Năm một nghìn chín trăm tám mươi… mấy, lúc đang là Trưởng ban Văn nghệ của báo Tuổi Trẻ, có lần tôi đã tiếp một cô sinh viên đến đưa bản thảo truyện ngắn để “nhờ anh đọc và góp ý, nếu thấy được thì…”. Khi ấy tôi làm việc còn rất nghiêm túc, nên đã hẹn và khi đọc xong tôi đưa lại bản thảo, khuyên cô nên… tập trung vào việc học tập! (tôi đã quên bẵng chuyện này, bởi từng thô bạo như vậy với khá nhiều người, theo đúng chủ trương không nên có nhà văn… trung bình). Cô gái cảm ơn và ra về, không bao giờ quay lại. Ơn trời!
Năm 2013, tôi xin kết bạn trên Facebook với Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, người mà tôi rất chú ý qua blog Hậu Khảo cổ và đã đọc nhiều bài viết trên báo cũng như trong tập 101 truyện ngắn 100 chữ khá độc đáo của cô. Một hôm, Hậu post lên FB một tấm hình lúc còn sinh viên, đẹp như trong mơ! Gặp trong một cuộc nhậu, tôi than thở phải chi được gặp cô lúc ấy. Hậu cười, nói đã từng gặp, rồi nhắc lại câu chuyện năm xưa. Trời đất, lúc đó mắt tôi bị sao thế nhỉ?
Có vẻ Hậu vừa nghe và vừa không nghe lời khuyên của tôi. “Tập trung vào việc học tập”, cô giờ là một nữ tiến sĩ hiếm hoi và nổi tiếng của ngành Khảo cổ học Việt Nam. “Hãy dẹp mộng văn chương vì con đường đó rất cực nhọc và chắc là không phù hợp với em đâu”, thì giờ cô đã có trong tay vài cuốn sách văn chương và bắt đầu có tên trong trường văn trận bút…
Sau hơn 20 năm, Hậu lại gửi bản thảo Thế giới mạng & tôi để nhờ tôi đọc.
Những bài viết thật bình dị, nhẹ nhàng, không mang triết lý gì cao siêu, không phê phán, dạy dỗ… Chúng cứ như những lời tâm sự, thủ thỉ, kể lại về một chuyến đi, những địa danh, con người, sự việc… trong đời sống hàng ngày của tác giả, với những nhận xét và suy nghĩ vừa tinh tế lại vừa mộc mạc. Đã đọc 101 truyện ngắn 100 chữ khá sắc sảo của Nguyễn Thị Hậu, tôi bị hơi… hẫng với cuốn tạp bút này, chính vì sự giản dị của nó. Có cảm giác tác giả là một người thông minh tới mức biết cách không làm người ta phải sợ hãi về sự thông mình đó?
Và tôi đã đọc chỉ trong một đêm…
Vì cuốn sách quá hay? Chưa hẳn. Vẫn còn vài bài viết hơi khô, vội, có vẻ cho kịp đơn đặt hàng của các báo. Vài cảm xúc chưa chín, vốn sống còn mỏng đây đó. Nhưng tổng thể thì khá hấp dẫn. Những bài viết thiên về tình cảm, như Tiếc nuối Thủ Thiêm, Bạn về quê ở, Những bữa cơm chiều,Quan họ của tôi, Tản mạn về đường thành phố, Quê hương và ký ức di truyền, đặc biệt là chùm 10 bài trong chương cuối Vụn vặt đời thường… đọc rất thích.
Điều quan trọng ở đây là gì?
Nguyễn Thị Hậu đã bền bỉ thực hiện đam mê viết lách của mình, bất kể “lời ong tiếng ve” - vậy mới chính là đam mê thực sự, không ai cản được! Và quan trọng là đã đưa được những gì mình viết đến nhiều người đọc. Một người hạnh phúc!
Tôi như mường tượng thấy khi bấm nút send tập bản thảo cho tôi, hẳn Hậu đã mỉm cười. Lúc quay lưng ra về hồi năm một nghìn chín trăm tám mươi mấy, có lẽ cô đã tự nhủ “Hãy đợi đấy!”. Và giờ là câu trả lời đích đáng cho cái gã “có mắt không tròng” là tôi!
Trích bài trong tản văn
NHÂN MẠNG
Một ngày bạn bỗng nhận ra địa chỉ email của một người bạn không còn tồn tại
Một ngày bạn bỗng nhận ra nick chat của một người bạn biến mất khỏi friendlist
Một ngày bạn bỗng nhận ra tên một người bạn không bao giờ xuất hiện trên tường FB của mình. Tìm FB bạn thì, ồ, bạn đã bị chặn từ bao giờ
Bạn bỗng phải tự hỏi, chuyện gì đã xảy ra?
Chắc bạn sẽ cố nhớ lại xem lần cuối hai người liên lạc với nhau là khi nào, như thế nào, và sau đó là gì…
Chắc bạn sẽ phải lục lọi từng cm trí nhớ như lần theo sợi chỉ mỏng manh để tìm ra đầu sợ chỉ là lần gần nhất mà hai người còn gặp nhau trên mạng
Thường thì ký ức cho bạn biết, chẳng có chuyện gì bất thường trong lần gặp nhau cuối cùng ấy, vẫn bình thường, thậm chí còn vui vẻ là khác
Bạn vẫn cứ tự hỏi, vì sao “tự nhiên” lại như thế? Bạn cố tìm ra lý do để giải thích nhưng rốt cục cũng không tin vào lý do mà mình nghĩ ra.
Bạn sẽ tặc lưỡi, ừ thì thôi vậy. Chắc bạn mình có chuyện gì đó “khó ở”. Chắc vài bữa nữa sẽ liên lạc lại, chắc… Mà nói cho cùng chỉ là một người bạn trên mạng thôi mà…
Thi thoảng, có trường hợp, ký ức loé lên một sự việc, một câu nói, một nguyên cớ nào đấy có thể giải thích cho sự “biến mất” của bạn mình. Bạn giật mình, ồ, chuyện không có gì, lẽ nào…
Có khi linh cảm cho bạn biết rõ nguyên nhân dù sự linh cảm ấy rất mong manh thì bạn vẫn đoan chắc rằng, nó là như thế
Có thể bạn sẽ băn khoăn, có khi ân hận, có khi bứt rứt… Nhưng làm thế nào liên lạc được để giải thích hay hỏi rõ mọi chuyện? Mà có cần không nhỉ?
Có khi rồi cũng tặc lưỡi cho qua… có thế mà cũng… ừ nếu vậy thì không đáng.. thôi, chả tiếc!
Thế là bạn quên dần chuyện đó, rồi quên hẳn, như chưa từng tồn tại những vui vẻ ấm áp giữa hai người, thậm chí, như chưa từng biết có một người như thế…
Không hiểu sao tôi bỗng nghĩ đến chuyện như thế khi nhớ về một người bạn vừa từ bỏ thế giới này. Cứ nghĩ đến việc sẽ không còn bao giờ có thể gặp nhau để mà trò chuyện, để mà giận dỗi, để mà làm lành để mà tha thứ… Bỗng thấy cuộc sống thật là phù du vì có đấy cũng là mất đấy… Sao khi còn có thể gặp nhau chúng ta không làm khác đi điều chúng ta đã làm, để rồi có lúc phải nghĩ đi nghĩ lại…?
Trong thế giới của NET càng dễ tìm đến nhau bao nhiêu càng dễ xa nhau bấy nhiêu. Đến nhanh thế nào thì rời bỏ cũng nhanh như thế. Mạng mà!
Con người trong những mối quan hệ trên mạng như thế gọi là nhân mạng.
Mục lục:
1.THẾ GIỚI MẠNG VÀ TÔI
2.TẢN MẠN VỀ NGƯỜI SÀI GÒN
3.THƯƠNG HIỆU VIỆT VÀ GIÁ TRỊ VĂN HOÁ
4.TIẾC NUỐI THỦ THIÊM
5. BẠN VỀ QUÊ Ở
6. CÔN ĐẢO – VÙNG KHÔNG GIAN THIÊNG
7. MÙA LỄ HỘI
8. SỰ BÌNH ĐẲNG CỦA NHỮNG CÁI TÊN
9. GHI CHÉP NHỎ Ở THAILAND
10. NHỮNG GÓI BỘT PHA SẴN
11. NHỮNG BỮA CƠM CHIỂU
12. QUAN HỌ CỦA TÔI
13. SA PA KHÔNG CÒN LẶNG LẼ…
14.SẮC MÀU VÙNG CAO NGUYÊN ĐÁ
15.TẢN MẠN VỀ ĐƯỜNG THÀNH PHỐ
16. NHỮNG NGÀY CUỐI NĂM
17. TIẾNG MẸ ĐẺ
18. TẢN MẠN CÀ PHÊ SÀI GÒN
19. QUÊ HƯƠNG VÀ KÝ ỨC DI TRUYỀN
20. MỘT DÒNG KÊNH HỒI SINH – NGÓ TỪ QUÁN NHẬU BỜ KÈ
21.TRƯỜNG SA CỦA TÔI
22. TUỔI THƠ SƠ TÁN
23. MÙA GIÁNG SINH ĐẦU TIÊN
24. YÊU NHƯ ĐÃ SỐNG
25. THÁNG TƯ, VÀ BẠN VÀ TÔI
26. NƯỚC MỸ, XA VÀ GẦN
* GẶP BẠN NƠI XA
* NƯỚC MỸ, THÁNG NĂM
* NGÔI NHÀ CÓ HÀNG RÀO SƠN TRẮNG
27. NHỮNG ĐIỀU BÌNH THƯỜNG Ở NƯỚC MỸ
28. NHỮNG NGÔI BIỆT THỰ VÀ NHỮNG QUÁN CÀ PHÊ
29. VỀ MIỀN TÂY, THƯƠNG…
30. VỤN VẶT ĐỜI THƯỜNG
* BÁO CHÍ CẦN CÁM ƠN AI NHỈ?
* KHẮC NHẬP KHẮC XUẤT
*LỀ HAY ĐƯỜNG?
*I’ M SORRY …
*XÍCH LÔ SÀI GÒN
* PHỤC SINH, VÂNG, HY VỌNG THẾ!
* NGHĨ VỀ SÁCH
* THÁNG BẢY ĐÃ QUA
*NGỤ CƯ
* NHÂN MẠNG
Thông tin tác giả :
Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu sinh năm 1958 tại Hà Nội. Quê quán An Giang, hiện nay chị giảng dạy tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố HCM và là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP/HCM,
Phó Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam và Tổng Thư ký Hội Sử học TP/HCM.
Ngoài chuyện khoa học chuyên ngành, làm "công tác bảo tàng viện", chị đã có nhiều công trình nghiên cứu về các nền Văn hóa Óc Eo, Đồng Nai, Sa Huỳnh, khảo cổ học đô thị Sài Gòn/TP Hồ Chí Minh v.v...Các bài báo và những bài trả lời phỏng vấn của chị chủ yếu về đề tài bảo tồn và phát huy di sản văn hóa chị cũng xuất bản nhiều cuốn sách ở các thể loại như ký, truyện ngắn, tản văn…
Bookbuy mời bạn đón đọc.
NHẬN XÉT CỦA KHÁCH HÀNG
Chưa có đánh giá