. Bỗng nhiên người đang ngủ hộc lên một tiếng, và Teresa vội nhảy dựng lên khỏi cửa, cô lại gần cửa sổ, kéo rèm lên và dùng chiếc khăn lau làm hiệu.

    Vì đám phụ nữ muốn nhìn thấy chàng, đám phụ nữ ngoài chợ bán hoa quả trước quán Con Hươu; Teresa đã hứa với Lucia và Gretel, những cô gái bán hoa, và với bà già Helena bán hoa quả, và với bà quả phụ buồn Nanette bán tất phụ nữ là sẽ cho họ lên phòng, và cho họ xem con người đang ngủ kia qua lỗ khóa, nếu có thể. Họ muốn nhìn thấy chàng bằng mọi giá. Chợ hoa quả sáng nay nhộn nhịp hẳn, lão dược sĩ đứng trước cửa hiệu đối diện với quán Con Hươu, và đang trò chuyện với Balbi, viên thư ký, lão mời ông ta rượu mạnh, và muốn biết những tình tiết mới nhất của vụ đào tẩu. Ông thị trưởng và ông bác sĩ, nhân viên thu thuế và ông chánh cảnh sát, tất cả đều rẽ vào hiệu thuốc sáng hôm ấy, họ nghe bài diễn thuyết của Balbi, liếc mắt về phía cửa sổ đóng kín trên gác của quán trọ Con Hươu, tất cả đều hơi hồi hộp và lúng túng, như thể họ không biết quyết định nên chào đón người khách lạ bằng rước đèn và dạ nhạc hay đơn giản là tống cổ chàng ra khỏi thành phố như người đi bắt chó lạc trói và vứt đi những con chó ghẻ, chó bị nghi là mắc bệnh dại. Sáng hôm ấy và cả mấy ngày sau họ không quyết nổi vấn đề này. Vì vậy mà họ cứ chuyện vãn trong hiệu thuốc, nghe Balbi - đúng là đã phổng mũi lên vì kiêu hãnh và hăng hái -, cứ sau nửa giờ lại kể theo một cách khác những tình tiết của cuộc tẩu thoát phiêu lưu, đến lúc này đã mang tính sử thi. Người ta liếc nhìn những ô cửa sổ đóng kín của quán trọ Con Hươu, đi lại giữa các lều trong chợ hoa quả và trước các cửa hiệu nhỏ xinh của các ngôi nhà xung quanh với vẻ bất an và lúng túng, như những công dân hữu trách phải ứng xử cho phải phép, những người giữ gìn trật tự của các ngôi nhà, phố xá và những tâm hồn, có trách nhiệm với cửa ngõ của thành phố, bảo vệ thành phố khỏi sự tấn công của lửa, của nước và của bọn thù địch. Nhưng lúc này họ hoàn toàn không biết nên cười to một tiếng hay nên gọi cảnh sát? Họ cứ đi vòng và chuyện gẫu tới trưa, chẳng biết nên thế nào. Tới khi các bà phụ nữ bắt đầu thu dọn lều, và đám thị dân đi ăn trưa.

    Người khách lạ thức dậy vào giờ này. Teresa cho đám phụ nữ vào salon sáng lờ mờ. - “Cho chúng tớ xem ông ta thế nào?...” - đám phụ nữ thì thào, tay vân vê mép tạp dề, một tay nắm đưa lên che miệng; tất cả đứng thành nửa vòng tròn, trước cánh cửa dẫn vào buồng ngủ. Họ vừa sợ vừa thích thú, và chỉ muốn ré lên như người bị véo vào mạng sườn. Teresa đưa ngón trỏ lên ngang miệng, đầu tiên cô cầm tay Lucia - người đẹp mắt nâu múp míp của chợ - và dẫn đám người tò mò đến sát cửa. Lucia quỳ xuống, váy cô xòe ra trên nền nhà như một cái chuông, cô ghé mắt trái vào lỗ khóa, rồi cô đỏ mặt hét lên nho nhỏ, đứng dậy và làm dấu thánh.

    - Mi đã nhìn thấy gì thế? - cả bọn thầm thì hỏi, và chụm đầu lại thì thào, như lũ quạ sà xuống đậu trên một cành cây.

    Cô gái mắt nâu suy nghĩ.

    - Một người đàn ông, - cô nói nhỏ và hồi hộp.

    Câu trả lời làm đám phụ nữ đăm chiêu một lúc. Trong câu nói có một cái gì đó vừa ngốc nghếch, nhưng đồng thời cũng có điều gì đó bất thường và đáng sợ. “Một người đàn ông, lạy Chúa!” - họ nghĩ, mắt nhìn lên trần nhà và không biết nên cười hay bỏ chạy?... “Một người đàn ông, thì đã sao!” - Gretel nói. Và bà già Helena, vỗ hai bàn tay vào nhau bằng một cử chỉ gần như sùng kính, cái miệng khuyết răng của bà lập bập xác nhận: “Một người đàn ông!” Và Nanette, bà quả phụ, nhìn xuống nền nhà thành tâm như nhắc lại: “Một người đàn ông.” Họ cứ lẩm bẩm thế, rồi khúc khích cười, lần lượt quỳ sát cái lỗ khóa, nhòm vào buồng, và cảm thấy hết sức khoái chí. Họ có thể vui vẻ nấu cà phê và ngồi xuống, với bình cà phê trong lòng, quanh chiếc bàn chân mạ vàng, và cứ thế đợi người đàn ông xa lạ, trong nỗi hồi hộp bất nhã đầy nghi lễ và tinh tế. Họ hãnh diện, con tim đập mạnh vì đã nhìn thấy người khách lạ, sẽ có chuyện để kể ngoài chợ và trong thành phố, ở nhà và ngoài giếng nước! Họ tự hào, nhưng cũng hồi hộp bất an, đặc biệt là Nanette, bà quả phụ, và Lucia, cô bé tò mò, và cả Gretel, cô gái kiêu hãnh và ngốc nghếch cũng cảm thấy bất an, cứ như thể có điều gì khác thường và kỳ diệu trong việc một người đàn ông đã đến thành phố. Họ cảm thấy sự hồi hộp tò mò và sự ngây thơ tinh nghịch của mình thật ngớ ngẩn và vô cớ. Nhưng cùng lúc họ cũng cảm thấy rằng thực chất sự hồi hộp này cũng khác, nó không chỉ là sự hiếu kỳ khiếm nhã. Cứ như đúng là họ đã nhìn thấy một người đàn ông, qua lỗ khóa, cứ như thể các đấng ông chồng, đám tình nhân và những người đàn ông xa lạ mà tới lúc này họ đã quen, trong khoảnh khắc họ nhìn thấy người khách lạ, đã trải qua một kỳ sát hạch đặc biệt. Cứ như người đàn ông đúng là của hiếm và đáng xem, người kia không đẹp, đúng hơn là xấu, các nét không thanh tú, dáng dấp không cao sang, người mà họ không biết điều gì ngoài việc biết chàng là một tên vô lại, người hùng của những quán rượu, một gã ga lăng của các sòng bạc, kẻ không có hành lý, và tên tuổi cũng đáng ngờ, cứ như ngay cả tên tuổi cũng không hẳn và thực sự của ông ta, người mà thiên hạ đồn đại như đồn dại về những tay hám gái, trắng trợn, tự tin và lạnh lùng với phụ nữ: cứ như tất cả hiện tượng này dù sao cũng hy hữu vậy. Họ là đàn bà và họ cảm thấy điều gì đó. Cứ như những người đàn ông mà cho tới giờ họ đã biết bị phơi bày tất cả khi đối chứng với người đàn ông này. “Một người đàn ông,” - Lucia nói, khẽ khàng, hồi hộp và sùng kính; và họ cảm thấy cái tin bay đi trên phiên chợ Bolzano, trong các salon ở Trient, các phòng thay đồ trong nhà hát và các buồng xưng tội, cái tin bay đi và làm rung động những con tim, rằng một người đàn ông đang trên đường, đang chuẩn bị, và trong giây phút này chàng đang tỉnh dậy, vừa ngáp dài vừa gãi gãi, trong một căn phòng của quán trọ Con Hươu. “Một người đàn ông hiếm hoi vậy sao?” - những người đàn bà Bolzano hỏi từ sâu thẳm trái tim mình. Họ không hỏi thành lời, chỉ bằng cảm giác. Và một nhịp đập của trái tim, không thể nhầm, là câu trả lời. Nó đáp: “Đúng, hiếm có nhất.”

    Vì đàn ông - người ta cảm thấy thế, bằng trái tim u mơ và thổn thức - những người cha, người chồng và người tình, thích hành xử như đàn ông, thích tuốt gươm, khoe chức danh, phẩm hàm và tài sản, và tất cả đều bám váy đàn bà; họ đã như thế, nhìn chung là như thế, ở Bolzano và ở những nơi khác, nếu có thể tin vào các tin tức. Nhưng tiếng tăm của người đàn ông này khác. Đàn ông thích hành xử kiêu ngạo, đôi khi họ gần như gáy lên vì ngạo mạn và khoác lác, đến nực cười như những chú gà trống. Nhưng đa số đàn ông buồn và trẻ con, hay ngốc nghếch và tham lam, hoặc hời hợt, lạnh lùng và điếc lác. Giờ đây họ cảm thấy rằng Lucia đã nói ra sự thật, và đúng là họ đã nhìn thấy một người đàn ông, người đàn ông đích thực và bướng bỉnh, và chỉ có thế, không là gì khác, giống như một cây sồi, chỉ là sồi chứ không là gì khác, và một mỏm đá hoàn toàn đơn giản chỉ là một mỏm đá, chứ không là gì khác. Họ đã hiểu điều này và tròn mắt nhìn nhau, há miệng chăm chú nhìn và đăm chiêu suy nghĩ. Họ đã hiểu vì Lucia đã nói ra, và vì họ đã tận mắt nhìn thấy, và vì cả căn phòng, ngôi nhà và thành phố đầy sự căng thẳng và nỗi lo lắng tỏa ra từ con người xa lạ này, họ hiểu ra rằng một người đàn ông đích thực cũng hiếm có như một người phụ nữ đích thực. Một người đàn ông không ồn ào khẳng định một điều gì, không tuốt gươm ầm ĩ, không gáy lên ông ổng, và không đòi hỏi sự dịu dàng nào khác, chỉ đúng như điều chàng có thể mang lại, và không tìm người mẹ và người bạn trong đàn bà, không muốn ẩn náu trong vòng tay của tình yêu và sau váy phụ nữ; một người đàn ông chỉ muốn cho và nhận, không vội vàng, không tham lam, vì chàng đã dành cả cuộc đời, tất cả thời gian của chàng, tất cả mọi tia sáng của trí tuệ chàng, tất cả mọi cơ bắp của thân thể chàng cho sự đam mê cuộc sống: loại đàn ông như thế là hiếm thấy nhất. Vì có những người đàn ông bám mẹ và yếu đuối, có những người khoác lác và hùng hổ phóng đại những cảm xúc của mình với phụ nữ, và có những đàn ông lãnh cảm và ngờ nghệch - tất cả đều không phải là đàn ông đích thực. Và có những gã điển trai không quan tâm đến phụ nữ, chỉ để ý đến vẻ đẹp và thành công của bản thân. Lại có những kẻ độc ác lại gần phụ nữ như tiến lại kẻ thù, họ giống bọn sát thủ miệng cười tươi như mật ngọt, nhưng dưới cánh áo choàng đã thủ sẵn dao găm. Và thỉnh thoảng, rất ít khi, có một người đàn ông. Giờ đây họ đã hiểu ra cái tin tức đã bay đến trước chàng, đã hiểu sự lo ngại tràn ngập thành phố, họ chớp chớp mắt, thở dài, thở hổn hển, đưa tay lên áp lên ngực. Nhưng bỗng Lucia hét lên, và tất cả lùi ra phía cửa. Vì cửa phòng bật mở, và giữa những cánh cửa lớn màu trắng, chàng đứng đó: thấp lùn, tóc rối bù, râu ria không cạo, lưng hơi gù, con mắt vằn đỏ hấp háy trong ánh sáng mạnh, chàng hơi cúi như người quá mệt mỏi, rồi thẳng người lên như sắp nhảy một bước; người đàn ông xa lạ đang đứng đó.

     

    Thức dậy

    Đám phụ nữ lùi lại phía bức tường và phía cửa ra vào. Người đàn ông nghiêng mái đầu bù xù sang bên - trên tóc chàng dính những chiếc lông nhồi gối, nom như người vừa từ hội hóa trang đi ra, từ lễ hội ngầm của giấc mơ và của đêm, nơi những mụ phù thủy quay các vũ công thiện nghệ trong hắc ín và lông chim -, chàng nháy mắt, bằng tia mắt sắc lẹm liếc nhìn căn phòng, đồ gỗ, chàng từ từ thoải mái quay đầu, như người chẳng đi đâu mà vội, và như người biết rằng tất cả đều quan trọng như nhau, vì tất cả chỉ quan trọng bởi cảm giác mà chúng ta nhìn nhận thế giới. Bây giờ chàng đã nhìn thấy đám phụ nữ, và mắt chàng nheo lại gần như nhắm hẳn. Chàng đứng đó trong một khoảnh khắc với đôi mắt nhắm lại. Rồi chàng nghiêng đầu, ánh mắt như dò hỏi, kiêu hãnh và dứt khoát, như cung cách một chủ nhân ông nhìn đám gia nhân - ông chủ thật sự nhìn đám gia nô thật sự, những người mà chàng không coi họ là thấp hèn, mà vì họ chấp nhận vai trò nô dịch của mình -, chàng nhìn đám phụ nữ với ánh mắt như thế. Rồi chàng ngẩng đầu, như hơi cao hơn lên. Bằng một động tác mạnh mẽ, chàng vung cánh tay ngắn, bàn tay xương xẩu màu vàng vắt dải áo choàng lên vai trái. Một cử chỉ cao ngạo và kịch tính. Đám phụ nữ cảm nhận được điều này, và dường như được giải thoát khỏi sự mê hoặc của những giây phút đầu tiên, vì bằng động tác kia người đàn ông đã để lộ ra rằng ông ta không hoàn toàn tự chủ, ông ta đã thủ một vai diễn tồi, giả vờ mạnh mẽ và sang trọng: họ bắt đầu hắng giọng và khúc khích. Nhưng không một ai lên tiếng. Họ cứ đứng như thế một lúc, im lặng và bất động, chằm chằm nhìn người khách lạ.

    Người đàn ông lúc này, không một sự chuyển tiếp, bật cười, như thể hắt hơi một cái. Cái cười khan không tiếng vang, đúng hơn là cười bằng đôi mắt mở to và tỏa sáng, như trong một căn phòng tối cửa sổ bỗng bật mở. Thứ ánh sáng phấn khích và sống sượng, chói lóa và bất nhã, hiếu kỳ và tin cậy ấy đã tác động tới đám phụ nữ. Lần này thì họ không cười, không kêu lên. “A ha!”, không nói: “Hô hô!” cũng không mỉm cười và khúc khích: “Hi hi!” Họ im lặng nhìn người đàn ông. Lucia hơi liếc mắt, nhìn lên trần nhà, như muốn cầu xin sự giúp đỡ, và cô lẩm bẩm: “Mama mia!” Nanette đan hai tay vào nhau bằng một cử chỉ như van xin. Người đàn ông cũng im lặng và cười, để lộ những chiếc răng vàng khè, hơi to bản, hai hàm răng to khỏe, và đôi mắt, cái miệng, hàng răng, gương mặt đều lặng lẽ cười, với sự vui vẻ biếng nhác, thoải mái và cố ý, cứ như không có gì tức cười hơn hoàn cảnh này, ở Bolzano, trong một căn phòng của quán trọ Con Hươu, lúc gần trưa, đối diện với đám phụ nữ hốt hoảng kia, những người đã vụng trộm lên đây rình xem chàng thức dậy để đưa chuyện về chàng trong thành phố và bên cạnh những giếng nước. Cái cười làm rung động nửa người phía trên của chàng. Chống hai tay lên cạnh sườn, nhẹ ngả người về phía sau, chàng cười như thế. Và cứ như có một cảm xúc đã đông cứng trong cơ thể từ lâu nay, bỗng tuôn trào và dòng chảy nóng bỏng của nó lan tỏa khắp thân thể chàng, một cảm xúc không sâu sắc, không hời hợt, cũng không bi ai, đơn giản chỉ nồng ấm và dễ chịu như cuộc sống: tiếng cười chuyển dần như bọt bóng sôi trào, thành âm thanh, dò dẫm rồi vụt lên thành tiếng lanh lảnh âm vang, rồi bỗng nhiên tràn ngập như một nhịp điệu lớn thường thấy trong cổ họng người ca sĩ. Và một tích tắc sau đó, hai tay đặt lên sườn, người ngả ra sau, chàng cười sảng khoái.

    Tiếng cười rổn rảng đến ứa nước mắt, như bật ra từ lồng ngực, tràn ngập căn phòng, bay ra hành lang, bay ra ngoài quảng trường. Giờ đây, chàng cười như người chợt nhớ ra một điều gì đó, như người đã hiểu chuyện gì đã xảy ra, và mức độ đê tiện vô độ của con người kích thích cho chàng cười không thể cưỡng lại nổi. Chàng cười như người cuối cùng hồi tưởng lại, tỉnh dậy khỏi giấc mơ độc ác, nhìn thấy thế giới và nhìn không biết chán cái quang cảnh đáng sợ và nực cười của nó. Chàng cười như người chuẩn bị làm một việc gì đó, một trò tinh quái làm thế giới phải kinh ngạc, chàng cười như một thiếu niên, hết cỡ, như tiếng tru của loài sói, như chuẩn bị rắc bột ngứa vào áo ngủ của những kẻ quyền thế, phong lưu, hảo hán và cả vào áo nịt ngực của đám đàn bà, như thể chàng đang chuẩn bị làm một trò đùa định mệnh và động trời nào đó, như thể trong trạng thái phấn khích chàng sắp làm nổ tung thế giới. Hai tay chống vào mạng sườn, bụng rung lên từng đợt, ngực ưỡn ra trước, đầu nghiêng về một bên, chàng lắc lư cười đến khản cổ. Rồi tiếng cười biến thành tiếng ho, vì giữa đường chàng đã bị cảm hàn, và không chịu nổi độ cao trên này, gần những ngọn núi, trong tiết trời tháng Mười một. Chàng ho sặc sụa, mặt đỏ gay và méo xệch đi.

    Khi đã hết ho, trạng thái phấn khích cũng qua đi, chàng bỗng thấy vô cùng tức giận. “Ôi, các nàng,” - chàng nói nhỏ, như rít lên sau hai hàm răng. Chàng khoanh hai tay trước ngực. “Ta thật lấy làm may mắn, thưa các đấng giai nhân!” Chàng cúi rạp mình, chào bằng cả chân tay, chàng diễn động tác kính trọng, như thể cúi chào các giai nhân trong cung đình nước Pháp vào buổi sớm trên các hành lang của Điện Versailles, khi Hoàng đế còn đang ngủ với cái bụng căng đầy hơi và gương mặt xám ngoét, và đám gia nhân vô sự tập thử với nhau nghi lễ của phép tắc xã giao vậy. “Thật may mắn cho tôi,” - chàng nhắc lại, - “một kẻ giang hồ! Một gã đào tẩu! Kẻ vừa mới trốn khỏi tù ngục, khỏi bệnh dịch và đám chuột cống, và đã một năm rưỡi nay chưa nhìn thấy những khuôn mặt thân thiện, những đường nét dịu dàng! Thật vinh hạnh và may mắn làm sao!” - chàng lịch thiệp, giọng như người nói đớt, đáng sợ. Đám đàn bà cảm thấy sự đe dọa trong giọng nói; họ đứng tụm lại như lũ gà mái gặp bão, từ từ lùi dần về phía cửa. Lucia tựa lưng vào tường dò tìm lối ra. Người đàn ông lúc này bước chậm rãi về phía họ, sau mỗi bước lại dừng lại mấy giây. “Sao tôi lại có được may mắn này đây? - chàng tiếp tục, giọng vẫn khàn, nhưng mỗi lúc một vang to hơn. “Tôi phải biết ơn điều gì đây, khi buổi sáng thức dậy lại nhìn thấy những giai nhân của Bolzano trong phòng mình? Những người đẹp của Bolzano đem đến cho kẻ đào tẩu, lẩn trốn, đứa con bị bỏ rơi của nhân loại, kẻ đang bị bọn cớm chìm và lũ chó săn rượt đuổi qua biên giới, đang bị quân lính của Tòa án Giáo hội dùng giáo mác, đao thương truy lùng khắp các xó rừng, bờ bụi? Các người đẹp không sợ sẽ gặp kẻ trốn lủi đáng thương này trong lúc hắn đang bực mình, ngay buổi sáng đầu tiên hắn vừa được ngủ trên một chiếc giường xứng đáng với con người, chứ không phải trên đống rơm rạ và trong ổ chó hay sao? Các người không sợ hắn, giờ đây, khi hắn thức dậy và hồi tưởng hay sao? Các đấng giai nhân Bolzano muốn gì vậy?” - chàng hỏi, lúc này đã bằng giọng ầm ầm, giận dữ. Chàng vươn thẳng người dậy, và cứ như trong một khoảnh khắc chàng bỗng trở nên đẹp ra. Gương mặt chàng đầy nỗi tức giận, như một cánh đồng trơ trụi bỗng sáng lóa dưới ánh sáng của một luồng tia chớp. “Nhưng ta là ai và là gì, để những người đàn bà Bolzano phải vụng trộm lẻn vào phòng khi ta ở đây, và làm môn khách của kẻ vô gia cư này?” Có vẻ như chàng thích thú tác dụng khẩu ngữ của mình, sự sợ hãi của đám phụ nữ, thế thượng phong và sự hành xử tự tin của mình. Giờ đây chàng đang đùa giỡn với đám đàn bà, như một kiếm thủ đùa giỡn với một đối thủ kém phân hơn, chàng tiến về phía họ từng bước một, và mỗi lời chàng nói vút nhẹ như ngọn kiếm lướt qua đám đàn bà. “Những người đẹp của Bolzano! Cô gái kiêu hãnh, mắt nâu kia! Cô nàng có cái nhìn đức hạnh, có dây hoa hồng trên áo kia! Cô ả có bộ ngực đẹp đứng sát góc kia! Bà già, sao bà có cái nhìn hiếu kỳ thế? Hay chăng là một kẻ nuốt kiếm, ngậm lửa đã đến thành phố này, với đàn khỉ và lũ gấu, để các người tự do rình rập và nhìn ngắm con mãnh thú? Nhưng ở đây làm gì có cũi sắt, con dã thú đã thức dậy và đói khát!”

    Chàng lại cười, tiếng cười giờ đây đã chua chát và cay đắng. “Các người từ đâu tới đây?” - chàng hỏi bằng một thứ âm thanh khác, lặng lẽ hơn, giọng nói đầy vẻ khinh thị. “Từ ngoài chợ? Từ quán rượu? Trong thành phố người ta đã kháo nhau rằng ta ở đây, bọn cớm chìm đã rình rập và đánh hơi, trong các salon và các chuồng gà nhà hát đám các bà các cô, và cả các người nữa ngoài chợ, đã đồn đại về ta ư? Họ nói ta đã tới, ta đang ở đây, sẽ có chuyện vui động trời! Thật vinh hạnh!” - chàng nhắc lại vô cảm, như phàn nàn. “Nào, hãy nhìn đi! Ta thế này đây! Lúc này ta mới thật là ta, không phải vào buổi tối với tóc giả, áo đuôi tôm màu tím, với kiếm đeo bên hông và nhẫn trên tay! Ta thế này đây, không đẹp hơn, cũng không trẻ hơn một chút nào! Có thích ta không?... Có cần đến ta không?... Ta có như danh tiếng của ta không? Các người muốn gì ở ta? Chúng ta hãy cùng đi trốn nhé, cả sáu người, hãy thuê xe nhé, đi cùng trời cuối đất, vì ta là Giacomo, người tình lang thang, kẻ nô lệ và đầy tớ của mọi người, chiều theo ý các người, các người muốn ta khi nào và ở đâu? Lũ gà mái, hãy cút đi!” - Chàng thét lên, giọng nghe thật kinh khủng, và đôi mắt sáng màu đen của chàng bắt đầu tỏa thứ ánh sáng xanh; ít nhất là sau này Lucia, vừa khóc vừa run rẩy, thú nhận như thế với chàng trong một đêm trên giường ân ái. “Ta đã bị những kẻ nhân danh đạo đức và tiết hạnh giam giữ suốt mười sáu tháng! Các người có biết thế nghĩa là gì? Mười sáu tháng, bốn trăm tám mươi tám ngày và đêm trên bao nhồi rơm, trong sự thối tha cùng khổ của con người, làm mồi cho lũ rận rệp và bọ chó, cùng với lũ chuột cống, mười sáu tháng, bốn trăm tám mươi tám ngày trong tăm tối, không ánh mặt trời và không có ánh đèn thật, như lũ chuột trũi, chuột cống, đơn độc với tuổi trẻ, đơn độc với những dự định và khát khao đàn ông, một mình với những hoài niệm, những ký ức về cuộc sống, với những kỷ niệm về những lúc thức tỉnh đầy ánh sáng và những khi đi nằm ngọt ngào, một mình tách khỏi thế giới, nhân danh đạo đức và tiết hạnh, mà ta là kẻ thù - ít nhất là messer grande đã nói thế, khi ta bị bắt! Bốn trăm tám mươi tám ngày bị đánh cắp và xóa sổ khỏi cuộc đời, bốn trăm tám mươi tám đêm lẽ ra có thể nhìn thấy trăng và biển ngoài hải cảng, và những gương mặt người trong ánh đèn, và những gương mặt đàn bà trong giây phút đèn vụt tắt, chỉ còn ánh sáng phản hồi từ những con mắt tình nhân soi rõ mặt người!” Như một gã say, chàng nói rất to, như người từ lâu đã im lặng. “Sao các ngươi lại giật lùi?” - chàng kêu lên và dang rộng hai tay. “Vì chính ta đây! Ta đã đến đây! Này mụ già kia, sao ngươi phải nép vào bên cánh cửa, cô nàng kiêu hãnh và ngốc nghếch, mắt nâu kia, sao không lại gần ta? Hãy nhìn cánh tay này, cánh tay đã siết vòng eo của bao nhiêu đàn bà, những bàn tay mà ngươi muốn thấy đây! Ngươi có sợ những bàn tay này?... Chúng biết múa kiếm và đánh bạc, nhưng cũng biết xoa bóp nữa! Cô bé tóc vàng mềm mại kia, cô có biết những ngón tay này? Chúng nhận ra cả quân rô, quân tép trong bóng tối, nhưng những đầu ngón tay này cũng biết dịu dàng đến mức cô sẽ phải thét lên vì sự động chạm của chúng, và sau này khi răng đã rụng cô sẽ móm mém kể cho cháu chắt nghe về kỷ niệm của phút giây mà những ngón tay này bấu chặt vào ót cô! Hỡi các nàng của Bolzano! Hãy đi khắp thành phố và kể rằng ta đã đến, ta đang ở đây, vở diễn đã bắt đầu! Đã về đây - kẻ chuyên chạy theo váy đàn bà, kẻ an ủi phụ nữ, thày thuốc chữa những trái tim thất tình, người có árkánum(1) cho những trái tim đau, người biết nấu món bí truyền cho người tình mệt mỏi dùng vào bữa trưa để tối đến người tình ấy lại trở nên hoạt bát và vui vẻ trên giường tình ái! Các người hãy kể ta nghe xem các người đã lẻn vào đây thế nào, các người đã tận mắt thấy ta đang ở đây, ta không bị tàn lụi đi trong ngục thất, cánh tay này, trái tim này, đôi vai này và những thứ khác, tất cả vẫn đầy đủ và đúng chỗ! Hãy đưa tin lành về ta, hỡi các nàng! Và hãy nói với cánh đàn ông trong những phút giây thầm kín nhất, khi các người cởi bỏ thắt lưng, buông rơi váy, hãy kể rằng Giacomo - kẻ bị kết án tù đày, bị đày xuống địa ngục và bóng tối nhân danh đạo đức và tiết hạnh - đã trở về, hắn đã hoàn lương, xin được tha thứ và khẩn nài sự cảm thông! Hãy xin sự ân xá cho ta, hỡi các giai nhân, từ những kẻ quyền thế, đức hạnh, những kẻ hoàn hảo đến mức dám và có thể kết án những người có tội! Vì ta là kẻ có tội, các người hãy đi đi và nói rằng Giacomo đã ăn năn hối lỗi. Ta có tội vì ta biết tất cả về đàn ông và đàn bà, và vì ta mang tiếng là quý trọng cuộc sống hơn tất cả! Hãy đi đi và kể rằng ta đã tới đây”.

    Chàng lại gần cửa sổ, dùng hai tay mở tung những cánh cửa. Ánh sáng, ánh sáng tháng Mười một tràn vào căn phòng, lạnh lẽo và ào ạt như thác nước từ đỉnh núi Alps. Chàng đứng trong ánh sáng, dang rộng hai tay, nắm hai bên cánh cửa sổ, đầu ngả ra sau, gương mặt nhợt nhạt tắm trong ánh sáng, mắt nheo lại bởi những tia sáng và chàng cười.

    - Các nàng hãy đi đi! - vẫn đứng yên, mắt nhắm, miệng mỉm cười, chàng nói với đám phụ nữ túm tụm trong góc phòng. - Hãy kể rằng ta đã đến. Địa ngục đã chấm dứt. Trời đang nắng.

    Chàng hít một hơi thật sâu. Rồi chàng nói, lặng lẽ, giọng khấp khởi vui mừng, như thông báo một tin hy hữu nào đó với thế gian này:

    - Ta đã thức dậy.

    Chàng cứ đứng như thế, mắt vẫn nhắm, và không quay đầu về phía cửa, nơi những người đàn bà của chợ Bolzano đang nhón chân bước qua bậu cửa ra phía hành lang. Những bước chân phụ nữ rắn rỏi và mau mắn gõ nhịp xuống cầu thang. Chàng đứng yên nghe những tiếng động kia, không mở mắt, hé nửa miệng nuốt thứ ánh sáng lạnh, như người dù nhắm mắt vẫn biết và thấy tất cả những gì diễn ra trong phòng, rồi chàng nói với Teresa, cô gái cuối cùng còn lại trong phòng, cô đã bắt đầu rờ tay nắm cửa bằng bàn tay nhỏ, hồng hào, nhưng méo mó của mình.

    - Cô em hãy ở lại đây!

    Chàng nhấn mạnh giọng như vô tình, như người biết rằng không thể né tránh mệnh lệnh của chàng. Chàng chăm chú nhìn quảng trường, nhìn những ngôi nhà in hình sắc nét trong ánh nắng. Chàng thở dài nhè nhẹ, như người vươn vai trong giây phút thức giấc, lẩm bẩm, và cuối cùng tỉnh ngộ ra rằng mình còn có nhiều việc trong thế gian này, và không thể nào trốn khỏi những nghĩa vụ của ngày. Chàng nói, lơ đãng và thân thiện:

    - Lại gần đây!

     [...]

  • {{item.RealPriceStr}} {{item.PriceStr}} -{{item.DiscountPercent}}%

    {{item.Note}}
  • NHẬN XÉT CỦA KHÁCH HÀNG

    Bạn cần đăng nhập để có thể bình luận. Đăng nhập tại đây.
    • Chưa có đánh giá

    Đánh giá

    Quý khách lưu ý

    • Với mỗi nhận xét được duyệt, tặng ngay:
      • 200 BBxu cho khách hàng chưa mua hàng tại Bookbuy
      • 400 BBxu cho khách hàng đã từng mua hàng tại Bookbuy
    • Để được duyệt BBxu, nhận xét của bạn cần đáp ứng các điều kiện:
      • Độ dài tối thiểu 100 từ, viết bằng tiếng Việt chuẩn, có dấu.
      • Nội dung là duy nhất và do chính người gửi nhận xét viết.
      • Hữu ích đối với người đọc: nêu rõ điểm tốt/chưa tốt của sản phẩm.
      • Không mang tính quảng cáo, kêu gọi mua sản phẩm một cách không cần thiết.

    Đăng ký nhận bản tin

    Đừng bỏ lỡ những tin nhắn ưu đãi độc quyền dành riêng cho bạn

    {{productItem.Title}}
    {{productItem.DescriptionOnlyText}}... Xem thêm
    {{productItem.RealPriceStr}}₫    {{productItem.PriceStr}}₫
    {{productItem.DiscountPercent}} %
    Màu sắc:
    • {{item.Color.Name}}
    Chọn kiểu dáng:
    Size:
    • {{item.Name}}
    {{productItem.HasGift}}
    {{productItem.Type==1 || productItem==759 ? 'Sách này sắp phát hành' : 'Hàng này sắp ra mắt'}}
    Hàng này không còn
    Báo tôi khi có hàng
    Thêm vào yêu thích