Tây Sơn Phụng Thần Ký
Đàng Trong năm 1765, chúa Nguyễn Phúc Khoát mất, vương tử lớn nhất là Nguyễn Phúc Luân theo lẽ được lập làm chúa. Ấy vậy mà quyền thần Trương Phúc Loan nổi lên những dã tâm cuồng bá, một tay đổi trắng thay đen, đưa vương tử Nguyễn Phúc Thuần mới chỉ là đứa trẻ mười hai tuổi lên nối ngôi, mang thứ tâm cơ độc tàn làm xáo trộn dòng dõi nhà chúa, để rồi tự thân hắn bán quan, buôn tước, đầy đọa cuộc sống nhân dân đến khốn cùng…
Từ ấp Tây Sơn, phủ Quy Nhơn (Bình Định), ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ quy tụ dân chúng đứng lên, dần kết thành nghĩa quân “lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo”, thế ngày càng mạnh, xung khí tựa như sớm có ngày tung trời nổ đất, càn quét hết nào những quý tộc, quan lại đang “sâu bọ”, chà đạp lên con dân đất Việt…
Xứ Bắc Hà, Lê – Trịnh mục nát, vậy mà ý chí nam chinh vẫn cuồn cuộn.
Đàng Trong – Ngoài chưa một lần hòa hợp. Suy cho cùng, đứng giữa là dân, khổ nhất cũng là dân…
Giữa những hùng khí tứ phương, giữa đất trời vần vũ như báo hiệu cảnh binh đao trường kì bỗng nổi lên câu sấm rằng:
“Chớp đông nhay nháy
Phụng thần tái sinh
Tro khói mịt mùng
Rường cột chao đảo
Binh đao rợp trời
Đầu rơi máu chảy
Ải Nam nghiêng
Cõi Bắc lật
Rồng đọa
Hổ nhào
Cành non đổ xuống
Gốc già mọc lên...”
Số mệnh đã lựa chọn, cuộc đời người con gái mang thân phận Phụng thần là Bùi Thị Xuân không còn có thể như trước. Mang nỗi thù gia quyến bị tàn sát, căm phẫn trước cảnh mạng người rẻ rúm trong thời thế hỗn loạn, nàng buộc kiên cường mà rèn võ, gửi thời xuân thì trên tấm giáp xông trận giết giặc, từng bước, từng bước tiến gần tới bí mật u tối mà ẩn khuất của triều đình đã tàn bại của Đàng Trong, những thật giả, chính tà của cảnh nồi da xáo thịt như kéo dài đằng đẵng… Từ tìm cách sống sót đến chiến đấu vì người khác, Bùi Thị Xuân nàng vẫn luôn một mình với song đao, điều khiển quân ngũ, mưu trí anh dũng trên sa trường, từng bước trở thành nữ tướng, nữ đô đốc uy dũng của triều Tây Sơn, trung thành với lí tưởng về một đất nước thái bình, thịnh thế, nguyện dâng hiến thân mình vì dân.
Dựng lên câu chuyện về Phụng thần, mà khởi đầu là bài sấm truyền nửa thực nửa hư, như để ngụy biện cho một triều đình chúa Nguyễn đã chẳng còn nắm quyền lực thực sự, Tây Sơn phụng thần ký khắc họa cuộc đời của nữ tướng Bùi Thị Xuân từ khi còn nhỏ tới thời kì danh tiếng nữ tướng mà chỉ nghe đến thôi đã khiến giặc trong ngoài đều kinh hồn bạt vía với chiến thắng trận Ngọc Hồi – Đống Đa, cũng là trận đánh mang hào khí cực thịnh của vua Quang Trung – Nguyễn Huệ, của triều đại uy mãnh Tây Sơn. Song song với đó là quãng dài binh biến của đất nước với các thế lực lớn bé giằng xé nhau, những tham vọng chính trị, quyền vua, thế chúa trong suốt hơn ba mươi năm.
Xen kẽ câu chuyện về Bùi Thị Xuân còn là cuộc đời của Nguyễn Phúc Dương, ngặt vì mang thân phận con cháu đế vương mà bị cuốn vào vòng xoáy quyền lực đến mất đi tâm tính, của ba anh em Tây Sơn với những tầm nhìn khác nhau về nền thái bình dân tộc hay của An Nam quốc vương Lê Duy Khiêm (Lê Chiêu Thống) mờ mắt và tàn bại trong hận thù chồng chất của vương tộc. Giữa cảnh hỗn mang tro tàn, tương lai “thái thịnh dân an” phải đổi bằng huyết tẩy sơn hà, Bùi Thị Xuân nàng khi xuống đao vô tình với ngàn giặc hùm, cũng có khi trĩu nặng nỗi đau, ám ảnh mãi những giao tình chẳng thể cứu vãn, đành mặc thế thời nhào nặn, vận mệnh binh đao cứa thêm những vết thương lòng.
Dồn nén những sôi sục của thời kì giao tranh Đàng Trong – Đàng Ngoài, không giấu đi chất thô, bạo mà man rợ trong từng trận đánh của nghĩa quân Tây Sơn, Tây Sơn phụng thần ký mang đến sự kết hợp rất hiếm và riêng giữa lịch sử và kiếm hiệp, khi nhân vật Bùi Thị Xuân, dưới ngòi bút của tác giả Thành Châu, trở nên sinh động, chân thực hơn bao giờ hết, khi được bộc lộ những năng lực binh đao phi thường, một bản lĩnh anh hùng và chí hướng không hề thua kém bất cứ đấng nam nhi nào.
Mua sách online tại Bookbuy.vn và nhận nhiều ưu đãi.
NHẬN XÉT CỦA KHÁCH HÀNG
Chưa có đánh giá