-
-
{{item.Color.Name}}
- {{item.Name}}
63,500 đ
Tiết kiệm:
11,500 đ (15%)
Giá thị trường: 75,000 đ
Tình trạng:
Còn hàng
Giới thiệu sản phẩm
Vừa Nhắm Mắt Vừa Mở Cửa Sổ
Tò mò mãi khi xem Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, tác phẩm vừa đoạt giải A Cuộc thi sáng tác văn học thiếu nhi ''Vì tương lai đất nước'' lần thứ III, cuối tháng Ba vừa rồi, có dịp vào TP.HCM, tôi (TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái) mới gặp được tác giả Nguyễn Ngọc Thuần.
Sinh năm con chuột 1972, lỏng khỏng như cây tre, cao đúng một mét tám mươi, da đen giòn nắng gió miền Trung của quê hương Hàm Tân (Bình Thuận), Thuần cười ngượng nghịu, bảo tôi: Em đang vừa học vừa làm. Hiện Thuần đang là sinh viên năm thứ 5 ĐH Mỹ thuật, kiêm nghề biên tập truyện ngắn cho tờ Mực tím.
Văn chương thật chẳng giống người. Văn xuôi của Thuần đúng là... trong vắt trong veo, hồn nhiên thơ trẻ. Cách kể chuyện quyến rũ như kể chuyện cổ tích. Cả một quyển sách được kể liền liền từ đầu đến cuối toàn những câu chuyện bé xinh như những hạt ngọc, như muốn xâu thành chuỗi đeo vào cổ em... (tôi mượn ý thơ của R.Tagore - nhà thơ Ấn Độ trong bài Đôi mắt lo âu của em buồn - Đoà Xuân Quý dịch). Kể cả lời kết xinh nhỏ và lời bạt cũng nhỏ xinh như thế, cả cuốn Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ xinh xinh khổ 10x18cm, chỉ có 174 trang gồm 19 mẩu chuyện, mỗi chuyện kể lại có một tên riêng.
Nhưng điều này mới là thú vị: Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ đã thật sự là một cú đúp ngoạn mục về văn chương: Mỗi truyện ngắn nho nhỏ trong đó đã là một truyện tặng cho bạn đọc trẻ thơ, lại vừa là một truyện dành cho người lớn. Bởi chúng nhiều tầng nghĩa, giàu chất thơ, và có lẽ, bởi cả tác phẩm chính là kết quả cái nhìn độc đáo của một chủ thể thi sĩ viết văn xuôi, với động thái đắm đuối nhị nguyên rất mới lạ: vừa nhắm mắt, vừa mở cửa sổ... nhìn ra thế giới. Và chỉ để phát hiện ra rằng ''thế giới'' chính là tất cả những gì thân thuộc, thân mến nhất ngay ở trước mắt: khu vườn nhỏ cạnh cửa sổ nhà mình, cuộc sống hàng ngày êm đêm của cha mẹ, bạn bè, cô giáo, hàng xóm láng giềng kế bên, và... thật thú vị, ở ngay trong trái tim của chính mình, khiến mình phải viết... ra giấy, cho chính mình trước hết.
Cách viết và giọng kể của Nguyễn Ngọc Thuần đã cho người đọc cảm giác thật là ấm áp dễ chịu, một cảm giác không dễ gì có trong thời buổi mà ở đó văn hoá đọc đang mất mùa, nhất là trong khu vực văn học viết cho thiếu nhi.
Sau vài lần trò chuyện ngắn kiểu của Thuần, tôi biết Thuần chưa từng đi xa nhà quá 200km. Chuyến du học ĐH Mỹ thuật ở TP.HCM là chuyến đi xa nhất của Thuần. Hà Nội vẫn còn nguyên trong mơ ước đi xa của anh. Đồng bằng sông Cửu Long gần TP.HCM, thế mà Thuần còn chưa một lần được thấy!
Bởi thế, trong văn chương của Thuần, có một tình yêu nguồn cội thật đằm thắm, dành cho nơi chôn rau cắt rốn. Thuần có thể quay về bất cứ lúc nào để nhìn ngắm tuổi thơ của mình. Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ tả chính cậu bé Thuần từ thuở... còn nằm trong bụng mẹ, cất tiếng khóc chào đời, và được bố mẹ yêu chiều ''cưng như trứng mỏng''. Đứa - bé - nhân - vật chính của cuốn truyện Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ ấy cứ lớn lên, như cây cỏ dưới ấm áp mặt trời tình thương của cha mẹ, của chú Hùng hàng xóm, của ông Tư tật nguyền, của cô giáo Hà, của thằng cu Tý bạn thân. Đứa bé được học yêu thương, học ăn, nói, gói, mở, bằng tình yêu của những người xung quanh, được hiểu thế nào là người láng giềng, người nhà, được ông Tư (mất hết ngón tay vì chiến tranh) gọi nó âu yếm là: ''Bàn tay của tui oiư, lấy cho tui cái bánh''.
Cuối cuốn sách, sau khi đã học được bao nhiêu điều bí mật của cuộc đời bình dị xung quanh, đứa bé - nhân - vật đã học được học cách nhớ: "Tôi nhớ tất cả những gì đã bay qua bầu trời của tôi. Tôi nhớ từng bông hoa, từng mùa mưa nắng, từng rẻo đất ... Nhưng cái nhớ ám ảnh nó nhất lại lại là những khuôn mặt người. Lý do giản dị: Bố nó bởi vì trên đó có đôi mắt. Chúng ta không thể nhìn ai đó mà không nhìn vào đôi mắt họ. Một đôi mắt sẽ cho ta biết họ yêu mến điều gì, và quan trọng hơn nữa, họ đã hy sinh cho điều gì...".
Cuối cuốn sách, nhân vật chính là đứa bé trai ấy, đã lớn! Còn trong cuộc đời thực, khi chưa đầy 10 tuổi, Thuần đã mất cha. Vì thế, chẳng phải ngẫu nhiên mà hình bóng người cha đã che phủ rợp mát toàn bộ tuổi ấy thơ đứa - bé - nhân - vật trong cuốn sách của Thuần, và làm nên vẻ đẹp quyến rũ đặc biệt của phong trữ tình trong sáng, lãng mạn theo kiểu riêng của Nguyễn Ngọc Thuần.
Có lẽ sự ồn ào, nhanh gấp, tiết tấu hiện đại của TP.HCM tưởng như có thể mâu thuấn với lối viết văn lãng đãng mộng mị của Nguyễn Ngọc Thuần, lại bị chính lối viết này lôi cuốn? Chẳng phải tình cờ mà năm 2000, Nguyễn Ngọc Thuần đạt giải Ba với tác phẩm Giăng giăng tơ nhện tại cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần II với 10 triệu đồng. 20 triệu đồng là giải A cho Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ lần này. Cả hai giải thưởng, Thuần có 30 triệu đồng nhuận bút văn chương. Mẹ anh bảo nhỏ: "Má không mừng mà chỉ lo". Má lo cũng phải. Với má, Thuần vẫn là một cậu trai mới lớn, sống xa má ở TP. HCM. Nhưng với văn chương, Thuần đang là một vị khách lạ bắt đầu được yêu mến.
Chỉ mong sao, anh sẽ còn giữ mãi cặp mắt nhìn đời xanh non thắm thiết của mình...
Mua sách online tại Bookbuy.vn và nhận nhiều ưu đãi.
Đăng ký nhận bản tin
Đừng bỏ lỡ những tin nhắn ưu đãi độc quyền dành riêng cho bạn
NHẬN XÉT CỦA KHÁCH HÀNG
Chưa có đánh giá