-
-
{{item.Color.Name}}
- {{item.Name}}
41,500 đ
Tiết kiệm:
7,500 đ (15%)
Giá thị trường: 49,000 đ
Tình trạng:
Hết hàng
THÔNG TIN CHI TIẾT
Giới thiệu sản phẩm
Dòng sông có còn níu mãi bờ sông? Đỗ hỏi thế. Nhưng chắc chẳng phải hỏi đâu, mà có lẽ chỉ là trót lỡ tay hạ xuống câu thơ vô cố đấy thôi. Thơ lẫn trong văn, nên văn lộn thành thơ! Dòng sông có còn níu mãi bờ sông? Một câu hỏi (cứ tạm cho như thế) ngắn ngủn mà dư chấn không ngắn ngủi. Bất chợt nó khiến xui có kẻ đành buông sách nửa chừng, để ngẫm nghĩ, để lẩn thẩn mình hỏi lấy mình: Ừ, sông là để chảy đi, chảy đi. Không chảy nữa thì sông đâu còn là sông! Nhưng chảy đi và đi mãi bởi chẳng thèm luyến lưu? Hay bởi không còn muốn ôm chầm chấp giữ? Hay bởi nước nghìn năm trước với nước nghìn năm sau vẫn như thế, cứ như thế chỉ có điều lòng dạ hôm qua không phải là gan ruột bữa nay cho nên ai đó một hôm ngẩn ngơ ra đứng bên dòng sông mà hỏi rằng bãi bờ con nước có còn nắm níu nhau chăng.
Hai nghìn mấy trăm năm trước Hàn Phi đánh rơi bốn chữ Khắc chu cầu kiếm và nó trôi, trôi mãi vào thiên cổ nhân gian. Khắc chu cầu kiếm. Vạch thuyền tìm gươm. Thế đấy, bốn chữ nhẹ hều, có gì trầm trọng mà cớ sao suốt từ Chiến Quốc còn chưa lắng chìm, còn bập bềnh xuôi dòng trường giang, tràn sang đại hải, để từ Trung Nguyên phiêu dạt xuống phương Nam, rồi tấp vào bài kệ đời Trần của Trúc Lâm sơ tổ: Hữu cú vô cú, Phi hữu phi vô, Khắc chu cầu kiếm… Câu có câu không, Chẳng có chẳng không, Vạch thuyền tìm gươm… Biết như thế, ắt Hàn sướng lắm, đâu dè gã Pháp gia hữu vi Trung thổ sau một nghìn năm trăm năm vẫn còn giăng tay được với ông Thiền tổ vô vi trời Nam.
Nhưng thêm bảy trăm năm nữa thì Hàn đành ngậm ngùi chào thua rồi. Không chào thua sao được khi Đỗ nhẹ nhàng “Thả một hòn sỏi đánh dấu chỗ thuyền trôi”! Hỡi ôi, lại một câu tuyệt cú! Thả một hòn sỏi đánh dấu chỗ thuyền trôi. Thích Ca Mầu Ni hỏi nhỏ họ Hàn: Ư ý vân hà? Ý ông thế nào? Hàn cúi đầu, thưa khẽ: Mô Phật, thiện tai! Thiện tai!
Phải. Cái sát phạt máu me và xương thịt tan tành thời Chiến Quốc khiến cho Hàn đành nhắc tới kiếm tới gươm. Khiến cho con thuyền của Hàn không là thuyền thơ trăng gió. Buổi Nam thiên tắt lửa khói điêu linh nên thuyền của Đỗ cứ là thi thuyền phong nguyệt. Thả một hòn sỏi… đánh dấu chỗ thuyền trôi… Lãng mạn thay! Tuyệt vời thay!
Qua tuổi sáu lăm, ông Đỗ đánh dấu một năm nghỉ hưu bằng quyển sách vuông vuông Như thị (*). Sách chưa phát ra, ông ưu ái lấy “nóng” cho tôi một cuốn, bảo hãy đọc chơi. Đọc sớm trước khi sách bày tràn kệ ngoài thị trường âu cũng là cái thú. Nhưng mới đọc đoạn mở đầu tôi bèn dừng lại. Như vừa nhấp thử một hớp rượu ngon thì ngưng chén, để có cơ hội lắng nghe cái men thơm ngấm từ từ vào thể phách.
Thật vậy, đọc hai câu hỏi ông viết liền nhau – Dòng sông có còn níu mãi bờ sông? Thả một hòn sỏi đánh dấu chỗ thuyền trôi? – thì không dám đọc thêm nữa. E “phai” mất đi cái men say lâng lâng đang thọ hưởng. Cả một bài thơ Đường có khi đánh đắm hồn mình chỉ tại bảy chữ một câu. Cũng như thế, hơn hai trăm trang sách mà mới vô đầu đã “trầm trọng” ở hai câu mười bảy chữ há đã là quá đáng!
Ở thành Rajagaha bên Thiên Trúc hai nghìn bốn trăm năm trước, ông Ananda thốt: “Như thị ngã văn – Như thế tôi nghe.” Hôm nay, đọc Như thị mà ghi lại cảm xúc của mình như thế, tôi nào làm cái việc “điểm” sách như lẽ thường mà chỉ đơn thuần là chia sẻ. Chia sẻ nguồn cảm hứng bất chợt từ cuốn Như thị của ông Đỗ. Nếu quý độc giả có tủm tỉm cười, có thấy vui vui vì cảm giác rất bồng bềnh của người viết qua những con chữ này, thì tôi xin đa tạ. Đa tạ vì quý vị đã thấy vui vui. Bởi lẽ, Như thị của Đỗ Hồng Ngọc là để chia sẻ: “Sẻ chia, ấy là hạnh phúc. … Hãy sẻ chia. Hãy vui.” (tr. 6).
Đăng ký nhận bản tin
Đừng bỏ lỡ những tin nhắn ưu đãi độc quyền dành riêng cho bạn
NHẬN XÉT CỦA KHÁCH HÀNG
Chưa có đánh giá