Mở đầu cuốn sách là chuyến hành trình nhìn lại lịch sử loài người cách nay 100.000 năm. Nói như tác giả Byron Reese, xuyên suốt chiều dài của nền văn minh nhân loại, chúng ta chỉ có 3 lần thay đổi lớn lần lượt là khi lửa, nông nghiệp và chữ viết được phát minh. Và với sự xuất hiện của AI, chúng ta đang tiến gần đến lần thay đổi thứ tư. “Cả thế giới sẽ thay đổi. Chúng ta thật sự đang ở giai đoạn bình minh của một thời đại mới”, Byron Reese nhấn mạnh.
Trong những phần sau của cuốn sách, tác giả tập trung phân tích tường tận về rô-bốt và trí tuệ nhân tạo, đồng thời phác họa những khả năng có thể xảy ra trong tương lai, khi trí tuệ nhân tạo trở nên “thông minh” và “trí tuệ” hơn gấp nhiều lần so với hiện tại.
THỜI ĐẠI THỨ TƯ thảo luận những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực rô-bốt và AI như: Trí tuệ nhân tạo sẽ đạt được “trí tuệ” như thế nào? Máy móc có thể có ý thức, óc sáng tạo, trí tưởng tượng, trí thông minh cảm xúc, xã hội và sự độc đáo như con người không? AI có khiến việc làm biến mất không? Có công việc nào không dành cho máy móc không? Công nghệ sẽ khiến mối quan hệ giữa người giàu và người nghèo thay đổi ra sao? Con người sẽ định vị bản thân như thế nào trong một thế giới đầy rẫy những thiết bị mạnh mẽ và có thể thông minh hơn chúng ta?
Nội dung sách không quá nặng về kiến thức kỹ thuật, mà tập trung làm rõ những vấn đề đạo đức, xã hội, triết học… liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Suy cho cùng, lý do của những quan điểm trái chiều xoay quanh AI, nằm ở sự khác biệt trong niềm tin của chúng ta về chính mình. Liệu có gì đó “siêu việt”, thần bí nơi con người mà rô-bốt không thể đạt đến hay không? Khi máy móc dần thay thế chúng ta làm việc và lao động, ta cũng sẽ tự hỏi bản thân nhiều hơn về ý nghĩa của việc làm người. Như lời của Kevin Kelly – Chủ biên tạp chí Wired: “Chúng ta cần AI nói cho chúng ta biết chúng ta là ai”.
NHẬN XÉT CỦA KHÁCH HÀNG
Chưa có đánh giá