Cuối năm 2016, bản dịch tiếng Việt Văn Minh Việt Nam được Nhã Nam tái bản. Đây là tác phẩm quan trọng bậc nhất trong tủ sách nghiên cứu về đất nước và con người Việt Nam, ra đời trong cùng bối cảnh với Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh. Văn Minh Việt Nam của Nguyễn Văn Huyên là một trong số ít nghiên cứu đặt vấn đề tiếp cận văn hóa Việt Nam một cách tổng thể. Đào Duy Anh và Nguyễn Văn Huyên, một người viết bằng tiếng Việt, một người diễn đạt bằng tiếng Pháp, là hai tác giả người Việt đầu tiên đã tổng hợp các kết quả nghiên cứu mới nhất của cộng đồng khoa học quốc tế đương thời và sử dụng phương pháp khoa học phương Tây để nghiên cứu các hiện tượng văn hóa và xã hội Việt Nam.
Với kết cấu bao gồm 12 chương, tác phẩm sẽ cung cấp một lượng thông tin đồ sộ về con người, xã hội và văn hóa Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, những gì thuộc về bản sắc Việt Nam, được gọi là “tật xấu” hoặc “nét đẹp” trong văn hóa người Việt. Phần mở đầu Nguyễn Văn Huyên trình bày về đất nước và lịch sử Việt Nam. Chương I với những thông tin nhân trắc học. Ba chương sau tác giả nghiên cứu tổ chức xã hội của người Việt từ gia đình đến làng xã và nhà nước. Ba chương tiếp là kiến trúc nhà ở của người Việt, các phương thức tập trung dân chúng ở nông thôn và thành thị, cũng như các hành vi ứng xử của người Việt đối với cơ thể, từ cách ăn cách mặc đến cách chăm sóc khi ốm đau hoặc làm đẹp. Bốn chương cuối, đề cập đến đời sống kinh tế, đời sống tôn giáo, cũng như đời sống tư tưởng, văn học và nghệ thuật.
Cuốn sách thật sự đã trải qua một hành trình dài để đến tay bạn đọc hôm nay. Chuyến đi thú vị đó hẳn sẽ chưa dừng lại…
NHẬN XÉT CỦA KHÁCH HÀNG
Chưa có đánh giá