Cuốn sách Nguyễn Văn Vĩnh là ai? tập trung những bài viết của những con người đã được xã hội Việt Nam trân trọng và tôn vinh trong lịch sử văn hóa Việt Nam như chí sĩ Nguyễn Văn Tố, nhà văn, nhà tình báo Vũ Bằng, nhà thơ Nguyễn Vỹ, GS.TS. Công Thị Nghĩa (bút hiệu Thu Trang)... Đặc biệt, nhóm tác giả trích phần lớn bài viết của giáo sư đại học người Mỹ Christopher E. Goscha, hiện đang giảng dạy tại Montreal-Canada, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử hiện đại Việt Nam, thể hiện sự hiểu biết uyên thâm không phải chỉ về cá nhân học giả Nguyễn Văn Vĩnh, mà cả những diễn biến xã hội ở Việt Nam trong thế kỷ XX. Hầu hết các bài viết nhóm tác giả sử dụng trong cuốn sách này đều được giữ nguyên văn và nguyên tác, điều này có thể làm cho một số độc giả trẻ sẽ ngạc nhiên về câu chữ cũng như cách hành văn tiếng Việt trong quá khứ.
Nhóm tác giả cũng đưa vào phần hai của cuốn sách một số bài viết có tính đại diện về những người con nổi danh của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, nhằm giúp các độc giả phần nào hình dung được tính đa dạng của gia đình Nguyễn Văn Vĩnh.
Việc ra đời cuốn sách này, là bước đi kế tiếp sau tác phẩm phim tài liệu lịch sử, ra đời năm 2007 “Mạn đàm về Người Man di hiện đại” và cuốn sách Lời của Người Man di hiện đại. Cuốn sách Lời của Người Man di hiện đại là cuốn sách đầu tiên của Nguyễn Văn Vĩnh tính từ ngày ông qua đời, tháng 5/1936.
---------------------------------
“…Hệ thống lại quá trình ra đời và tồn tại của chữ Quốc ngữ, chúng ta biết rằng, trong quá khứ, việc sử dụng thứ chữ viết này suốt gần 300 năm kể từ khi nó ra đời, nó đã luôn bị giới hạn và chỉ được sử dụng từng phần trong cuộc sống của những người theo đạo Công giáo ở Việt Nam. Có thể thấy thông qua thực tế này, hình như chính những người chủ trương dùng thứ chữ này, vào giai đoạn lịch sử đó, cũng đã không tìm được hướng đi cho sự phát triển, sự quảng bá nhằm dành được vị trí cho đứa con tinh thần do họ đã đẻ ra. Mặt khác, nó phản ánh đúng bản chất của xã hội chính trị Việt Nam một thời, một xã hội đã chịu ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng tập quán và lối sống phong kiến, mà chủ đạo của lối sống đó là tư tưởng Phật giáo và Nho học. Nói giản dị với nhãn quan xã hội thuần túy, việc phá bỏ những thói quen cũ, lập một lối sống mới, khác hẳn... chắc chắn phải thông qua một cuộc đại cách mạng!”
(trích Lời tựa, Nguyễn Văn Vĩnh là ai?, Nguyễn Lân Bình chủ biên, NXB Tri thức, 2013).
NHẬN XÉT CỦA KHÁCH HÀNG
Chưa có đánh giá