Bị suy thận giai đoạn cuối, Nguyễn Hồng Công vẫn hồn nhiên sống, hồn nhiên yêu nhưng ngờ vực về một đám cưới có thật. Cuốn tự truyện chứa nhiều đớn đau, tan vỡ nhưng giàu hy vọng, giàu niềm tin và mang cái nhìn nhân ái, tri ân với cuộc đời.
|
Bìa cuốn sách |
Nguyễn Hồng Công sinh ngày 23/10/1978 tại Lạng Giang, Bắc Giang. Ba tháng sau, bố chị hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Năm Công 14 tuổi, mẹ chị đi bước nữa. Bố dượng của chị là một thương binh. Hạnh phúc vừa sáng lên trong ngôi nhà của họ nhanh chóng phủ lên không khí u ám khi Công bị phát hiện viêm cầu thận và từ đó phải sống chung thân với bông gòn, kim tiêm và những lần chạy thận nhân tạo định kỳ.
Nhưng không chỉ có quả thận yếu ớt, hầu hết mọi cơ quan trong cơ thể cô gái trẻ đều hư hỏng, đau đớn và mang bệnh. Chỉ còn lại tâm hồn nguyên vẹn trắng trong, đầy lạc quan và đam mê sống. Ở "xóm chạy thận", Công là người giàu tiếng cười nhất; ở bệnh viện, chị là bệnh nhân nổi tiếng nhất và dũng cảm nhất. Dẫu 15 năm qua, cái án tử hình treo lơ lửng có thể cướp đi nụ cười hồn nhiên của chị bất cứ lúc nào.
Nguyễn Hồng Công viết tự truyện từ lời động viên của nhà văn Đặng Vương Hưng. Chị nghĩ sao viết vậy, nghĩ đến đâu viết đến đó. Nên những câu chuyện trong Khát vọng sống để yêu cứ như từng mảnh nhỏ, để khi ghép vào nhau, người ta hình dung một cách rõ nét về người con gái không được số mệnh ưu ái nhưng biết tự chấp nhận và bằng lòng với những niềm vui giản dị của mình. Công kể chuyện đi lọc máu cạnh chuyện chị bị mời chào làm gái điếm, kể những mối tình tuổi ô mai cạnh những ký ức đau buồn về bệnh tật… kể tất cả những cảm xúc bất chợt ập đến, những sự kiện bất ngờ xảy ra trong những ngày mệt nhọc đấu tranh giành sự sống của mình.
Trong đó, thương xót nhất là mối tình chân thành nhưng tuyệt vọng của cô gái trẻ với anh cảnh sát giao thông tỉnh Bắc Giang. Họ gặp nhau tình cờ, yêu nhau lặng lẽ nhưng Công ý thức rõ sự vô vọng của mối tình này, vì chị sợ, không ai lại đi cưới một đứa con gái "sắp chết". Công viết: “Trái tim nhạy cảm của người con gái mách bảo tôi rằng: ‘Anh là người con trai tốt’. Anh là mẫu con trai dễ làm lụy lòng con gái với khuôn mặt thanh tú nhưng đôi mắt lại rất buồn. Tôi rất thích anh vuốt mái tóc tôi, cho dù tóc của tôi không được đẹp. Phải chi cả một đời luôn được anh vuốt mái tóc này thì sung sướng biết bao”. Nhưng rất nhanh, chị nhận ra rằng: “Hình ảnh của tôi và anh được ví là chữ V, chỉ điểm đầu gặp nhau thôi còn điểm cuối là không bao giờ, rất xa vời”.
Và chị vẫn một mình đi chụp những bức ảnh cưới trong trang phục cô dâu chỉ để ngắm và mơ ước.
Nguyễn Hồng Công kể chuyện đời mình bằng cái nhìn nhân ái và bao dung với con người. Những người sống quanh chị, từ bác sĩ, y tá, người bệnh đến những hàng xóm trong xóm chạy thận tất thảy đều tốt, đáng yêu và đáng mến. Nam Cao từng nói “khi một người bị đau chân, người ta chỉ nghĩ đến cái chân đau của mình”. Nếu nhà văn không sai thì có lẽ Công là một ngoại lệ.
Chính vì thế mà với cuốn tự truyện này, chị giãi bày khát vọng được sống để yêu, để tri ân những tấm lòng đã đến và chia sẻ với chị trong cuộc đời.
Theo báo Tuổi Trẻ 03/07/2007:
Chưa từng viết văn nhưng bằng những chất liệu từ chính cuộc đời mình, cô gái bệnh nhân của xóm chạy thận nghèo của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã viết cuốn tự truyện Khát vọng sống để yêu (NXB Công An Nhân Dân 2007) trong những ngày phải sống với căn bệnh thận giai đoạn cuối.
* Ý tưởng nào đã khiến Công viết Khát vọng sống để yêu?
- Sống là để lại. Mẹ rất hay khóc và không lạc quan như tôi. Mẹ có một sạp rau nho nhỏ ở phố cóc Lạng Giang của tỉnh Bắc Giang. Buồn và ảm đạm. Những ngày khỏe tôi vẫn tranh thủ về thăm mẹ. Tôi viết sách vì muốn để lại một điều gì đó cho mẹ và cho những ai đang sống, để tin và yêu...
* Trong tự truyện, Công viết rất nhiều về cuộc sống của mình và những bệnh nhân ở xóm chạy thận Bạch Mai. Tại sao vậy?
- Vì đó chính là chỗ đi về của tôi. Tôi trở thành công dân thường trú ở xóm chạy thận của Bệnh viện Bạch Mai được 10 năm nay. Cũng như tôi, những bệnh nhân của xóm đang sống với căn bệnh thận vào giai đoạn cuối. Xóm toàn những bệnh nhân nghèo, cực nghèo, phải vừa làm vừa kiếm sống, kiếm tiền để trị bệnh - những số phận đã được lập trình bằng những máy lọc máu nhân tạo.
Những chương cuối của sách, Công viết rất nhiều về tình yêu và một đám cưới trong mơ. Tại sao lại là trong mơ?
* Những chương cuối của sách, Công viết rất nhiều về tình yêu và một đám cưới
- Tôi đã có một mối tình để yêu và để nhớ. Nhưng tất cả đã qua và bây giờ tôi đang đối diện với một cuộc sống mới. Nhưng những kỷ niệm đó là những giây phút thật đẹp để mình tin, yêu và sống, trong căn nhà trọ cấp 4 tuềnh toàng, trống trải này lẫn trong những tiếng rao bán nước, bánh mì... của hàng xóm. Và dù thế nào thì cũng phải luôn mỉm cười vì cười sẽ xinh hơn, vui hơn, yêu đời hơn…
* Vừa phải kiếm tiền để sống, vừa phải chạy thận hằng ngày, Công đã viết sách vào những lúc nào?
- Tôi viết bất kỳ lúc nào rảnh, khi trên xe buýt, những đêm trằn trọc không ngủ được, có khi ngay trong lúc đang chạy thận, mình nghiêng qua một bên và viết vào sổ khám bệnh. Đêm Noel 2006, tôi đang viết thì gục xuống, ngỡ đã “ đi”, nhưng qua bốn lần cấp cứu lại gượng dậy và viết. Khát Vọng Sống Để Yêu là điều tôi muốn dành cho mẹ. Mẹ vẫn yếu đuối và hay khóc...
* Và điều mà Công muốn gửi gắm qua gần 400 trang sách?
- Tôi muốn tất cả những người đang sống như mình hãy cố gắng lên, lạc quan và sống thật có ý nghĩa cho mình, cho những người mà mình yêu thương.
Theo LÊ VÂN
Khát vọng sống để yêu là tự truyện hay đơn giản là cuốn nhật ký mà Nguyễn Hồng Công đã, đang và vẫn còn tiếp tục viết. Yêu, với cô có khi đơn giản là say đắm một chàng trai nào đó, song đồng thời còn thể hiện một tình yêu cuộc sống tinh khôi, đẹp đẽ. Cô viết: “Mỗi sáng tỉnh giấc trước khi rời khỏi giường, đầu tiên là khua khoắng tay sang hai bên để thấy mình không nằm trong sáu mảnh ghép của quan tài và biết mình còn sống, là tôi lại mỉm cười...”. Cứ như thế, sau những “trận mưa nước mắt” là những nụ cười tươi tắn, lạc quan. Không phải gượng cười mà tự biết mỉm cười để vượt lên nghịch cảnh.
Không tham lam chỉ nói về mình mà còn dành rất nhiều trang xúc động để tạ ơn mẹ cha, bạn bè, bác sĩ, người thương yêu... Song, điều đáng quí nhất là cô đã dành nhiều trang viết để truyền lại kinh nghiệm của một người “chạy thận thâm niên” cho những bệnh nhân khác. Những kinh nghiệm này là cần thiết. Và có cả những “kinh nghiệm đặc biệt” khác, ví dụ: “lúc nào muốn ăn ngon thì hãy khóc”(!)...
Cuốn tự truyện có thể lấy nước mắt của rất nhiều người, nhưng nhân vật chính lại luôn gắng ngăn những giọt nước mắt và luôn tự nhủ khi nào có thể thì hãy nở nụ cười thật tươi với cuộc đời...
Mời bạn đón đọc.
NHẬN XÉT CỦA KHÁCH HÀNG
Chưa có đánh giá