-
-
{{item.Color.Name}}
- {{item.Name}}
76,500 đ
Tiết kiệm:
13,500 đ (15%)
Giá thị trường: 90,000 đ
Tình trạng:
Hết hàng
THÔNG TIN CHI TIẾT
Giới thiệu sản phẩm
Tác giả đi dọc qua thành phố ra tận bờ sông Hồng trong buổi tối mưa gió mang tác phẩm mới in xong đến tặng bạn hữu, mà vừa đề tặng vừa nhấm nhẳng mắng người ta. Tôi viết là viết phục vụ đồng bào đồng chí của tôi, những người lao động quê mùa chân lấm tay bùn đọc chơi cho vui, chứ sức mấy mà mong đám thị thành văn vẻ các ông để mắt, không dám đâu. Đã bực bội không dưng như vậy thì thèm vào, nghĩ bụng thế. Vả lại, khẩu văn blog - theo như lời của chính tác giả nói về cuốn sách - nó là cái gì vậy?
Năm trước nghe thiên hạ kháo nhau loạt bài tả chân do Nguyễn Quang Lập viết và tải trên mạng, tôi nhờ bạn in ra giấy để đọc. Đọc xong, cười rũ, giống như hồi xưa ngang qua Khu Tư lính tráng cười bò ra với nhau nghe kể chuyện bọ. Khẩu văn blog là thế? Và cuốn Ký Ức Vụn là tập hợp của những bài tả chân ấy?
Để cuốn sách đầu giường, mấy hôm sau mới giở trang đầu. Đọc chơi cho vui, tác giả đã bảo vậy, thì đọc cho vui.
Bất thường ngay từ trang đầu. Viết lách nhẹ không, như chơi, mà cuốn ngay lập tức. Hết truyện Con Ăn Ruồi đọc sang truyện Thằng Hai Đầu Gối, rồi Thằng Sứt Môi, rồi Ký Ức Năm Hào, rồi Thắng Á, Chị Du...
Truyện có hay không? Hay như thế nào?
Nhớ có lần bàn luận với nhau ở báo điện tử Vietimes về cuốn Tuổi 20 Yêu Dấu của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, khi được hỏi rằng vì sao mà thích, vì sao mà thấy tiểu thuyết đó hay, tôi không thể giải thích, bởi tôi không biết. Cái con người độc giả trong tôi chỉ có một " tiêu chí " để tự mình định giá với mình về một tác phẩm văn học, ấy là: đọc một mạch hết cuốn sách, hoặc miễn cưỡng đọc cố, hoặc chỉ trang đầu, thậm chí dòng đầu đã phải đầu hàng. Ông bạn ở Vietimes vặn ngay: truyện chưởng vẫn thường được người ta đọc hết một lèo không buông sách, vậy Kim Dung là nhà văn lớn?
Vặn vẹo như thế còn biết nói sao. Tuy nhiên với truyện chưởng thì tôi vẫn vậy thôi, đo lường theo cái cách đó. Không đọc được hết một trang, và vì thế, với tôi, truyện của Kim Dung không hay. Tất nhiên là với tôi thôi.
Khi đã là tác phẩm hay thì bất kể là của ta của tây của tàu, bất kể cổ kim, bất kể tên tuổi, bất kể thể loại, đề tài, cách viết, có khi cả không cần hiểu kỹ lưỡng kỳ cùng nội dung, cốt truyện của cái truyện ấy nó là thế nào, hay là hay, vậy thôi, miễn bình luận. Cái hay của tác phẩm văn học là hoàn toàn vô thức và nói chung độc giả cũng vô thức mà cảm được cái hay ấy.
Tôi nằm đọc Ký Ức Vụn tới nửa đêm, thấy khuya quá rồi thì tắt đèn nhắm mắt. Nhưng không thể ngủ. Lại phải bật đèn, mở sách ra, đọc tiếp. Hơn 290 trang kìn kìn chữ, đọc một hơi tới sáng. Cả ngày hôm sau chỉ nghĩ về cuốn sách ấy.
Ký Ức Vụn, nếu là trong một mâm nhậu vài ba thằng đọc to lên với nhau chắc phải phát sặc lên vì cười, và cả tức nữa, đến muốn đập chén chửi vang. Nhưng một mình nằm đọc thì chẳng thấy buồn cười. Chẳng thấy tục. Chẳng thấy bỗ bã. Đây là một tác phẩm sâu nặng buồn vui. Buồn nhiều hơn vui. Những mảnh ký ức khía vào tim người đọc. Càng khía sâu hơn bởi cách viết - tôi không biết gọi sao cho đúng cái cách viết ấy: thảo khấu, cười cợt, báng bổ, làm loạn, trêu ngươi? - khiến chữ nghĩa tương phản với nội dung. Đấy là cách viết của sự "trên tài". Một tác phẩm bi kịch đời người mà chữ nghĩa lại gây cười thì trên tài hơn hẳn những nỗi buồn cao sang nhưng thô thiển, ầm ĩ và lồ lộ ra trên các trang sách tràn ngập những tính từ bi ai.
Bản thân Nguyễn Quang Lập nói mình dùng "khẩu văn", nhiều người khác cũng bảo vậy và không ít người nói vậy với cái ý là hành văn theo kiểu hoạt khẩu. Trong đời thường, Nguyễn Quang Lập do uống nhiều nên thường hay kể chuyện và kể rất hay, nhưng không phải người hay nói, không phải dân "trăm hay" lắm lời. Anh viết dường như rất dễ, nhưng sự dễ ấy trái ngược hoàn toàn với dễ dãi. Đố anh dễ dãi nào viết dễ được như thế. Còn những người viết khó khăn và ì ạch như tôi thì lại thường hay "làm văn" nên chỉ ước ao chứ không bao giờ đạt nổi khả năng "khẩu văn" của Nguyễn Quang Lập. Viết được như thế thật sướng, nhưng muốn sướng được như vậy phải đổi cả một đời trần ai, nào ai dám đổi.
Ký Ức Vụn được Nhà xuất bản định nghĩa trên trang bìa là tạp văn chọn lọc. Nhưng riêng tôi, tôi nghĩ đây là tập truyện ngắn. Có thể gọi nó là "truyện ngắn không hư cấu" được không?
Sự thực thì tôi thấy Ký Ức Vụn là một cuốn tiểu thuyết, cuốn ấy viết cho những người cùng thời cùng kiểu với tôi. Bởi tiểu thuyết là thế. Không có đời mình trong đó, nhưng đọc thấy đời mình, đời bạn bè mình, thấy lại trước mắt năm tháng đã qua, những năm tháng hiện hữu trong các câu chuyện và cả ở khoảng trống giữa các câu chuyện. Thời thơ ấu, tuổi học trò, mối tình đầu, tang thương chiến tranh, đời văn, quê nhà, và tha hương lang bạt. Trần Vàng Sao, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Đoàn Anh Thắng, Phùng Quán, Bạn bè ở Huế...
Mừng cho Nguyễn Quang Lập vượt được muôn trùng gian khổ trở về chiếm hữu lại văn đàn. Và cả mừng cho văn chương, cho nhà văn nói chung, trong đó có mình. Bấy lâu vẫn tưởng là số lượng độc giả ưa đọc và biết đọc văn học càng ngày càng vơi. Cứ tưởng bây giờ thiên hạ chỉ thiên về "văn học sân chơi". Song, cơn sốt, nếu có thể gọi như vậy, cơn sốt đam mê và thán phục của đông đảo độc giả, nhất là độc giả trẻ đối với Ký Ức Vụn đã chứng tỏ tôi nghĩ nhầm. Một tác phẩm văn học đã từ lâu lắm rồi mới thấy, lại được đón nhận rộng rãi bởi một niềm say mê văn học đã từ lâu lắm rồi mới có. Thật là điều quá đáng mừng cho văn học.
Mời các bạn đón đọc!
Đăng ký nhận bản tin
Đừng bỏ lỡ những tin nhắn ưu đãi độc quyền dành riêng cho bạn
NHẬN XÉT CỦA KHÁCH HÀNG
Chưa có đánh giá