-
-
{{item.Color.Name}}
- {{item.Name}}
54,000 đ
Tiết kiệm:
10,000 đ (15%)
Giá thị trường: 64,000 đ
Tình trạng:
Hết hàng
THÔNG TIN CHI TIẾT
Giới thiệu sản phẩm
“Ông ngoại tôi vừa mới phải phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt. Thế nên mẹ bận ngập đầu ngập cổ và không thể biết phải làm gì với chúng tôi. May mắn thay đã có bác Luisa, bác hàng xóm của chúng tôi, bác đón chúng tôi về nhà, bác cho chúng tôi ngủ ở nhà bác. Nhưng bác cũng tranh thủ dịp này để cho chúng tôi ăn những thứ lành mạnh và mua cho chúng tôi những bộ quần áo tuyệt đẹp! Kinh khủng…
Và rồi Ngốc đã khiến cả hai chúng tôi lâm vào những tình huống bất khả. Những ý tưởng của nó khá là thiên tài, ngay cả khi chúng vượt xa cả kinh nghiệm sống của tôi…”
Hãy cùng khám phá các cuộc phiêu lưu cười chảy nước mắt của Manolito trong series về cậu nhóc lắm mồm này và hiểu tại sao Manolito lại được yêu mến đến vậy tại Tây Ban Nha và khắp châu Âu!
Nếu bạn đã kết Nhóc Nicolas thì bạn sẽ không thể không mê Manolito.
***
Đôi nét về tác giả Elvira Lindo
Elvira Lindo sinh năm 1962 tại Cadix, Tây Ban Nha. Bà là nhà văn, nhà báo, nhà soạn kịch. Bà hiện sống tại New York cùng chồng và con trai. Tên tuổi của Elvira Lindo được biết đến nhiều nhất nhờ bộ truyện về cậu bé Manolito, cậu nhóc mười tuổi được coi là Nhóc Nicolas phiên bản Tây Ban Nha. Bộ truyện đã hai lần được chuyển thể thành phim.
***
Những kẻ liên quan
Manolito Mắt Kính
Một thằng bé ở khu Carabanchel, nói nhiều và không được ai hiểu. Mọi ý tưởng thiên tài của nó đều bị người lớn tiếp nhận xiên xẹo ráo.
Ông
Đồng minh vô điều kiện của Manolito trong những khoảnh khắc người ta chỉ muốn một điều là chui tọt xuống đất.
Ngốc
Manolito phát hiện ra rằng em trai của nó không ngốc như nó nghĩ. Bé, cái đó thì đúng, nhưng rất khôn.
Bố mẹ đỡ đầu và Boni
Bố mẹ đỡ đầu của Manolito có một con chó rất giống người.
Yihad
Thằng đầu gấu và hung hăng nhất trong số các bạn của Manolito.
Tai To
Tên phản bội xấu xa, thằng bạn thân như bóng với hình của Manolito.
Cô Asunción
Cô giáo của Manolito thỉnh thoảng tuyệt vọng lắm, nhưng trên đời lại không ai yêu cô bằng “những tên tội phạm” yêu quý của cô.
***
Trích Ngốc và tôi
NGƯỜI DÂN KHU PHỐ THAN PHIỀN
Không được kể lại cho ai khác những gì tôi sẽ kể cho bạn bây giờ đâu đấy nhé, bởi tôi đã khóc rất nhiều, và tôi thấy hơi ngượng với các chương sách có cảnh tôi khóc. Theo ông tôi, khi đã có chừng ấy cuốn sách về cuộc đời một người, thì cũng bình thường khi nhân vật chính (chẳng hạn như tôi) đôi lúc có khóc vì một nỗi bất hạnh khủng khiếp nào đó; ông bảo chuyện ấy làm độc giả thích lắm, độc giả cũng sẽ khóc như thể bất hạnh đó là của họ luôn. Độc giả gì mà kỳ cục nhỉ! Tôi thì, những người mà tôi biết, dĩ nhiên đều sống ở Carabanchel cả, tất tật sẽ lăn ra cười mỗi khi nhân vật chính gặp phải vô vàn bất hạnh, đặc biệt khi nhân vật chính là tôi. Thằng đầu gấu khu phố tôi, Yihad, nói cái mà nó thích nhất trong những cuốn sách về cuộc đời tôi là lúc tôi bị ngã, hoặc lúc mẹ tôi cho tôi một cái đét, hoặc lúc nó đập vỡ kính của tôi. Nhưng Yihad ngoài chuyện đầu gấu còn là một thằng nói dối, vì chính mẹ nó một hôm đã nói: “Đừng để ý đến nó, Manolito ạ, nó chẳng bao giờ mở một quyển sách nào hết đâu, kể cả là sách viết về nó”.
Thoạt tiên, ở khu phố tôi, mọi người đều mua tập đầu bộ tiểu sử của tôi vì chuyện này thật mới mẻ và để xem có họ ở trong sách không, nhưng họ nhanh chóng bực tức và thôi không mua nữa khi đã biết tôi nói gì về họ, nhất là khi thấy Emilio Urberuaga vẽ họ ra sao. Cô Asunción đến lớp nói người ta vẽ cô như một con bò cái béo ú béo nần, chúng tôi cười đến chết mất lúc cô bảo cô không muốn thấy đứa trẻ con nào cầm một trong những cuốn sách của tôi nữa. Bác hàng xóm Luisa thì nói cái con người đã vẽ bác làm bác như đã năm mươi tuổi rồi ấy.
- Luisa, mẹ tôi bảo bác, như thế thì có gì đáng ngạc nhiên, chị năm mươi hai tuổi rồi cơ mà.
- Đúng, nhưng anh ta có biết điều đó đâu, và chị cũng sẽ phải đồng ý với tôi, Catalina ạ, là bề ngoài trông tôi trẻ hơn đến mười tuổi ấy chứ! Một nghệ sĩ không được phép làm như vậy, một nghệ sĩ phải vẽ sao cho chị đẹp lên, nếu không thì đừng có mà vẽ, hoặc là anh ta nên vẽ mẹ anh ta ấy.
- Việc gì mà chị phải phàn nàn nhỉ, mẹ tôi đáp, tôi thì lúc nào cũng bị anh ta vẽ có cái cằm gớm ghiếc ấy, trông hệt như một con bồ nông.
Bác Ezequiel cũng không hài lòng vì bác nói trên các bức tranh, không thể ưa nổi việc quán của bác cứ bị họa sĩ thay đổi liên miên:
- Không cười đâu nhé, hôm nay thì Tropezón giống hệt một quán cà phê Paris, nhưng rõ ràng là cái ông ấy chẳng biết điều đó đâu.
- Thì cứ nói luôn là anh ta chẳng muốn biết đi!
Đó là một người khách của quán, cả ông cũng từng bị vẽ trong một cuốn sách.
Bố tôi cũng phàn nàn, bố phàn nàn là trên những bức tranh bố luôn luôn rất béo:
- Anh chưa bao giờ có một cái bụng phệ như thế cả, Catalina, chưa bao giờ hết cả!
Đúng là tôi chưa thấy một ai ở khu phố tôi hài lòng về nhân vật chính mình trong những cuốn sách. Không, tôi nói dối đấy, có một người: Ngốc, nó thích tự tán dương bằng cách nói họa sĩ lúc nào cũng vẽ nó lên tranh bìa. Nhưng mẹ không thích nó luôn luôn bị vẽ với cái ti giả ngậm ở miệng, vì mẹ nói có nguy cơ nó sẽ thấy như thế là hay ho lắm.
- Mẹ đang cố hết sức để thằng bé đó không ngậm ti giả nữa, thế mà cái tay kia lại không ngừng vẽ nó ngậm thứ ấy.
Như tôi đã nói rồi đấy, thoạt đầu người dân trong khu phố tôi mua những cuốn sách. Nhưng họ đã ngừng mua vì họ nói sẽ không tiếp tục tiêu tiền để thấy mình béo, xấu và lố bịch. Thậm chí còn có những người nói thẳng điều ấy với mẹ tôi ngoài phố, để rồi sau đó mẹ bảo tôi:
- Đủ rồi đấy, Manolito ạ, cuối cùng rồi thì mọi người sẽ ghét mẹ cho mà xem.
- Con thì không, mẹ ạ. Toàn bộ chuyện này là do cái bà viết sách, bà ấy chỉ giữ lại những gì tồi tệ nhất mà con kể thôi.
Rốt cuộc, nói tóm lại, câu chuyện giờ đây tôi muốn kể và tôi sẽ bắt đầu từ khởi thủy, là vào một chiều thứ Sáu tôi cùng ông tôi đến phòng khám, rồi bác sĩ Morales bảo ông rằng tuyến tiền liệt của ông không thể cứ tiếp tục như vậy được, bác sẽ sử dụng những biện pháp mạnh tay bởi tuyến tiền liệt của ông tôi là một tuyến tiền liệt kinh dị lắm, rằng cứ mỗi phút trôi qua nó lại to thêm ra. Mặt ông tái mét, ông chụm hai tay che phía trước cái tuyến tiền liệt đang bị nhắc tới, có thể là vì ông sợ bác sĩ sẽ rút phắt ra một con dao mổ mà rạch luôn một nhát tại chỗ. Nhưng không hề.
- Bình tĩnh đi nào, bác sĩ Morales nói, bác đã đoán ra ý nghĩ của ông, chúng tôi sẽ cắt nó đi hộ ông ở bệnh viện, có thuốc gây mê, giống như với mọi ông già.
Ông tôi chậm chạp bước ra khỏi phòng khám, dáng vẻ buồn bã hết sức.
- Ông ơi, tôi mới bảo ông, nếu tuyến tiền liệt của ông nặng quá thì ông cứ dựa vào vai cháu đây này, nếu cùng nhau gánh thì trọng lượng của nó sẽ giảm đi đấy.
Nhưng ông đáp là ông không đi chậm vì trọng lượng cái tuyến tiền luyệt bị sưng phồng của ông, mà là vì thỉnh thoảng những người ông lại gặp một nỗi sợ kinh khiếp. Chúng tôi phải đến Phố Lớn bởi mẹ đã sai chúng tôi đi mua áo phông Termolactil cho tôi và Ngốc, mẹ rất thích nhìn thấy chúng tôi đổ mồ hôi trong mùa đông và, chừng nào chúng tôi còn chưa bị nổi mẩn khắp cổ, mẹ còn chưa thấy yên ổn trong lòng. Chúng tôi đi taxi vì ông tôi bảo, đang buồn bã như thế này, ông không muốn đi tàu điện ngầm, rằng ông sẽ có đầy thời gian ở bên dưới mặt đất vào một ngày nào đó. Ông tôi là như vậy đấy: một người sinh ra đã rất lạc quan.
NHÂN VẬT CHÍNH
KHÔNG BAO GIỜ TRẢ TIỀN
Chúng tôi đã mua xong áo phông, ông cũng mua luôn cho mình một cái, thêm một quần sịp nữa, vì ông bảo ông muốn tạo ấn tượng tốt đẹp với các cô y tá. Chúng tôi ở trong cửa hàng một lúc lâu, đủ thời gian để ông tôi kể cho anh bán hàng về cuộc phẫu thuật sắp tới; và một ông già, cũng vào mua quần sịp, bảo ông tôi không việc gì phải lo lắng, kể từ khi ông ấy được phẫu thuật thì đời ông ấy toàn màu hồng thôi. Cái người từng được phẫu thuật này đã vực tinh thần ông tôi lên cao trở lại, thậm chí anh bán hàng còn cho phép hai người cùng vào một phòng thử quần áo để ông ấy cho chúng tôi xem vết sẹo, trông thật là hay lắm, đó là một vết sẹo siêu hoàn hảo, tất cả chúng tôi đều nhất trí về điều này (cả anh bán hàng cũng nhất trí), trông cứ như là bác sĩ đã dùng thước kẻ mà vạch đường thẳng ấy. Và trong khi tất cả chúng tôi cúi xuống xem “kỳ quan của ngành phẫu thuật”, ông già cứ cười ha hả vì ông rất sướng trước những lời khen mà chúng tôi dành cho cái bụng bị xẻ ra làm đôi của ông. Ông tôi và ông già ấy cho nhau số điện thoại vì hai người đã trở thành bạn rất thân và vì ông già ấy muốn đến thăm ông tôi ở bệnh viện để xem bác sĩ có làm được một vết sẹo siêu hoàn hảo như vết sẹo của ông ấy hay không.
Vào lúc họ chia tay nhau trên Phố Lớn, tâm trạng của ông tôi đã thay đổi hoàn toàn và, để ăn mừng điều này, ông bảo tôi là ông sẽ mua một tờ Loto trong cửa hàng của một bà tên là Manolita (chúng tôi không phải người nhà gì đâu đấy nhé). Có cả một hàng người rồng rắn xếp hàng nên tôi bảo ông hay thôi bỏ đi, nhưng ông đáp ông cảm thấy hôm nay là ngày may mắn của ông, và ông tự nhủ tôi có thể đợi ông trong một hiệu sách lớn của Phố Lớn, tha hồ mà ấm áp. Ông kể cho tôi rằng trước đây, người ta để bọn trẻ con đứng chờ trong một nhà thờ, nhưng chúng run lên vì lạnh, sau một lúc thì người ta bắt đầu vứt cho chúng tiền, rồi thì chúng sẽ trở thành ăn xin. Khi ông để tôi lại trong cái hiệu sách ấy, tôi nghĩ chừng nào lớn tôi sẽ trở thành nhà văn, nhưng tôi lấy hai tay mà lắc cái đầu bởi, thẳng thắn mà nói, tôi thích mình đẹp trai hơn mọi nhà văn thời này.
Vậy là ông tôi đã để tôi lại đó: trơ trọi giữa bao nhiêu sách là sách. Bạn sẽ không tin đâu nếu tôi nói những gì tôi tìm thấy trên một cái bàn: Manolito Mắt Kính, Siêu Nhân Manolito, Manolito nghỉ hè... Tất tật chúng đều có ở trong cái hiệu sách chắc hẳn thuộc vào hàng quan trọng bậc nhất châu Âu này. Tôi bắt đầu phá lên cười như điên, chú bán hàng mới nhìn tôi vẻ như muốn nói: “Tại sao cái thằng bé này lại cười nhỉ?” Tôi hỏi chú xem liệu tôi có thể lấy một quyển sách không và chú ấy, cứ nghĩ mình khôn lanh lắm, đáp rằng chú ấy thấy không có vấn đề gì nếu tôi qua chỗ quầy thu ngân trước đã. Tôi bèn nói với chú ấy rằng chẳng cần đâu vì tôi chính là nhân vật chính của những cuốn sách này và nhân vật chính thì không bao giờ trả tiền cho những cuốn sách người ta nói về họ, điều đó đã được ghi trong Hiến pháp thế giới, Siêu Nhân không trả tiền vé để vào xem phim Siêu Nhân bao giờ cả. Tôi cứ nghĩ đã đưa ra được ví dụ như thế rồi thì mọi chuyện phải cực kỳ rõ ràng, thế nên tôi kẹp quyển sách dưới nách và bắt đầu tiến về phía lối ra để chờ ông tôi. Nhưng ai đó đã đặt tay lên vai tôi. Tôi ngoái đầu lại. Chính là chú bán hàng, chú ấy gí sát mặt vào mặt tôi mà nói:
- Cái đứa trẻ mang được một quyển sách ra khỏi hiệu sách này mà không trả tiền còn chưa ra đời đâu. Chú là người Carabanchel đấy, nghe rõ chưa? Và chú không thích mấy thằng nhóc lắm trò đâu.
Cằm tôi bắt đầu rung lên, không sao dừng lại được. Câu chuyện này có một bước ngoặt rất tồi tệ.
Vẫn nắm chặt lấy vai tôi, người bán hàng ở hiệu sách nói tôi đúng là một thằng vô lại chẳng biết ngại ngần và cũng chẳng thấy ngượng ngùng khi mang các thứ đi, thậm chí còn chẳng buồn che giấu.
- Để ngay quyển sách đó lên bàn, thằng vô lại kia!
Tôi đặt lại quyển sách lên bàn, cảm thấy sợ chết đi được.
- Mẹ mày đâu?
- Mẹ cháu ở Carabanchel, điều đó được viết trong cuốn sách mà chú không để cháu mang đi đấy.
- Đừng giở trò khôn lanh với tao, thằng bé kia.
- Cháu không giở trò khôn lanh đâu, mà là thật đấy. Cháu đến đây cùng ông Nicolás của cháu, ông đang đi mua một tờ Loto ở bên cạnh, ông cho cháu vào hiệu sách này, không phải để cháu mua một quyển sách mà là để cho ấm.
- Thế thì cần phải đọc, nhóc con ạ, rồi mua sách thay vì ăn trộm, giống như mày thích làm ấy.
- Cháu có thích ăn trộm đâu. Cháu đã ăn trộm một lần, ở cửa hiệu của Bà Porfiria, rồi cháu đã bị tóm.
Tôi kể cho chú bán hàng giận dữ cái lần tôi ăn cắp ở cửa hàng, cùng Tai To và Yihad, và kể từ đó tôi không hề ăn cắp vì khi bị bắt thì mọi thứ tồi tệ lắm, người ta trừng phạt bạn và bạn không được xuống công viên Cây Treo cổ trong suốt ngày Chủ nhật. Chú bán hàng giận dữ đẩy tôi rồi giật lấy quyển sách của tôi, thế là tôi cứ đứng đó, dựa lưng vào một chồng sách viết về cuộc đời tôi, rất buồn bã, bởi người đàn ông đó không muốn tin tôi là nhân vật chính của những câu chuyện ấy. Tôi thú nhận là tôi đã bật khóc.
Khi ông tôi tới nơi, tôi đã để rơi ba giọt nước mắt và sắp sửa để rơi giọt thứ tư. Ông mới hỏi tôi:
- Có chuyện gì thế, hả Manolito?
Tôi chỉ cho ông người bán hàng giận dữ, chú ấy nhìn chúng tôi với một vẻ mặt trông rất đáng sợ.
Ông tôi hỏi chú bán hàng về chuyện đã xảy ra, bảo chú rằng thường thì tôi ngoan lắm, rằng thật sung sướng, tôi là một đứa trẻ không gây ra vấn đề nào hết ngoài việc tôi lười học ở trường, ghen tị với Ngốc và đôi khi không sao mà làm tôi ngừng nói được, điều này làm mẹ tôi rơi vào những tâm trạng (khủng khiếp), nhưng ngoài vài ba điều ngu ngốc ấy, tôi là đứa trẻ mười điểm trên mười, đứa cháu hoàn hảo, và rằng với tư cách một người ông, ông không thể dung thứ việc có người dám làm tôi khóc ngay bên cạnh một chồng sách về đời tôi.
[...]
Đăng ký nhận bản tin
Đừng bỏ lỡ những tin nhắn ưu đãi độc quyền dành riêng cho bạn
NHẬN XÉT CỦA KHÁCH HÀNG
Chưa có đánh giá