Tôi Là Ai Và Nếu Vậy Thì Bao Nhiêu?

97,500 đ

Tiết kiệm: 

17,500 đ (15%)

Giá thị trường: 115,000 đ

Tình trạng: 

Hết hàng

Thông tin & Khuyến mãi

  • Đổi trả hàng trong vòng 7 ngày
  • Sử dụng mỗi 3.000 BBxu để được giảm 10.000đ. Làm sao để lấy BBxu?
  • Freeship nội thành Sài Gòn từ 150.000đ*. Chi tiết tại đây
  • Freeship toàn quốc từ 250.000đ
Trọn bộ {{collection.TotalAllOutOff}} sản phẩm / Còn {{collection.List.length}} sản phẩm có hàng / {{collection.PriceTotalStr}} đ
  • {{item.RealPriceStr}} {{item.PriceStr}} -{{item.DiscountPercent}}%

    {{item.Note}}
  • THÔNG TIN CHI TIẾT

    • Nhà xuất bản: Đang cập nhật
    • Ngày xuất bản: 12/12/2011
    • Nhà phát hành: Đang cập nhật
    • Kích thước: Đang cập nhật
    • Số trang: Đang cập nhật
    • Trọng lượng: Đang cập nhật

    Giới thiệu sản phẩm

     "Khi đọc cuốn sách này là lúc bạn đã dấn bước đầu tiên trên con đường dẫn đến hạnh phúc.”

    - Elke Heidenreich

    Có nhiều sách về triết, nhưng tác phẩm này của Richard David Precht khác hẳn mọi sách khác. Bởi vì cho đến nay, chưa hề có ai biết dẫn dắt độc giả một cách toàn diện và thành thạo – không quên những kiến thức của khoa học tự nhiên – đến tiếp cận với những câu hỏi triết học lớn của cuộc đời như Precht.

    Sự thật là gì? Làm sao tôi biết tôi là ai? Ngành nghiên cứu não bộ được phép làm gì?

    Tác phẩm này như một chuyến du hành lớn đi qua nhiều lĩnh vực khác nhau, và trong mớ kiến thức ngổn ngang của ta về con người, nó giúp ta định hướng mạch lạc như chưa từng ai làm được trước Precht. Cuốn sách như lời mời ta suy ngẫm một cách đầy hứng thú và nhẹ nhàng về cuộc phiêu lưu mang tên cuộc đời và các khả năng của nó

    ***

    Đôi nét về tác giả

     

    Triết gia, nhà báo và nhà văn Richard David Precht sinh năm 1964 tại Solingen (Đức), bảo vệ luận án tiến sĩ năm 1994 tại Đại học Tổng hợp Cologne, từ đó đến nay cộng tác với hầu hết các tờ báo và kênh truyền thông lớn ở Đức.

    Precht được trao học bổng Arthur F. Burns Fellowship 1997, một trong những học bổng danh giá nhất cho người làm báo, để làm biên tập viên của tờ Chicago Tribune.

    Năm 2000 ông được tặng giải báo chí về Y sinh học. Ông đã xuất bản hai tiểu thuyết và ba cuốn sách chuyên môn. Hiện nay Precht sống tại Cologne và Luxembourg.

    ***

    Đôi nét về tác phẩm

    Có rất nhiều cuốn sách về triết học, nhưng Tôi là ai – và nếu vậy thì bao nhiêu? là một sự khác biệt. Trước nay chưa từng có một ai dẫn dắt người đọc đến với những câu hỏi lớn của triết học bằng một cách am tường chuyên môn, đồng thời nhẹ nhàng tinh tế như vậy. Thông qua môn khoa học nghiên cứu não bộ, tâm lý học, lịch sử, và thậm chí văn hóa đại chúng (pop-culture), triết gia đương đại người Đức Richard David Precht đã khéo léo soi sáng những vấn đề ở tâm điểm của tồn tại con người như: Sự thật là gì? Cuộc sống có ý nghĩa gì? Tại sao tôi nên tốt? và trình bày chúng qua lối văn ngắn gọn, thông tuệ, cuốn hút. Kết quả là một chuyến du hành xuyên lịch sử triết học và một dẫn nhập sáng tỏ vào những nghiên cứu hiện thời về não bộ. Tôi là ai – và nếu vậy thì bao nhiêu? đích thực là một cuốn sách xuất sắc để tiếp cận triết học. Cuốn sách như một lăng kính vạn hoa của những vấn đề triết luận, những kiến thức thú vị và hài hước, các vấn đề thuộc môn thần kinh học và sinh vật học cũng như nghiên cứu tâm lý học. Sách chia được chia làm ba phần: 1) Tôi có thể biết gì? - tập trung vào các mô tả não bộ, bản tính cũng như phạm vi của tri thức nhân loại, khởi đầu từ các câu hỏi được mổ xẻ bởi Kant, Descartes, Nietzsch, Freud, và các triết gia khác. 2) Tôi nên làm gì? - giải quyết các vấn đề đạo đức và luân lý, sử dụng các nghiên cứu thần kinh học và xã hội học để lý giải tại sao chúng ta có thiện cảm với người khác và buộc phải hành động có đạo đức. Các cuộc tranh luận về trợ tử, phá thai, nhân bản vô tính và những chủ đề gây tranh cãi khác. 3) Tôi có thể hy vọng gì? - xoay quanh những câu hỏi quan trọng nhất của cuộc đời: Hạnh phúc là gì và tại sao chúng ta yêu? Có Chúa không và chúng ta có thể chứng minh sự tồn tại của Chúa như thế nào? Tự do là gì? Mục đích của cuộc sống là gì?

    Với chủ đích dành cho giới trẻ, cuốn sách Tôi là ai – và nếu vậy thì bao nhiêu? là chuyến khám phá hồi hộp, thông minh, hài hước và thú vị xuyên qua thế giới bộn bề kiến thức để đến với chính bản thể con người!

    ***

    Trích Tôi là ai - và nếu vậy thì bao nhiêu?

    Phi lộ

    Đảo Naxos của Hy Lạp là hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Cyclades ở Địa Trung Hải. Giữa đảo là dãy núi Zas dốc dần lên tới một nghìn mét. Cừu và dê rong ruổi trên những đồng cỏ thơm ngái, nho và rau quả mọc xanh um. Cho đến những năm 80 Naxos còn có một bãi tắm huyền thoại gần Agia Ana với những cồn cát chạy dài hàng cây số. Đây là nơi lẻ tẻ có vài du khách tự lợp những túp lều tre để rồi không làm gì khác ngoài suốt ngày uể oải nằm trong bóng râm. Mùa hè 1985, hai chàng trai tuổi đôi mươi nằm dưới một mỏm đá chìa ra. Một người tên là Jrgen, người Dsseldorf, còn người kia là tôi. Bọn tôi vừa quen nhau ngoài bãi biển mấy hôm trước và đang tranh luận về một cuốn sách mà tôi lấy từ thư viện của bố để đọc trong kỳ nghỉ: một cuốn sách khổ nhỏ, nát bét và bạc phếch vì phơi nắng, trên bìa vẽ một ngôi đền Hy Lạp và hai người đàn ông quấn áo choàng Hy Lạp. Đối thoại với Socrates của Platon.

    Chúng tôi trao đổi những ý nghĩ nông cạn, nhưng không khí tranh luận nóng như ánh nắng thiêu đốt da thịt. Bữa tối có rượu vang, pho mát và dưa hấu, chúng tôi tách khỏi đám đông và tranh luận tiếp về những cảm nghĩ của mình. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến bài tự biện do Platon ghi lại, mà Socrates đã nói trước tòa khi đối diện với án tử hình vì tội làm tha hóa thanh niên.   

    Trong một thời gian nhất định, bài này làm tôi hết sợ cái chết – vốn là một đề tài khiến tôi rất lo ngại; Jrgen thì không bị thuyết phục lắm.

    Bãi biển Agia Ana, theo các nguồn tin chắc chắn, hiện nay đã trở thành một thiên đường du lịch với khách sạn, rào chắn, ô che nắng và ghế nằm phải trả tiền. Tôi quên mặt Jrgen rồi. Tôi không gặp lại cậu ta lần nào nữa, giả sử có thấy nhau ngoài đường thì tôi cũng sẽ không nhận ra cậu. Ngược lại, các đoạn trong bài tự biện của Socrates in sâu vào óc tôi và có lẽ còn theo tôi vào tận nhà dưỡng lão; đợi xem, liệu lúc đó bài tự biện ấy còn đủ sức làm tôi lo ngại nữa không.

    Từ những ngày ở Agia Ana tôi không bao giờ mất đi niềm đam mê triết học. Từ Naxos quay về, tôi ngán ngẩm làm xong nghĩa vụ dân sự*. Đó là thời của tranh luận đạo lý, mọi người sôi sục vì quyết định kép của NATO và phong trào hòa bình, lại thêm những cú phiêu lưu như hoạch định một cuộc chiến tranh nguyên tử giới hạn trong châu Âu của Mỹ mà bây giờ nghĩ lại thì ai cũng phải ngán ngẩm lắc đầu. Nghĩa vụ dân sự của tôi là làm chân trợ lý ở làng, dĩ nhiên công việc đó không khuyến khích tôi nghĩ ra các tư tưởng táo bạo; từ khi có điều kiện hiểu rõ gan ruột nhà thờ Tin Lành, tôi thích Cơ Đốc giáo. Đọng lại cuối cùng là sự tìm kiếm cuộc sống đúng nghĩa và câu trả lời có tính thuyết phục cho các vấn đề của cuộc sống. Tôi quyết định học Triết.

    Nhưng khởi đầu ở đại học Cologne lại là một thất vọng. Cho đến lúc ấy tôi vẫn hình dung ra các triết gia là những người có phong cách sống sôi động và nhất quán như chính tư duy của họ. Những tên tuổi mà tôi ngưỡng mộ như Theodor W. Adorno, Ernst Bloch hay Jean-Paul Sartre. Song viễn cảnh về sự hợp nhất tư tưởng lẫy lừng với cuộc đời lẫy lừng đã tức khắc tan tành khi tôi gặp các giáo viên tương lai: toàn các cụ già buồn tẻ trong bộ com lê nâu hay xám, trông như đồng phục của lái xe buýt. Tôi nhớ đến thi sĩ Robert Musil từng kinh ngạc khi thấy các kỹ sư hiện đại và tân tiến thời hoàng đế lại mang bộ râu xoắn, áo gi lê và đồng hồ quả quýt cổ hủ, trong khi họ là những người chinh phục thế giới mới trên không, dưới đất và ngoài biển. Tôi thấy dường như các triết gia Cologne không áp dụng quyền tự do tinh thần nội tại vào cuộc đời mình. Ít nhất thì rốt cuộc tôi cũng được một thầy trong số họ dạy cho cách tư duy. Ông dạy tôi cách hỏi “tại sao” và chớ hài lòng với đáp án đến sớm. Và ông bắt tôi khắc cốt ghi tâm rằng các mạch tư duy và luận cứ của tôi phải mang tính liên tục, để mỗi bước riêng lẻ đều được lấy nền tảng từ một bước khác.

    Tôi có những năm học tuyệt vời. Trong hồi ức của tôi, chúng quyện lại thành một chuỗi duy nhất bao gồm các luận văn thú vị, nấu ăn vui vẻ, bàn luận khi ăn mì, vang đỏ rẻ tiền, tranh cãi hùng hổ ở lớp và các chầu cà phê vô tận ở nhà ăn đi kèm thách thức đối với bài học triết học của chúng tôi: về nhận thức và nhầm lẫn, về cuộc sống đúng nghĩa, về bóng đá, và tất nhiên về câu hỏi tại sao – theo ý Loriot – đàn ông và đàn bà không hợp nhau. Cái hay của Triết là nó không phải môn học để học cho đến hết bài. Hay nói cho chính xác thì thậm chí nó không phải là một môn học. Vậy thì lẽ ra phải ở lại trường mới đúng. Nhưng tôi thấy cuộc sống của các giáo sư, như đã nói ở trên, tẻ nhạt phát khiếp lên được. Thêm nữa, tôi bức xúc khi thấy triết học đại học vô dụng đến mức nào. Các tiểu luận và sách vở chỉ được đồng nghiệp đem ra đọc, và chủ yếu cũng chỉ để phản đối chúng. Cả các hội nghị và hội thảo khoa học mà tôi đến nghe khi đang viết luận án tiến sĩ cũng đã triệt hạ nốt mọi ảo tưởng của tôi về ý chí muốn hiểu biết lẫn nhau giữa các khách tham dự.

    Duy chỉ các câu hỏi và sách vở là theo chân tôi suốt đời. Cách đây một năm tôi chợt nhận ra rằng có rất ít công trình nhập môn tử tế cho triết học. Dĩ nhiên có nhiều sách vở ít nhiều thú vị nói về sự thách đố và mẹo mực của tư duy, ý tôi không nói đến chúng. Cũng không nói đến các cuốn sách hay ho và thông thái kể về thân thế và sự nghiệp một số triết gia được tuyển chọn hoặc dẫn luận cho công trình của họ. Tôi không tìm ra sự quan tâm có hệ thống đến các câu hỏi lớn bao trùm. Những gì tự gọi là nhập môn có hệ thống, kỳ thực chỉ trình bày một chuỗi các trào lưu tư tưởng và các chủ nghĩa mà tôi thường thấy chúng nặng quan tâm đến lịch sử, hoặc quá ngổn ngang tơ vò, hoặc được viết khô không khốc.

    Lý do của cái món chữ nghĩa nhạt nhẽo ấy là: các trường đại học không nhất thiết phát triển một phong thái riêng. Thường là trong giáo dục hàn lâm người ta vẫn chú trọng nhiều hơn vào truyền tải chính xác, thay vì kích động sức sáng tạo tri thức của sinh viên. Ý tưởng cho rằng Triết là một “môn học” có một khía cạnh rất ngán, đó là vạch ranh giới tự nhiên của nó. Trong khi các giáo sư của tôi giải thích ý thức hệ của con người bằng các lý thuyết của Kant hay Hegel thì đồng nghiệp của họ ở khoa Y, cách đó tám trăm mét, tiến hành các thử nghiệm đầy phát kiến với bệnh nhân tâm thần. Tám trăm mét trong không gian một trường đại học là nhiều lắm. Vì các giáo sư sống trên hai hành tinh hoàn toàn khác biệt và thậm chí còn không biết tên nhau.

    Vậy các nhận thức của triết học, tâm lý học và thần kinh học về ý thức hệ có gì chung? Chúng cản lối nhau hay bổ sung cho nhau? Có cái gọi là “cái Tôi” không? Cảm xúc là gì? Trí nhớ là gì? Những câu hỏi sục sôi nhất thì lại không có trong chương trình dạy Triết, và theo nhận định của tôi thì cho đến nay tình trạng đó chưa thay đổi gì mấy.

    Triết học không phải là sử học. Tất nhiên, người ta có nghĩa vụ giữ gìn di sản và luôn luôn tham quan các tòa nhà cổ của cuộc sống tinh thần, nếu cần thì phải tu chỉnh chúng. Nhưng triết học hướng về quá khứ vẫn đóng vai trò quá áp đảo trong hoạt động hàn lâm, lấn lướt triết học hướng về hiện tại. Người ta nên nhớ lại là triết học không hẳn đứng trên nền móng bất di bất dịch đổ bằng bê tông của quá khứ như vài người vẫn tưởng. Lịch sử triết học chủ yếu cũng là lịch sử của các mốt và dòng chảy tinh thần thời đại, của tri thức bị lãng quên hoặc chèn ép, và của nhiều khởi đầu mới mà chúng chỉ được nhìn nhận là mới vì những suy nghĩ ngày xưa bị gạt qua một bên. Nhưng cuộc sống hiếm khi xây nên một cái gì mà không đi lấy gạch từ nơi khác về. Đa số các triết gia xây tòa nhà tư tưởng của mình trên đống hoang tàn của tiền bối, chứ không trên nền đổ nát của lịch sử triết học như họ vẫn hay nói. Song không chỉ nhiều thức nhận và quan điểm khôn ngoan liên tục bị quên lãng, mà còn có nhiều thứ hy hữu và dị kỳ được phát kiến lại và hà hơi hồi sinh. Và sự giằng xé giữa trí thông minh và bất bình ấy cũng có thể nhận ra ở chính các triết gia. David Hume người Scotland ở thế kỷ 18 là một ví dụ, về nhiều phương diện ông là một nhà tư tưởng hiện đại đến khó tin. Nhưng quan điểm của ông về các dân tộc, nhất là dân tộc châu Phi, sặc mùi sô vanh và kỳ thị chủng tộc. Friedrich Nietzsche thế kỷ 19 là một trong những nhà phê bình triết học sắc sảo nhất, nhưng hình ảnh lý tưởng của ông về con người thì sến, ngạo mạn và ngô nghê.

    Tác động của một nhà tư tưởng cũng không nhất thiết phụ thuộc vào nhận thức của người ấy có thật sự đúng hay không. Nietzsche từng có một tác động khủng khiếp trong triết học, nhưng đa số những gì ông nói ra không hẳn mới lạ hay độc đáo như người ta vẫn nhầm tưởng. Sigmund Freud rõ ràng là một người vĩ đại, một trong những người kiến tạo ý tưởng vĩ đại nhất nói chung. Nhưng thuyết phân tâm học của ông có nhiều chi tiết sai lầm. Cả trong ý nghĩa triết học và chính trị lớn lao của Georg Wilhelm Friedrich Hegel cũng cần được chỉ ra nhiều phỏng đoán lệch lạc.

    Khi quan sát lịch sử triết học phương Tây một cách tổng quát, ta dễ nhận thấy rằng đa số các khúc mắc vặt vãnh diễn ra trong nội bộ một vài chiến tuyến bạn thù vốn rất mạch lạc: mối hằn thù giữa người duy vật và duy tâm (hay nói theo cách tiếng Anh là người theo chủ nghĩa kinh nghiệm và người duy lý). Trong thực tế, các quan điểm này xuất hiện ở mọi cách kết hợp trên đời và luôn khoác áo mới. Thực ra chúng luôn lặp lại chính mình. Chủ nghĩa duy vật – niềm tin rằng bên ngoài thiên nhiên có thể cảm nhận được bởi giác quan thì chẳng có gì tồn tại cả, không có Chúa, cũng không có lý tưởng – xuất hiện lần đầu tiên và lan rộng trong thế kỷ 18, thời Khai sáng của Pháp. Lần thứ hai nó tiến quân rầm rộ hơn như một phản ứng với các thành tựu của ngành sinh học và Học thuyết Tiến hóa của Darwin nửa cuối thế kỷ 19. Và ngày nay nó đang ở cao trào thứ ba đến từ kết quả của ngành nghiên cứu não bộ. Giữa mấy cao trào đó là những giai đoạn mà chủ nghĩa duy tâm thống trị ở mọi dạng thức có thể. Ngược với chủ nghĩa duy vật, nó không mấy tin vào nhận thức thế giới qua giác quan, chỉ tin vào sức mạnh độc lập và các ý tưởng từ lý trí. Dĩ nhiên, đôi khi đằng sau hai cái nhãn ấy của lịch sử triết học có những lý do và hình mẫu ý nghĩa khác nhau ở từng phe triết gia. Con người duy lý Platon hoàn toàn không suy nghĩ hệt như người duy lý Immanuel Kant. Và vì vậy không thể viết ra một lịch sử triết học “chân thật”: cả một cấu trúc logic theo chuỗi thời gian của các triết gia lớn lẫn lịch sử các trào lưu triết học đều bất khả thi. Lúc đó có lẽ người ta buộc phải bỏ trống nhiều đoạn vốn vẫn làm cho thực tế chân thật và tròn trịa.

    Vì thế nên cuốn sách nhập môn vào các vấn đề triết học của việc làm người và của loài người mà bạn cầm trong tay cũng không đi từ lịch sử. Đây không phải lịch sử triết học. Immanuel Kant từng chia các câu hỏi lớn của nhân loại thành các câu nhỏ: “Tôi có thể biết gì? Tôi nên làm gì? Tôi có thể hy vọng gì? Con người là gì?” Chúng tạo ra một kim chỉ nam tuyệt vời cho cả cách phân đoạn cuốn sách này, tuy rằng dường như câu hỏi cuối được ba câu trước giải thích rất cặn kẽ và do đó tôi yên tâm gạch nó đi.

    Người ta có thể biết gì về chính mình, câu hỏi đó là câu hỏi kinh điển của lý thuyết nhận thức, ngày nay chỉ hãn hữu được coi là một câu hỏi triết học. Nó đã chủ yếu biến thành đề tài của ngành nghiên cứu não bộ có khả năng giải thích cho ta rõ cơ sở bộ máy nhận thức của chúng ta và năng lực nhận thức của nó. Vai trò của triết học ở đây thiên về người tư vấn, hỗ trợ ngành nghiên cứu não bộ, để ta hiểu được chính ta trong trường hợp cụ thể nào đấy. Phần đóng góp đáng kể của triết học vào các câu hỏi nền tảng thì tôi sẽ nêu ra trong một lựa chọn rất cá nhân từ kinh nghiệm của một thế hệ mang dấu ấn cuộc biến động long trời lở đất và chuẩn bị một cách quyết định cho thời hiện đại. Nhà vật lý học Ernst Mach sinh năm 1838, triết gia Friedrich Nietzsche 1844, nhà nghiên cứu não bộ Santiago Cajal 1852, và nhà phân tâm học Sigmund Freud 1856. Bốn chiến sĩ tiên phong của nền tư duy hiện đại ấy chỉ chào đời lần lượt trong vòng 18 năm, song tác động để đời của họ thì không có cách nào đánh giá cho đủ được.

    Trong phần 2, sách nói đến câu hỏi “Tôi nên làm gì?”, nghĩa là xoay quanh luân lý và đạo đức. Trước tiên cũng phải giải thích các cơ sở. Vì sao con người có thể ứng xử một cách đạo đức? Tính Thiện và Tính Ác thích hợp với bản năng con người đến mức nào? Cả ở đây triết học cũng không còn đứng một mình trên bục giảng.

    Ngành nghiên cứu não bộ, tâm lý và ứng xử giờ đây đã đủ tư cách góp ý đôi chút và cũng tận dụng quyền đó. Một khi con người được miêu tả là động vật biết đạo đức và trong não xuất hiện các khuyến khích – để thưởng công cho hành vi đạo đức – thì các môn khoa học tự nhiên lui vào hậu trường. Bởi vì nhiều câu hỏi thực tế đặt ra cho xã hội chúng ta hôm nay đang thực sự đợi đáp án triết học. Phá thai, trợ tử, kỹ thuật gien và y học tái tạo, đạo đức môi trường và luân lý trong hành xử với súc vật: mọi lĩnh vực được quyết định bởi chuẩn mực và suy xét, bởi các luận chứng dễ chấp nhận và khó chấp nhận – quả là một sân chơi lý tưởng để tranh luận và suy xét mang tính triết học.

    Phần 3 “Tôi có thể hy vọng gì?” xoay quanh một số câu hỏi trung tâm, vốn được hầu hết mọi người quan tâm trong cuộc sống. Ví dụ như câu hỏi về hạnh phúc, tự do, tình yêu, Chúa và ý nghĩa cuộc sống. Những câu hỏi không dễ trả lời, song chúng rất quan trọng với chúng ta, bõ công sức bỏ ra để tập trung suy nghĩ.

    Trong sách này đôi khi các lý thuyết và quan điểm được thoải mái gắn kết với nhau, trong thực tế khoa học đôi khi chúng đứng rất biệt lập. Tuy vậy tôi cho rằng nên gắn kết chúng như vậy, cho dù nếu săm soi thật kỹ thì, chúng xứng đáng gây ra nhiều tranh cãi cặn kẽ. Sát cạnh nhau, chúng cùng làm một cuộc du hành nho nhỏ vòng quanh thế giới, đến tận hiện trường. Đến Ulm, nơi Decartes giải thích triết học thời mới trong một ngôi nhà thôn dã, đến Kưnigsberg, nơi Immanuel Kant từng sinh sống, đến Vanuatu, được coi là đất sống của những người hạnh phúc nhất trần gian, vân vân. Tôi có diễm phúc làm quen một số trong các chủ thể được nêu trong sách này: nhà nghiên cứu não bộ Eric Kandel, Robert White và Benjamin Libet, triết gia John Rawls và Peter Singer. Tôi uống từng lời của người này, tranh cãi với người kia, và học thêm được nhiều điều. Tôi tin qua đó mình đã nhận ra rằng sự ưu việt của lý thuyết này hay lý thuyết kia không nhất thiết hiện ra trong một so sánh trừu tượng, mà qua các hoa trái hái lượm được từ đó.

    Ta không bao giờ được đánh mất khả năng đặt ra câu hỏi. Vì học tập và hưởng thụ là bí quyết của một cuộc sống viên mãn. Học tập mà không hưởng thụ sẽ khiến người ta buồn nản, hưởng thụ mà không học tập làm người ta ngu đi. Nếu cuốn sách này thành công trong việc đánh thức và rèn luyện hứng thú tư duy của độc giả thì nó đạt mục đích. Còn thành công gì đẹp hơn là thông qua tự nhận thức ngày càng cao để sống một cuộc đời có ý thức hơn, nghĩa là làm đạo diễn chỉ huy các xung lực của đời mình hoặc, như Friedrich Nietzsche từng hy vọng (tiếc là không đạt được cho chính mình) trở thành “thi sĩ của đời mình”: có được “khả năng nhìn hiện trạng của mình với con mắt nghệ sĩ, ngay cả trong đau khổ và những ngang trái khác mà ta phải đón nhận.”

    Nhân tiện nói đến thi sĩ: bài nhập môn này sẽ thiếu sót, nếu không đả động đến đầu đề sách. Đó là lời một triết gia lớn, nói đúng hơn, một người bạn của tôi, văn sĩ Guy Helminger. Ngày xưa (và cả bây giờ) chúng tôi ưa đi nhậu với nhau. Một đêm, sau khi đã khá phê, tôi thấy lo cho Guy – mặc dù tửu lượng của cậu ấy khá hơn tôi. Thấy cậu ấy to tiếng diễn thuyết giữa đường, tôi hỏi có vấn đề gì không. “Ta là ai, và nếu vậy thì bao nhiêu?” cậu ấy trợn tròn mắt đáp lại, đầu ngúc nga ngúc ngắc như điên, giọng khản đặc. Lúc đó tôi biết là cậu ấy còn đủ khỏe để diễn một màn kịch tử tế và tự về nhà một mình. Tuy nhiên câu đó đọng lại trong óc tôi, tựa như phương châm của triết học hiện đại và ngành nghiên cứu não bộ trong kỷ nguyên muốn lật đổ tan tành cái “Tôi” và tính liên tục trong trải nghiệm. Tôi biết ơn Guy như biết ơn một số không nhiều người khác – dĩ nhiên không chỉ bởi câu trên, mà đặc biệt vì nhờ cậu ta mà tôi quen được vợ tôi, thiếu cô ấy thì cuộc sống của tôi đâu có được hạnh phúc như hôm nay.

     

    Ville de Luxembourg

    3/2007

    Richard David Precht

     

    * Thay vì làm nghĩa vụ quân sự, ai phản đối vũ khí vì lý do lương tâm có thể xin làm nghĩa vụ dân sự; thường là công tác ở các cơ sở cộng đồng (tất cả các chú thích, nếu không có ghi chú khác, là của người dịch).

    Tôi có thể biết gì?

    SILS MARIA

    Những con vật thông minh trong vũ trụ

    Sự thật là gì?

    Ngày xửa ngày xưa, tại một góc khuất nào đó của vũ trụ được cấu thành từ vô số Thái dương hệ lấp lánh, có một hành tinh với những con vật thông minh bắt đầu biết cách nhận thức. Đó là giây phút ngạo mạn và dối trá nhất của cái gọi là lịch sử thế giới: song cũng chỉ kéo dài một phút thôi. Sau mấy nhịp thở của thiên nhiên, thiên thể sững sờ đông cứng lại và những con vật thông minh phải lìa đời. Đại loại là ai đó có thể nghĩ ra được một truyện ngụ ngôn như vậy, để rồi chẳng đủ sức minh họa thấu đáo cho sự tội nghiệp, mơ hồ và đoản mệnh, sự vô ích và tùy tiện của trí năng con người trong lòng thiên nhiên; đã có nhiều triệu năm trôi qua mà không cần tới sự tồn tại của trí năng ấy; và khi nó qua đi rồi thì cũng chẳng có gì xảy ra đâu. Bởi vì trí năng ấy không có sứ mệnh nào khả dĩ vượt quá giới hạn đời người. Mà nó mang tính người, và chỉ có kẻ sở hữu và sản sinh ra trí năng ấy mới tôn vinh nó một cách trang trọng, cứ làm như hắn ta là rốn của vũ trụ vậy. Giả sử chúng ta giao tiếp được với loài muỗi, rất có thể chúng ta sẽ nghe được rằng chính loài muỗi cũng bay lượn với vẻ trang trọng không kém và tự thấy mình như cái rốn biết bay của vũ trụ.”

    Con người là một loài động vật thông minh, đồng thời cũng tự đánh giá mình quá cao. Vì trí khôn của hắn không được định hướng cho chân lý vĩ đại, mà chỉ dành cho những thứ lặt vặt trong cuộc sống thôi. Hầu như không có bài viết nào khác trong lịch sử triết học lại mở mắt cho con người một cách đầy thi vị mà cũng nghiệt ngã như đoạn khởi đầu có thể được coi là hay nhất của tác phẩm triết học ra đời năm 1873 với nhan đề Về sự thật và dối trá bên ngoài phạm trù đạo đức. Và tác giả là một giáo sư trẻ, vừa mới 29 tuổi, dạy tiếng Latin và Hy Lạp cổ tại trường đại học tổng hợp Basel.

    Nhưng Friedrich Nietzsche không cho xuất bản bài viết về loài vật thông minh và hãnh tiến. Anh đang bị sứt đầu mẻ trán vì vừa viết một cuốn sách về văn hóa Hy Lạp đại cương. Những kẻ phê phán anh vạch ra rằng, cuốn sách đó là một trò ngớ ngẩn phi khoa học và võ đoán, và chủ yếu là họ cũng có lý. Vậy là người ta nói đến một thần đồng yểu mệnh, và danh tiếng của nhà nghiên cứu ngữ văn cổ cũng bị tơi tả ít nhiều.

    Vậy mà mọi sự khởi đầu rất hứa hẹn. Ra đời năm 1844 ở ngôi làng Rưcken nhỏ bé vùng Sachsen và lớn lên ở Naumburg bên dòng sông Saale, cậu bé Fritz được xem là một học trò rất có năng khiếu và tiếp thu tốt. Cha Fritz là mục sư đạo Tin Lành cải cách, cả mẹ cậu cũng là một con chiên ngoan đạo. Khi mới lên bốn, cậu bé mất cha, và sau đó không lâu, đứa em trai cũng qua đời. Gia đình chuyển về Naumburg và Fritz lớn lên trong một gia đình toàn đàn bà. Ở trường nam sinh và trường trung học thuộc nhà thờ xứ, người ta bắt đầu chú ý đến tài năng của Fritz. Rồi Nietzsche theo học ở trường nội trú Schulpforta danh tiếng và năm 1864 anh ghi danh theo học ngữ văn cổ tại Đại học Tổng hợp Bonn. Anh cũng đăng ký học thần học nhưng chỉ sau học kỳ đầu tiên đã bỏ cuộc. Anh rất muốn chiều lòng mẹ và trở thành một mục sư tốt, duy chỉ thiếu đức tin. Đứa con trai ngoan đạo của một mục sư, hồi nhỏ ở Naumburg hay bị chế giễu là “mục sư nhí”, nay đánh mất hẳn đức tin. Bà mẹ, văn phòng mục sư và đức tin như là trại giam mà anh đã trốn được khỏi, nhưng sự biến đổi này rồi sẽ cắn rứt anh suốt đời. Một năm sau Nietzsche cùng giáo sư của mình chuyển đến Leipzig. Người cha nuôi ấy quý anh đến nỗi giới thiệu anh làm giáo sư cho trường Đại học Tổng hợp Basel. Năm 1869 anh trở thành giáo sư khi mới 25 tuổi. Trường đại học không ngần ngại cấp các bằng tốt nghiệp và học vị tiến sĩ mà anh còn thiếu. Ở Thụy Sĩ Nietzsche làm quen với các nhà bác học và nghệ sĩ cùng thời, trong đó có Richard Wagner và vợ ông là Cosina mà anh từng gặp mặt hồi còn ở Leipzig. Nietzsche hâm mộ Wagner đến nỗi năm 1872 anh bị dòng nhạc lâm li của Wagner lôi kéo để viết cuốn sách về Sự ra đời của bi kịch từ tinh thần âm nhạc – một thất bại cũng lâm li không kém.

    Cuốn sách của Nietzsche nhanh chóng bị lãng quên. Sự đối nghịch giữa tính chất được coi là “lãng tử” của âm nhạc và cái được coi là “nghiêm túc” của nghệ thuật tạo hình đã được biết đến từ thời kỳ đầu của chủ nghĩa lãng mạn, và, xét về sự thật lịch sử, được quan niệm như một võ đoán vô lối. Vả lại, giới hàn lâm châu Âu đang quan tâm tới sự ra đời của một bi kịch quan trọng hơn nhiều: trước đó một năm, nhà thần học và thực vật học danh tiếng người Anh Charles Darwin đã công bố cuốn sách vềNguồn gốc loài người từ thế giới loài vật. Mặc dù ý tưởng cho rằng có thể con người đã phát triển từ những dạng thức sơ khai đã được đem ra bàn luận ít nhất từ 12 năm trước (chính Darwin trong cuốn sách Về nguồn gốc các loài đã báo trước là từ đó sẽ có “dẫn chiếu đặc thù” đến giống người), quyển sách bán chạy như tôm tươi. Trong những năm 60 của thế kỷ 19 nhiều nhà nghiên cứu tự nhiên đã rút ra kết luận tương tự, họ xếp con người vào thế giới loài vật, bên cạnh loài khỉ đột Gorilla mới được phát hiện. Cho đến Thế chiến I, nhà thờ, nhất là ở Đức, kịch liệt chống lại Darwin và các tín đồ của ông. Thế nhưng ngay từ đầu đã rõ là không thể dễ dàng quay lại với cách nhìn thế giới như trước đây nữa. Chúa, Đấng Sáng Thế và điều khiển loài người, đã chết. Và ngành khoa học tự nhiên ăn mừng thắng lợi của mình với hình ảnh mới và rất cụ thể về con người: người ta quan tâm tới khỉ hơn là tới Chúa. Và sự thật uy nghi về con người như là tạo vật giống như Chúa đã bị phân rã thành hai phần: vẻ oai nghiêm đã bị thất sủng, và sự thật trần trụi về con người như một loài vật có trí khôn.

    Nietzsche rất phấn khích với cách nhìn mới này về thế giới. Sau này ông sẽ viết: “Tất cả những gì chúng ta cần, chỉ là một hóa chất của những hình dung và cảm nhận mang tính đạo đức, tôn giáo, thẩm mỹ, cũng như các cảm xúc mà chúng ta trải nghiệm ở chính mình trong các mối giao lưu lớn nhỏ của văn hóa và xã hội, cả trong sự cô đơn.” Trong vòng một phần ba cuối cùng của thế kỷ 19, có nhiều nhà khoa học và triết gia đã nghiên cứu “hóa chất” đó: họ nghiên cứu một học thuyết sinh học về sự sống không có Chúa. Tuy nhiên bản thân Nietzsche hoàn toàn không tham dự vào những công trình đó. Vấn đề làm ông quan tâm thì khác hẳn: cách nhìn khoa học khô khan có ý nghĩa gì với sự tự nhận dạng của con người? Cách nhìn đó làm cho con người vĩ đại lên hay hèn kém đi? Con người mất tất hay học thêm được chút gì, kể từ khi tự hiểu mình rõ hơn? Trong bối cảnh đó, ông viết bài luận về Sự thật và dối trá,và có lẽ đó là bài luận xuất sắc nhất của ông.

    Câu hỏi “con người vĩ đại lên hay hèn kém đi” được Nietzsche trả lời tùy theo tính khí và tâm trạng của mình. Khi ông không khỏe – và thường là không khỏe – ông buồn bã, ăn năn và chỉ thấy bi quan. Ngược lại, khi tâm trạng hưng phấn, tâm hồn ông ngập tràn kiêu hãnh, khiến ông mơ tới hình ảnh con người siêu việt. Lúc đó trí tưởng tượng bay bổng và sự tự tin khủng khiếp từ những gì ông viết bùng nổ, tạo nên hình ảnh đối nghịch với vẻ ngoài của ông là một người nhỏ thó, hơi mập và yếu đuối. Bộ ria mép bướng bỉnh rậm như bàn chải lẽ ra làm cho khuôn mặt ông trông nam tính hơn, nhưng những chứng bệnh thời nhỏ đã tạo ra vẻ ngoài yếu nhược và khiến ông tự cảm thấy yếu đuối. Ông bị cận thị nặng, có vấn đề dạ dày và đau nửa đầu. Mới 35 tuổi ông đã thấy mình già nua xập xệ nên đã chấm dứt việc giảng dạy ở Basel. Hình như sau này chứng nhiễm trùng do giang mai, như người ta hay phỏng đoán, đã giáng thêm đòn quyết định.

    Mùa hè năm 1881, hai năm sau khi ông bỏ giảng dạy tại trường đại học tổng hợp, Nietzsche gần như tình cờ phát hiện ra thiên đường riêng: ngôi làng nhỏ Sils Maria thuộc vùng Oberengadin của Thụy Sĩ. Quang cảnh tuyệt đẹp ở đó ngay lập tức khơi gợi cho ông hưng phấn và cảm hứng. Trong những năm sau đó, ông thường xuyên đến đây dạo chơi một mình và nghiền ngẫm những ý tưởng mới trào dâng. Khi mùa đông đến, ông chép những suy nghĩ ấy ra giấy tại Rapallo, bên bờ biển Địa Trung Hải, tại Genève và Nice. Đa phần các bài viết đó cho thấy Nietzsche là nhà phê bình thông minh, giàu chất văn học và thẳng thắn, người dám xát muối vào vết thương của triết học phương Tây. Ngược lại thì, nếu xét tới những đề đạt riêng của ông đối với lý thuyết mới về nhận thức và đạo đức, ông hứng thú với học thuyết Darwin về xã hội còn sơ khai và thường ẩn trốn sau cách thể hiện rất sến. Những bài viết càng đanh thép bao nhiêu thì lại càng lệch hướng bởi cử chỉ quá khích. Ông viết đi viết lại là “Chúa chết rồi,” song đa số người đương thời đã biết điều đó nhờ Darwin và những nhà khoa học khác.

    Năm 1887 Nietzsche chiêm ngưỡng đỉnh núi phủ tuyết của Sils Maria một lần áp chót, cũng là lúc ông lần nữa trở lại chủ đề về những con vật thông minh từ bài viết cũ – vấn đề nhận thức hạn chế của tất cả các vật-người. Bài viết gây hấn mang tên Bàn về phả hệ của đạo đức được mở đầu với những chữ sau: “Chúng ta xa lạ với chúng ta, chúng ta – những kẻ biết nhận thức, bản thân chúng ta xa lạ với chính chúng ta, và điều đó có lý do chính đáng. Chúng ta chưa bao giờ đi tìm chính mình, vậy thì làm sao có chuyện một ngày nào đó chúng ta tìm thấy mình?” Như thường khi, ông tự nói về mình ở dạng số nhiều, cứ như mình là người đầu tiên miêu tả một loài vật đặc biệt: “Báu vật của chúng ta đang nằm cùng nơi với ‘tổ ong’ nhận thức của chúng ta. Để đến với nó, chúng ta luôn luôn trên đường, giống như những động vật sinh ra để bay và gom nhặt mật ngọt của lý trí, thực ra thì chúng ta chỉ chú tâm đến mỗi một điều là ‘mang về nhà’ chút gì đó.” Ông không còn có nhiều thời gian làm việc đó nữa. Hai năm sau Nietzsche bị đột quỵ ở Turin. Mẹ ông đón con trai 44 tuổi từ Ý về và đưa vào một bệnh viện ở Jena. Sau đó ông sống với mẹ nhưng không viết thêm dòng nào nữa. Tám năm sau mẹ ông mất và ông chuyển đến ở với cô em gái mà ông chẳng mấy yêu quý. Ngày 25 tháng Tám năm 1900 Nietzsche trút hơi thở cuối cùng tại Weimar, hưởng thọ 55 tuổi.

    Nietzsche có một ý thức bản ngã mạnh mẽ mà ông tự nhận qua câu chữ viết ra: “Tôi biết số mệnh của mình, rồi sẽ đến ngày nghĩ đến tên tôi là người ta liên tưởng đến một điều kỳ vĩ.” Nhưng, điều kỳ vĩ đó là gì, để sau khi qua đời nó đưa ông lên bậc triết gia có ảnh hưởng sâu rộng nhất của thế kỷ 20?

    Thành tựu vĩ đại của Nietzsche là sự phê phán được ông trình bày một cách nghiệt ngã mà sinh động. Ông lý giải một cách đam mê hơn tất cả các triết gia trước đó về việc con người đánh giá thế giới mà họ đang sống một cách ngạo mạn và dốt nát theo logic và chân lý riêng của mình – logic của giống người. Những “con vật thông minh” ấy cứ tin rằng chúng sở hữu một vị thế đặc biệt. Ngược lại, Nietzsche hăng hái ủng hộ quan điểm rằng con người thật sự là một con vật và tư duy của con người được định hướng bởi dục vọng và bản năng, bởi dục vọng thấp hèn và năng lực nhận thức hạn chế của mình. Vậy thì đa phần các triết gia phương Tây thật vô lý khi họ coi con người như một thứ gì cực kỳ đặc biệt, như một dạng máy vi tính cao cấp của sự tự nhận thức. Vậy con người có thật sự nhận thức được chính bản thân và hiện thực khách quan không? Liệu con người có được năng lực ấy? Đa số triết gia không mảy may nghi ngờ điều đó, và một số trong bọn họ thậm chí còn không đặt ra câu hỏi ấy. Họ nghiễm nhiên chấp nhận tiền giả định rằng tư duy con người đồng thời cũng là một dạng tư duy phổ quát. Vì họ không coi con người là những con vật thông minh, mà là một sinh linh ở cấp độ khác hẳn. Họ phủ nhận một cách có hệ thống những di sản đã nhận được từ thế giới động vật, những thứ mà mỗi sáng sớm khi đứng cạo râu đều hiện ra mồn một trong gương, và đêm đến thì ở dạng tấm chăn lông vũ họ đắp lên người. Người nọ kế tiếp người kia, họ đào một hố sâu ngăn cách giữa con người và con vật. Chỉ có lý trí và trí khôn, năng lực tư duy và đánh giá của con người mới tạo nên thước đo mãn nguyện duy nhất để họ đánh giá thiên nhiên sống động xung quanh. Họ khinh rẻ phần xác thịt “thuần túy” và coi đó chỉ là cái hoàn toàn thứ yếu.

    Để chắc chắn rằng những hình dung tinh túy về chính mình là đúng, các triết gia phải giả định rằng Chúa đã trang bị cho con người một bộ máy nhận thức ưu việt. Nhờ sự trợ giúp của nó, con người có thể đọc ra sự thật về thế giới trong “pho sách thiên nhiên”. Thế nhưng, nếu quả thật Chúa đã chết thì có nghĩa là “bộ máy nhận thức” đó cũng chưa có gì là hoàn thiện cả. Vậy bộ máy đó phải là một sản phẩm của tự nhiên, và giống như tất thảy mọi thứ của tự nhiên, nó chưa hoàn thiện về mặt nào đó. Nhận thức này Nietzsche đã đọc được trong sách của Arthur Schopenhauer: “Chúng ta chỉ là những sinh vật nhất thời, hữu hạn, thoáng qua, như trong mơ, như bóng đen thoảng bay qua mà thôi.” Vậy thì làm sao những sinh vật đó có đủ “trí năng để nắm bắt các mối quan hệ vô hạn, vĩnh cửu và tuyệt đối” được? Nietzsche và Schopenhauer linh cảm được rằng năng lực nhận thức của đầu óc con người lệ thuộc trực tiếp vào đòi hỏi thích ứng của quá trình tiến hóa. Con người chỉ nhận biết được những gì nằm trong năng lực nhận thức được trang bị bởi bộ máy nhận thức sinh ra từ đấu tranh sinh tồn của quá trình tiến hóa. Giống như mọi loài vật khác, con người kiến tạo một mô hình thế giới dựa trên nhận thức mà họ có được nhờ các giác quan và ý thức hệ của mình. Bởi vì rõ ràng là toàn bộ quá trình nhận biết của chúng ta phụ thuộc trước tiên vào các giác quan. Những gì chúng ta không nghe thấy, nhìn thấy, cảm thấy, không nếm được và sờ vào được thì cũng không hiện hữu trong thế giới của chúng ta. Ngay cả những gì trừu tượng nhất, chúng ta cũng phải đọc được hay nhìn được ở dạng dấu hiệu thì mới có thể hình dung ra chúng. Để có một cách nhìn thế giới hoàn toàn khách quan, con người cần có một bộ máy giác quan siêu nhân khả dĩ khai thác tối đa toàn bộ mọi tiếp nhận giác quan có thể có: đôi mắt siêu việt của đại bàng, khứu giác đánh hơi xa hàng cây số của gấu, hệ thống cảm nhận bên lườn của cá, năng lực nhận biết địa chấn của rắn v.v... Thế nhưng con người không có các năng lực đó, cho nên không thể có cái nhìn khách quan và toàn diện về sự vật. Thế giới của chúng ta không bao giờ là thế giới “như chính nó”, và thế giới của chó, mèo, chim chóc hay côn trùng cũng vậy thôi. Trong bể cá, cá bố giải thích cho cá con: “Con ơi, thế giới là một cái thùng to đầy nước!”

    Quan điểm nghiệt ngã của Nietzsche về triết học và tôn giáo cho thấy hầu hết các tự định nghĩa của con người đều đuối sức cả. (Chính ông cũng tung ra thêm nhiều cái đuối sức và khiên cưỡng, song ở đây không bàn đến chuyện ấy.) Ý thức hệ của con người không được định hình bởi câu hỏi bức xúc: “Sự thật là gì?” Chắc chắn còn một câu hỏi quan trọng hơn: “Cái gì là quan trọng nhất để tôi sống sót và tiến tới?” Những gì không đóng góp cho vấn đề đó thì dường như ít có cơ may được đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiến hóa của con người. Mặc dù Nietzsche có hy vọng mơ hồ rằng, chính nhận thức tự thân ấy có thể làm cho con người khôn ngoan hơn và trở thành “siêu nhân”, khả dĩ mở rộng giác quan nhận thức của mình. Nhưng cả ở đây thì tính cẩn trọng vẫn thích hợp hơn là kỳ vọng. Bởi vì mọi nghiên cứu thâm nhập vào ý thức con người và “hóa chất” của nó – rồi ta sẽ thấy là từ sau thời Nietzsche sự thâm nhập ấy có nhiều tiến bộ vượt bậc – và ngay cả các kỹ thuật đo đạc tinh xảo nhất hay các quan trắc nhạy bén nhất cũng không thay đổi được thực tế là con người không thể có năng lực nhận thức tuyệt đối khách quan.

    Nhưng thực ra chuyện ấy có gì là tồi tệ không? Biết đâu, khi con người hiểu biết tất tần tật về bản thân mình thì còn tồi tệ hơn? Liệu chúng ta có nhất thiết cần một sự thật tung bay lơ lửng một cách tự do và độc lập trên đầu mình không? Đôi khi chính đường đi cũng là đích đến tươi đẹp, nhất là khi đó là lối đi hấp dẫn như con đường quanh co dẫn chúng ta đến với chính mình. “Chúng ta chưa bao giờ đi tìm chính mình, vậy thì làm sao có chuyện một ngày nào đó chúng ta tìm thấy mình?” đó là câu hỏi mà Nietzsche đặt ra trong Bàn về phả hệ của đạo đức. Vậy thì chúng ta hãy thử đi tìm chính mình, càng nhiều càng tốt, theo khả năng hiện có. Chúng ta nên đi đường nào? Nên áp dụng phương pháp nào? Và cái mà ta rốt cục tìm được sẽ có hình hài ra sao? Khi mọi tri thức của chúng ta phụ thuộc vào bộ não của động vật có xương sống và được phản chiếu trong đó, thì tốt nhất là chúng ta hãy bắt đầu với bộ não ấy. Câu hỏi đầu tiên là: Bộ não sinh ra từ đâu? Và tại sao nó có cấu tạo như hiện tại? 

    Lucy trên trời. Chúng ta từ đâu tới? 

    [...]

     

    Mua sách online tại Bookbuy.vn và nhận nhiều ưu đãi.

  • {{item.RealPriceStr}} {{item.PriceStr}} -{{item.DiscountPercent}}%

    {{item.Note}}
  • NHẬN XÉT CỦA KHÁCH HÀNG

    Bạn cần đăng nhập để có thể bình luận. Đăng nhập tại đây.
    • Chưa có đánh giá

    Đánh giá

    Quý khách lưu ý

    • Với mỗi nhận xét được duyệt, tặng ngay:
      • 200 BBxu cho khách hàng chưa mua hàng tại Bookbuy
      • 400 BBxu cho khách hàng đã từng mua hàng tại Bookbuy
    • Để được duyệt BBxu, nhận xét của bạn cần đáp ứng các điều kiện:
      • Độ dài tối thiểu 100 từ, viết bằng tiếng Việt chuẩn, có dấu.
      • Nội dung là duy nhất và do chính người gửi nhận xét viết.
      • Hữu ích đối với người đọc: nêu rõ điểm tốt/chưa tốt của sản phẩm.
      • Không mang tính quảng cáo, kêu gọi mua sản phẩm một cách không cần thiết.

    Đăng ký nhận bản tin

    Đừng bỏ lỡ những tin nhắn ưu đãi độc quyền dành riêng cho bạn

    {{productItem.Title}}
    {{productItem.DescriptionOnlyText}}... Xem thêm
    {{productItem.RealPriceStr}}₫    {{productItem.PriceStr}}₫
    {{productItem.DiscountPercent}} %
    Màu sắc:
    • {{item.Color.Name}}
    Chọn kiểu dáng:
    Size:
    • {{item.Name}}
    {{productItem.HasGift}}
    {{productItem.Type==1 || productItem==759 ? 'Sách này sắp phát hành' : 'Hàng này sắp ra mắt'}}
    Hàng này không còn
    Báo tôi khi có hàng
    Thêm vào yêu thích