Mà như anh từng nhận xét: “Với tôi khi đến một vùng đất khác, nghe một giọng nói khác… tôi luôn cho rằng mình may mắn, giống như được nghe kể về một câu chuyện. Sài Gòn đối với tôi như một chốn khác với những con người khác, mỗi ngày, dù tôi vẫn ở đây hơn hai mươi năm nay, vì những câu chuyện ở Sài Gòn không bao giờ cũ. Giống như trò cá mưa cá nắng, ở mảnh đất hai mùa mưa nắng này, không ai chính xác biết ngày nào sẽ mưa, ngày nào sẽ nắng, Sài Gòn chỉ có một quy luật, luật để sống ở Sài Gòn là cái tình.”
Lời khen ngợi dành cho cuốn sách:
“Một tập sách ấm áp. Đọc Phú thấy đời đẹp, những vẻ đẹp ai cũng gặp một lần nhưng cuộc sống của họ không đủ chậm để giữ lại, để nâng niu. Ngang dọc khắp nơi, người viết tỉ tê kể cho ta những tấm chân tình trong cát bụi. Nhịp văn nhanh mạnh, rất chi là phóng khoáng. Tưởng đọc Phú là đọc chuyện, nhưng cả văn cũng lôi cuốn, dí dỏm…”
- Nguyễn Ngọc Tư
“… Phú có cá tính và viết được “nhiều chiều” và cũng không chịu “chiều” ai cả! Và viết thì vô thiên lủng. Cả cái ngắn, cái dài, cái vừa phải! Cái chung, cái riêng! Cái ý nghĩa, cái trầm trọng, cái ất ơ! Nhiều khi đọc xong càng bơ vơ! Một phong cách độc đáo và độc lập của kẻ mê chơi và ý thức cuộc chơi của riêng mình. Nhưng mà có chuyện. Và những câu chuyện tưởng chơi chơi tưng tửng ấy có mảnh nổ găm vào tim…”
- Nguyễn Hữu Hồng Minh
Mục lục
1. Ở Sài Gòn
2. Chuyện nhỏ Sài Gòn
3. Đi chợ Sài Gòn
4. “Khá hông nổi”
5. Nhà Tình Thương
6. Hửng sáng...
7. Lập nghiệp ở Sài Gòn
8. “Có con đường nằm nghe nắng mưa”
9. Chuyện trong hẻm
10. Bánh mì Sài Gòn
11. Chuyện kể xe ôm
12. Sài Gòn Lạc-Xoong
13. Xóm ngoại thành
14. Làm vài chai ở Sài Gòn
15. Chuyện bụi đời 110
16. Về miền Tây uống “gụ”
17. Tình thời ăn mắm chấm rau
18. Cá rô bông điên điển
19. Không có đỉnh cao
20. Di sản
21. “Nghe tiếng đờn, ai rao sáu câu”
22. Giờ Hoàng Đạo
23. Cô Vợ Ếch
24. Hỏi đường
25. Uy Vũ
26. Văn minh
27. Mùi Tình Yêu
28. Ăn nhớ, ăn thương
29. Thất bại...
30. Cảm giác mạnh
31. Nghĩa học trò
32. Chuyện dọc đường
33. Thái độ sống
34. Tạp văn Đàm Hà Phú
Giới thiệu tác giả:
Đàm Hà Phú sinh năm 1974, đến từ Nha Trang và luôn ở lại Sài Gòn hơn hai chục năm nay, sở thích là đi lại và viết lách, đã từng đi toàn Việt Nam mà chưa đi hết Sài Gòn, đã từng viết đủ mọi thứ mà chưa viết đủ về Sài Gòn, đã từng yêu mọi nơi mà chưa yêu trọn Sài Gòn. Đàm Hà Phú, đến Sài Gòn năm 1991, đến Sài Gòn sáng hôm nay để viết, ngày mai sẽ lại đến Sài Gòn để yêu.
Trích đoạn sách hay:
Tôi sinh ra ở Hà Tĩnh, lớn lên ở Nha Trang và định cư ở Sài Gòn từ năm 18 tuổi đến giờ, vậy mà năm lần bảy lượt muốn viết một cái gì về Sài Gòn, tôi viết rồi lại ngưng vì chẳng biết viết gì. Tôi đã ở Sài Gòn 20 năm, tôi viết nhiều vậy mà chưa viết về Sài Gòn, kể cũng là thiếu.
Sài Gòn là mảnh đất lạ kỳ. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta luôn nghĩ về Sài Gòn mà lại chẳng biết viết gì, nói gì về nó. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta luôn nhớ về nó khi đang ở trong lòng nó. Người ta thương Sài Gòn bằng một thứ tình cảm mơ hồ nhưng mãnh liệt đến ngạt thở, nhưng như kiểu một thứ tình nghĩa khác, không phải là quê hương.
Ở Sài Gòn có một thứ không khí khác, không giống bất cứ nơi đâu, có lẽ được quánh đặc bởi bụi, khói, bởi mùi mồ hôi, mùi đồ ăn, bởi tiếng xe, tiếng người, bởi muôn ngàn thanh âm, màu sắc… mà một khi đã quen hít thở với nó, bạn sẽ không bao giờ quên được, nếu không nói là khó mà rời xa được. Ở Sài Gòn, đất dung nạp vào nó đủ mọi hạng người, từ anh trí thức hàn lâm đến chị bán trôn nuôi miệng đều cảm thấy đất này dễ sống hơn chỗ khác, từ giới nghệ sĩ có tài và bất tài đến mấy bà buôn thúng bán bưng đều nuôi mộng lập nghiệp nơi mảnh đất lắm người nhiều xe này. Tất cả đều có thể nhận mình là người Sài Gòn, hoặc không nhận cũng không sao, Sài Gòn không so đo xuất xứ của bạn, cơ hội và rủi ro chia đều cho mỗi người. Ở Sài Gòn, bạn hay chứng kiến những tai nạn giao thông nho nhỏ do xe máy, thường cả hai bên va chạm đều tự dựng xe lên, nhìn ngó xe của mình, xuýt xoa vài tiếng rồi nổ máy xe, hỏi thăm nhau một câu cho có rồi mạnh ai nấy đi. Ở Sài Gòn thỉnh thoảng có người chạy theo bạn ngoài đường chỉ để nhắc bạn nhớ gạt chân chống xe hoặc coi chừng bị rớt cái ví lòi ở túi quần sau mà không cần quay đầu nhìn bạn để nhận một cái gật đầu cảm ơn.
Ở Sài Gòn, bạn dễ thấy những quán xá tạm bợ và tối giản đến không ngờ, nhiều quán cà phê chỉ với một cái lon bò húc làm biểu tượng vậy mà một ngày bán không dưới 300 ly café bằng cách bưng đến tận nơi, có một xe bánh mì nhỏ chỉ bán buổi chiều tối mà doanh thu hàng ngày lên đến cả chục triệu, có một bà chỉ bán nước sâm vỉa hè mà sau ba năm đã mua được căn nhà mặt tiền to vật ở chính nơi mà bà xin đặt xe nước sâm của mình. Thương hiệu là thứ không mơ hồ ở Sài Gòn, nó được bảo chứng bằng doanh thu, bằng tấm lòng người Sài Gòn. Ở Sài Gòn có nhiều bạn trẻ mặc đồ như Tây, ngồi ở café máy lạnh với laptop trước mặt và viết đơn xin việc, nhưng cũng có nhiều bậc trung niên mặc quần đùi uống café cóc ở vỉa hè bàn chuyện xây cao ốc cho thuê. Ở Sài Gòn bạn có thể xin làm phụ việc ở bất cứ đâu mà lương tháng vẫn bằng một kế toán mới tốt nghiệp đại học, người ta có thể mua cùng một món đồ với giá chênh lệch nhau đến cả chục lần mà không hề áy náy. Người ta luôn có cảm tưởng cả Sài Gòn đang vận hành vì tiền nhưng người Sài Gòn thì lại không hề coi trọng chuyện tiền bạc….
Mời bạn đón đọc.
NHẬN XÉT CỦA KHÁCH HÀNG
Chưa có đánh giá