-
-
{{item.Color.Name}}
- {{item.Name}}
93,500 đ
Tiết kiệm:
16,500 đ (15%)
Giá thị trường: 110,000 đ
Tình trạng:
Còn hàng
THÔNG TIN CHI TIẾT
Giới thiệu sản phẩm
Cuốn sách “Tổng quan về Phật giáo Mật tông Tây Tạng” trình bày và tìm hiểu một cái nhìn toàn diện của Mật tông Tây Tạng, với hy vọng đưa ra một “tổng hợp thể” về Mật tông Tây Tạng. Sự hiểu biết tổng quan và đại cương này rất cần thiết, để cho những người muốn tìm về giáo lý và hành trì Mật tông có được một tài liệu tham khảo và minh định hướng đi của mình trên con đường tìm về chân lý của chư Phật.
Mỗi chúng sinh đều thọ thân người với những thuộc tính và căn cơ khác nhau. Cho nên mỗi người phải tự mình chọn lựa pháp môn thích hợp. Chỉ riêng về Mật tông Tây Tạng đã có nhiều trường phái riêng biệt, mỗi trường phái lại có ngàn vạn pháp môn khác nhau, không thể nào tìm học cho hết dù dành cả đời mình để học hỏi.
Do đó cuốn sách này cũng chỉ giới hạn về đại cương quá trình hình thành Mật tông Tây Tạng qua lịch sử và các trường phái chính cũng như các pháp môn hành trì rộng rãi nhất của các trường phái đó, để người sơ cơ có thể từ đó tìm hiểu và chọn hướng đi phù hợp với căn cơ của mình.
Trích đoạn:
Lịch sử Phật giáo thế giới qua ba kỳ chuyển pháp luân
Để có thể hiểu được Phật giáo và vai trò của Phật giáo trong quá trình tu tập đạt giác ngộ, chúng ta hãy tìm hiểu, xem lại nguồn gốc và lịch sử Phật giáo Ấn Độ.
Trước hết, chúng ta đều biết là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh trong thế giới của nhân loại với hạnh nguyện cao cả giúp chúng sinh giải quyết vấn đề của sinh tử. Thời bấy giờ nước Ấn Độ nằm trong chế độ quân chủ. Về đời sống vật chất thì người dân sống khổ sở trong một xã hội đặt nền tảng trên sự phân chia giai cấp, bất công và áp bức, bao gồm những giai cấp chính sau đây:
1. Bà La Môn (Brahman) là những giáo sĩ, phụ trách về lễ nghi, cúng bái. Họ tự có quyền ưu tiên, được tôn kính, và an hưởng cuộc đời sung sướng nhất.
2. Sát Đế Lợi (Kastrya) là hàng vua chúa quý phái, nắm giữ quyền hành thống trị dân chúng.
3. Vệ Xá (Vaishya) là những hàng thương gia điền chủ.
4. Thủ Đà La (Shudra) là hàng dân nô lệ bần tiện, nên an phận làm tôi đòi suốt đời cho các giai cấp trên.
Ngoài ra còn có một hạng tiện dân gọi là Chiên Đà La (s. Candala), không thuộc về giai cấp nào cả, bị coi như sống ngoài lề xã hội loài người, tệ hơn cả súc vật, ai cũng kinh tởm không dám đụng đến người, sống một kiếp thật là khổ nhục.
Còn về phương diện tâm linh, xã hội Ấn Ðộ lúc bấy giờ cũng sống trong một tình cảnh hỗn loạn. Các trào lưu tôn giáo, các hệ thống triết học, tư tưởng cũng ở trong một hoàn cảnh vô cùng hỗn độn. Đủ loại tín ngưỡng, đủ loại triết thuyết ra đời. Từ thờ phụng các vị thần thế gian cho đến các vị trời như Phạm Thiên, thờ thần lửa, thần sông, thần núi, cho đến tu lõa thể, hoặc tôn thờ những loài vật. Các triết học đủ loại, từ cụ thể đến trừu tượng, lập thuyết trên thời gian, trên không gian, chủ trương nhất nguyên, nhị nguyên, đa nguyên... Hàng trăm hệ phái khác nhau, luôn luôn tranh luận, hý luận không ngừng, đả kích chống báng nhau. Các vị luận sư thời đó ai ai cũng cho mình là giỏi nhất, biện tài nhất, trong khi thực tế thì các tầng lớp dân chúng khổ sở dưới ách thống trị của giai cấp, bất công và áp bức, còn hý luận của họ chẳng hề cứu độ gì được những người dân nghèo khổ.
Tất cả xã hội lúc bấy giờ đang điên đảo trong khổ đau vật chất lẫn tinh thần, qua những tà thuyết rối loạn. Trong tình trạng đó, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh và khai thị cho con người theo về chính đạo.
Để giáo hoá, dẫn dắt chúng sinh tu đạo thành công, Ngài đã thực hành đồng sự và lợi hành qua hành trình tự mình đi tìm và thực nghiệm ra con đường chính đạo. Bắt đầu từ địa vị tôn quý của một vị hoàng tử, Ngài đã từ bỏ gia đình, “cát ái từ sở thân”, để xuất gia theo con đường Phạm hạnh và chuyên tu khổ hạnh cho đến khi nhận chân ra là không thể nào đi theo con đường đó mà đạt toàn giác. Từ đó, Ngài chuyên tâm thiền định dước gốc cây Bồ Đề, phát triển trí tuệ Bát Nhã trong bảy tuần lễ. Vào ngày thứ 49, trước khi trời sáng, Ngài đã chứng ngộ toàn giác viên mãn.
Sau khi chứng ngộ trí Bát Nhã tối thượng và sự toàn giác viên mãn ấy, Ngài tiếp tục thiền định bên bờ sông Ni Liên Thiền và vị trời Phạm Thiên Sahampati đã xuất hiện để tán thán Ngài đã đắc quả Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Chính Đẳng Chính Giác, Tam Miệu Tam Bồ Đề.
Ngài thiền định và quán tưởng đến các chúng sinh còn đang trầm luân trong ái dục ngũ trần, và phát sinh tư tưởng, thấy rằng sự chứng ngộ tối thượng viên mãn này quả thật thâm sâu huyền diệu, khó nhận thức, khó lãnh hội, vắng lặng, cao siêu, không nằm trong phạm vi luận lý, tế nhị, chỉ có các bậc thiện trí mới thấu hiểu. Nhất thiết chủng trí bất khả thuyết, bất khả tư nghì ấy khó có thể giảng, đạo lý cao siêu mầu nhiệm ấy khó có thể dạy cho các chúng sinh hữu tình đang đắm chìm trong ái dục và trong những tà thuyết hý luận. Lý nhân quả và duyên khởi, tính không là những điều rất khó lãnh hội, cũng như Niết Bàn chấm dứt mọi nhân duyên quả báo, tắt ngấm mọi ái dục, tịch tĩnh an vui cũng là những điều rất khó lãnh hội. Nếu Như Lai truyền dạy giáo pháp ấy, người đời ắt không thể hiểu được. Chỉ phí công vô ích.
Rồi Đức Phật lại suy tư tiếp:
“Phải khó khăn lắm Như Lai mới chứng ngộ được pháp Bồ Đề tối thượng này. Nhưng lòng người còn đang chìm đắm trong tham ái và sân hận, không dễ gì hiểu được. Kẻ tham ái mê mờ như đi trong đêm tối, như ở trong đám mây đen bao phủ, chẳng thể thấy được pháp này, thâm sâu, khó nhận biết và toàn triệt.”
Lúc ấy vị trời Phạm Thiên Sahampati lo sợ Ngài không truyền bá giáo pháp và thế gian sẽ không được nghe pháp ắt phải lạc vào nẻo tận cùng, nên cung thỉnh Đức Phật ba lần để xin Ngài chuyển pháp luân. Nhờ vậy mà Đức Thế Tôn chấp nhận dùng phương tiện để giáo hóa chúng sinh: “...Hãy để cho những kẻ nào muốn nghe giáo pháp tối thượng này có cơ hội...”
Ngay lúc ấy, chư thiên vui mừng tán thán Ngài Từ Bi trụ thế, chuyển pháp luân và dùng phương tiện thiện xảo để giáo hóa chúng sinh đang trầm luân trong bể khổ luân hồi.
Rồi y như lời, Ngài đã trụ thế trong suốt 49 năm, thị hiện trong khắp ba cõi hoằng hóa giáo pháp tối thượng. Do đó mà Đức Thế Tôn chuyển pháp luân ba lần trong cõi Ta bà của chúng ta. Ngài biết là căn cơ của chúng sinh vốn khác nhau, kẻ sáng, người tối không đồng đều. Cho nên chỉ có cách giáo hóa qua các phương tiện thiện xảo, đi từng trình độ khác nhau, từ bước một, dễ cho đến khó chứ không thể đi thẳng vào chính đề.
Như thế, Đức Thế Tôn đã vì chúng sinh hoằng pháp trong 49 (theo Phật giáo Nguyên thủy là 45) năm trụ thế, khi thì Ngài thuyết về “hữu ngã”, khi thì Ngài thuyết “vô ngã”, tựu chung cũng chỉ là phương tiện tùy bệnh cho thuốc mà giáo hóa theo căn cơ và giai đoạn của chúng sinh. Theo Hiển giáo (còn theo quan điểm của Mật giáo thì hơi khác, sẽ đề cập đến trong các phần sau), Ngài đã có ba lần chuyển pháp luân, từ từ dẫn dắt chúng sinh. Hai lần chuyển pháp luân đầu, Đức Thế Tôn thuyết về phương tiện pháp và bất liễu nghĩa pháp (để khế lý, khế cơ với tâm của chúng sinh). Lần chuyển pháp luân thứ ba, Đức Thế Tôn thuyết về liễu nghĩa pháp (thắng nghĩa giáo), các giáo lý cơ bản là Bát Nhã trí, tính không, trung đạo, tam tự tính và tam vô tính.
1. Lần chuyển pháp luân thứ nhất: Đức Thế Tôn thuyết về Hữu giáo qua các giáo lý cơ bản là tứ diệu đế và thập nhị nhân duyên. Thời kỳ này là nền tảng tạo thành các tông phái Tiểu thừa (cũng còn gọi là Phật giáo Nguyên thủy) và Hữu bộ. Các bộ kinh điển chính ghi lại trong thời kỳ này bao gồm bốn bộ A Hàm và Trường Bộ kinh.
2. Lần chuyển pháp luân thứ hai: Đức Thế Tôn thuyết về vô (Bát Nhã, tính không, nhị vô ngã). Đó là những giáo lý để sửa soạn mở đường vào Ðại thừa, và chính những giáo lý Ðại thừa, qua các lần thuyết giảng cơ bản về “Nhất thiết pháp không” (Không Tông). Các bộ kinh điển ghi lại trong thời kỳ này bao gồm các bộ kinh như Bát Nhã Ba La Mật Đa kinh, Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm kinh, Bát Thiên Tụng Bát Nhã kinh, Đại Phẩm Bát Nhã kinh, Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa kinh.
3. Lần chuyển pháp luân thứ ba: Đức Thế Tôn thuyết về trung đạo. Thời kỳ này thuộc về Ðại thừa và hậu Ðại thừa. Các bộ kinh điển ghi lại bao gồm các kinh Giải Thâm Mật, các bộ Đại Phương Quảng như Hoa Nghiêm kinh, bộ Như Lai Tạng kinh, và Đại Bát Niết Bàn kinh… v.v.
Trong thời kỳ Đức Phật Thích Ca còn tại thế thì không có sự phân biệt và đặt tên gọi là Phật giáo Nguyên thủy hay Đại thừa. Tất cả lúc ấy chỉ là những lời giảng dạy của Ngài dẫn dắt chư tăng hành trì đi từ bài pháp đầu tiên cho đến bài pháp cuối trước khi Ngài bát Niết Bàn.
Và như vậy, ta có thể xem lại toàn thể giáo lý của Đức Thế Tôn để lại cho chúng ta, kết hợp và tổng hợp những pháp môn mà Ngài đã giảng dạy theo một trình tự hợp lý, bao gồm trong hai loại quyền giáo và thật giáo, bổn môn và tích môn để thấy rõ những trình tự mà Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni đã phải ra công dẫn dắt và khuyến giáo chúng ta, nắm tay chúng ta dẫn dắt đi từng bước trên đạo lộ, từ dễ đến khó hơn, cho đến khi có thể đặt chân vào con đường tối thượng của Phật thừa mà tựu chung là chúng ta, tất cả đệ tử của Ngài, phải nỗ lực hướng đến. Như Đức Thế Tôn đã huấn dụ sự tu tập qua hình ảnh của người nghệ sỹ sử dụng đàn, nếu lên dây đàn căng quá thì sẽ đứt, mà dây chùng quá thì không ra tiếng đàn.
Do đó, hành giả phải biết tùy theo trình độ mà chọn pháp môn hành trì. Khởi đầu Ngài giảng về tứ diệu đế, vô thường, nhân quả, thập nhị nhân duyên, duyên khởi, để sau đó qua các pháp tu hành trì thiền định phân tích tâm thức tiêu trừ mọi tà kiến si mê, phá chấp ngã, rồi sau đó dung hợp trong tinh thần bất nhị để đưa vào thiền định chứng ngộ tính không và đạt quả A La Hán, tắt ngấm mọi tham dục và đạt an nhiên tịch tĩnh, nhưng không chấp trước, trụ trong Niết Bàn tịch tĩnh này mà nhập thế cứu độ mọi chúng sinh hữu tình. Đó là tinh thần tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn của Bồ Tát đạo.
Mỗi giai đoạn tu tập là một chứng ngộ liên hệ đến đề mục và hành trì thiền quán trên đề mục đó, tuần tự vượt lên trên, do đó mà phương tiện giả lập ra mục đích tạm thời và các quả vị tạm thời của tứ hướng và tứ thánh quả, đi từ giai đoạn thiền quán Tứ Niệm Xứ để tiêu trừ bốn tâm điên đảo(19), nhuần nhuyễn tứ diệu đế, giả lập con đường của Thanh Văn, Duyên Giác cho đến Bồ Tát, để giúp cho chúng sinh dễ dàng đi trên đạo lộ trường kỳ mà không nản chí tầm đạo. Mỗi chứng ngộ của một đề mục chẳng phải làm cho chúng ta tự mãn, thấy là đủ, mà lại giúp chúng ta tạo dựng nền tảng và tâm hoan hỷ phát lòng tu thêm các pháp môn sau đó cho đến pháp môn tối thắng và đạt đến Phật quả tối thượng, như chính Ngài đã từng tu tập qua các giai đoạn và đạt đến quả Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Chính Đẳng Chính Giác, Tam Miệu Tam Bồ Đề.
Xem xét quá trình lịch sử như thế và kết luận là tất cả các điều nêu trên là những giáo lý công truyền, cũng gọi là Hiển giáo (để đi đôi với từ “Mật giáo”), đã được Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni công khai giảng dạy và truyền thụ cho chư đệ tử. Hiển giáo cũng còn được chư tăng Tây Tạng gọi là cỗ xe “Kinh thừa”. Đồng thời, đi song song với những giáo lý công truyền đó là những giáo lý được truyền khẩu riêng biệt tùy theo căn cơ thọ nhận của từng đệ tử. Các giáo lý hiển giáo được kết hợp và bổ túc cho những phần giáo lý Khẩu Truyền bí mật để vị hành giả đệ tử khai triển tối đa căn cơ của mình và đi thẳng vào trong các đạo lộ.
Khi nhìn thấu suốt cả tiến trình Đức Thế Tôn đã hoằng đạo trong suốt 49 năm thì sẽ phát khởi trí tuệ tổng hợp, viên dung và nhận ra rằng tất cả chẳng qua chỉ tùy giai đoạn mà hành trì, tùy trình độ căn cơ của tâm mà tu tập, rồi rốt cục cũng sẽ hội tụ, đi về một điểm chung và duy nhất đã trình bày tóm gọn trước đó là “đoạn dục, chứng tính không để phá chấp ngã và hành Bồ Tát đạo”.
Đó là xét trên phương diện tổng hợp của Hiển giáo. Trong khuôn khổ của cuốn sách này, Hiển giáo chỉ được trình bày sơ lược như thế với mục đích để bổ túc và thành toàn cho các phần giải thích về tổng quan của Mật giáo.
Sau khi Đức Thích Ca bát Niết Bàn (tức là qua đời), toàn bộ giáo lý của Ngài, tức là những lời dạy của Đức đã được ghi chép lại qua bốn lần kết tập kinh điển. Các ghi chép lại của Hiển giáo đó đã được gom góp lại chính yếu thành tam tạng kinh điển bao gồm ba bộ Kinh, Luật và Luận. Còn các giáo lý Mật giáo thì được Tây Tạng gom lại trong Mật giáo nhị tạng kinh điển gọi là Tengyur và Kangyur (Trung Hoa dịch là Đan Châu Nhĩ và Cam Châu Nhĩ) sẽ được bàn đến trong các phần sau.
Các Phật tử sơ cơ khi mới bước chân vào tu đạo thường có những câu hỏi cơ bản để chọn lựa một tông phái tu tập cho bản thân. Một trong những câu hỏi thông thường hay gặp nhất là: “Sự khác biệt giữa các tông phái Phật giáo chính bao gồm: 1. Thiền tông, 2. Tịnh Độ tông, 3. Mật tông (hay Kim Cương thừa) là gì?”
Câu trả lời ngắn gọn nhất là: “Khác biệt trong phương pháp tu tập”.
Thực vậy, mục đích giác ngộ thì như nhau, nhưng phương tiện dùng để đạt được, hay con đường đi đến mục đích chung là giác ngộ có khác nhau. Tất cả đều dùng chung một phương tiện là thiền định, nhưng cách thức sử dụng thiền định để thành tựu ấy có sự khác biệt như sau:
Thiền tông đặt nền tảng trên chứng ngộ tính không và câu nói tiêu biểu nhất của Thiền tông là “Đương thể tức không”. Như vậy, hành giả Thiền tông dùng thiền định để nhập định vào các pháp tu như Tứ Niệm Xứ và đạt chứng ngộ thẳng vào tính không, phá chấp ngã và đạt quả an vui của Niết Bàn tịch tĩnh. Nguyên lý như sau: “Chư pháp vốn là huyễn, Nhất thiết huyễn pháp vốn là không, Nhất thiết không tính vốn là hỷ lạc, Nhất thiết hỷ lạc là Mạn Đà La [của chư Phật]”
Kinh Lăng Già Tâm Ấn cũng khai thị như vậy:
“Thế gian lìa sanh diệt
Như hoa đốm hư không,
Trí chẳng thấy có, không
Mà khởi tâm đại bi.
Tất cả pháp như huyễn
Xa lìa nơi tâm thức,
Trí chẳng thấy có, không
Mà khởi tâm đại bi.
Xa lìa chấp đoạn thường
Thế gian hằng như mộng,
Trí chẳng thấy có, không
Mà khởi tâm đại bi.
Tịnh Độ tông cũng lấy thiền định làm nền tảng để trì tụng hồng danh theo kinh A Di Đà để đạt “Nhất tâm bất loạn”và vãng sinh.
Mật tông thì đặt nền tảng trên pháp tu Du Già Bổn Tôn và ngay hiện tiền quán tưởng ngày đêm tự hóa thành vị Phật Bổn tôn của mình và “đương thể thành Phật”.
Do đó, pháp tu Du Già Bổn Tôn được xưng tụng là “thành Phật ngay trong một đời”.
Mua sách online tại Bookbuy.vn và nhận nhiều ưu đãi.
Đăng ký nhận bản tin
Đừng bỏ lỡ những tin nhắn ưu đãi độc quyền dành riêng cho bạn
NHẬN XÉT CỦA KHÁCH HÀNG
Chưa có đánh giá