-
-
{{item.Color.Name}}
- {{item.Name}}
75,500 đ
Tiết kiệm:
13,500 đ (15%)
Giá thị trường: 89,000 đ
Tình trạng:
Hết hàng
THÔNG TIN CHI TIẾT
Giới thiệu sản phẩm
Tặng những anh hùng nơi tuyến đầu
For frontline heroes!
LỜI GIỚI THIỆU
Cuốn sách này là những ghi chép của bản thân tôi trước và trong đại dịch Coronavirus bùng phát năm 2020 ngay sau Tết dương lịch. Vì vậy tôi sẽ dùng BCP (Before Coronavirus Pandemic) để chỉ thời gian trước đại dịch và ACP (After Coronavirus Pandemic) chỉ thời gian sau đại dịch.
Chương 1 viết về Giấc mơ Mỹ trước đại dịch là khoảng thời gian tôi học tập ở xứ cờ hoa từ 2008 - 2010, cũng là niềm mơ ước của tôi khi còn trẻ, với những cảm nhận về một thiên đường mơ ước của nhiều người.
Chương 2 viết về Đại dịch Coronavirus là dạng ghi chép phi hư cấu (nonfiction) bắt đầu với một vài thông tin từ địa ngục Vũ Hán đến sự hoang mang, lo sợ của nhiều người ở Việt Nam. Tiếp đến là những thông tin liên tục được cập nhật hằng ngày hằng giờ tại Việt Nam và thế giới trong thời gian “cách ly xã hội” cho đến ngày 27/4/2020 khi học sinh 30 tỉnh thành được trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết dài nhất trong lịch sử.
Chương 3 viết về Bài học cho thế giới sau đại dịch là những cảm nhận, so sánh, chiêm nghiệm,… để rút ra bài học cho bản thân và nhìn nhận về thế giới chúng ta đang sống cũng như tương lai của nhân loại.
Những góc nhìn so sánh liên tục được đặt ra giữa các quốc gia nhưng tập trung chủ yếu vào Việt Nam và Mỹ. Vì Việt Nam là nơi tôi chứng kiến tận mắt, còn Mỹ là nơi tôi có một khoảng thời gian thiên đường khi sống và học tập ở đó. Khi nước Mỹ đau đớn vật lộn trong đại dịch CV (Coronavirus) 1 với hàng nghìn người chết mỗi ngày và những ngôi mộ tập thể ở New York (đúng 10 năm sau khi tôi rời Mỹ), tôi chợt nhận ra thiên đường và địa ngục không hề cách xa nhau, nó có thể cùng một chỗ.
1. Trong cuốn sách này tôi sẽ dùng chữ viết tắt CV thay cho Coronavirus, nCoV, Covid-19, SARSCoV-2,… để thuận tiện cho bạn đọc. Tuy nhiên, khi trích dẫn tôi sẽ dùng đúng từng cách gọi.
Ghi chép về hai trạng thái đối lập này chính là cảm nhận của cá nhân tôi về thế giới của chúng ta, một thế giới vô cùng mong manh mà tất cả chúng ta đang dựa vào đó. Tốt đẹp và xấu xa, cao thượng và thấp hèn, giàu có và nghèo túng, ngay thẳng và xảo trá,... đó chính là hai nửa thế giới, hay đúng hơn là hai mặt của một thế giới, luôn song hành tồn tại có cả thiên đường và địa ngục.
Thế giới hậu Covid (ACP) sẽ hoàn toàn đổi khác. Chúng ta sẽ phải thích nghi với một hoàn cảnh mới, một thời đại mới với vô vàn sự khác biệt, có thể tốt đẹp hơn nhưng cũng có thể tồi tệ hơn. Có thể là thiên đường nhưng cũng có thể là địa ngục. Ngay bây giờ, mỗi con người chúng ta hãy bắt đầu trở lại, bằng ý thức trách nhiệm với môi trường tự nhiên, với thế giới mà chúng ta đang sống, với Ngôi nhà xanh duy nhất, nơi có Bà mẹ Thiên nhiên bao dung, nhân hậu nhưng đang quằn quại trong đau khổ vì những đứa con của bà.
Những dòng sông chết, những khu rừng bị đốn trụi, những đại dương ô nhiễm, những rừng bê tông hút tầm mắt cùng bầu không khí đậm đặc bụi mịn PM 2.5 ở mức tím, mức nâu. Nghiệp lực toàn cầu (như lời cậu bé Abhigya ở Ấn Độ nói đến) do những đứa con bất hiếu của Bà mẹ Thiên nhiên tạo ra. Bạn và tôi, tất cả chúng ta có thể xây nên một thiên đường hay tạo ra một địa ngục? Điều đó phụ thuộc vào ý thức và trách nhiệm của mọi người nhưng lại luôn khởi đầu từ mỗi người.
Đại dịch CV có thể qua đi nhưng cũng có thể không bao giờ chấm dứt, bởi lẽ, nó được tạo ra từ nghiệp lực (karma) của chúng ta, cũng giống như những điều tốt đẹp hay những thảm họa khác do chính con người tạo nên.
Hà Nội, mùa Hè 2020.
Đinh Hồng Hải
Trích đoạn:
Họ đã cho chúng ta thấy một thực tế rằng các đội quân tinh nhuệ, lực lượng phản ứng nhanh của các quốc gia cùng các đội tàu sân bay với chi phí hàng nghìn tỷ đôla chỉ để phản ứng với kẻ thù hữu hình. Còn với kẻ thù vô hình như CV thì chỉ có chuyên môn khoa học mới có thể phòng và tránh được từ xa bằng chính sự xả thân và đạo đức khoa học của những người anh hùng nơi tuyến đầu đó. Nhân loại sẽ tri ân họ và cũng sẽ phải rút ra những bài học vô cùng đắt giá từ đại dịch này. – tr 69
Thật may cho Việt Nam, do đã quá hiểu “người anh em núi liền núi sông liền sông” hàng nghìn năm qua nên những tin tức từ Vũ Hán ngay từ đầu đã được nhiều người lưu tâm. Chính phủ Việt Nam đã có những động thái nhanh và mạnh chưa từng thấy. Mức độ nguy hiểm của dịch bệnh được tính toán chi tiết và công bố trên truyền hình. Do tiềm lực y tế của Việt Nam có hạn nên chính phủ đã huy động người dân và mọi tổ chức xã hội đóng góp nhân tài vật lực cho cuộc chiến. Nhờ đó, Việt Nam đã thoát hiểm một cách ngoạn mục ít ai ngờ tới sau nửa năm dịch bệnh bùng phát trên thế giới.
Mặc dù dịch bệnh trên thế giới vẫn chưa kết thúc và dịch bệnh ở Việt Nam vẫn có thể bùng phát trở lại nhưng sau hơn nửa năm hoành hành ở Việt Nam, đây là một trong những quốc gia hiếm hoi vượt qua được một giai đoạn quan trọng của dịch bệnh với chi phí thấp trong một nguồn lực hạn chế.
Nội dung dưới đây là những gì đã diễn ra như một cuốn phim quay chậm ở Việt Nam, ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới trong gần hai tháng “cách ly xã hội” vừa qua. Lượng thông tin dày đặc, tràn ngập các phương tiện truyền thông, nếu chúng ta không ghi lại thì những luồng tin tức của ngày hôm sau sẽ nhấn chìm luồng thông tin hôm trước. Vì vậy, cá nhân tôi đã cố gắng hết mức để cập nhật từng ngày, thậm chí từng giờ để theo kịp diễn tiến của các sự kiện chính. Từ đó xâu chuỗi các vấn đề để chúng ta có thể theo dõi và sử dụng như một tư liệu. – tr 72
Trạng thái “bình thường mới” này có thể khiến những tập đoàn hàng không khổng lồ hay những tập đoàn dầu mỏ lừng danh sụp đổ. Nó buộc các tập đoàn chuyên sản xuất siêu xe thành nơi sản xuất máy thở. Trạng thái “bình thường mới” này có thể biến những “ngôi sao” hàng trăm triệu đôla như Ronaldo rớt giá xuống còn một nửa chỉ sau vài tuần.
Nó có thể biến những thương hiệu thời trang nổi tiếng thành nơi sản xuất khẩu trang. Nó có thể buộc những người không đeo khẩu trang phải ra đi, nằm lạnh lẽo ngoài nghĩa trang. Nó có thể biến những bộ đầm “tiền tỷ” thành trang phục đi đổ rác. Nó có thể bắt một biểu tượng sức mạnh quân sự (như tàu sân bay USS Roosevelt) phải kêu cứu thì nó cũng có thể buộc một đế chế đã tồn tại 5.000 năm phải sụp đổ mà không vì mũi tên viên đạn nào,…
Nhưng trạng thái “bình thường mới” đó cũng có thể đưa một đất nước đang ở vị thế “trung bình thấp” như Việt Nam lên một tầm cao mới. Nó có thể cho thấy một nền y tế linh động an toàn hơn một nền kinh tế có quy mô lớn. Nó có thể đưa một bài ca về “dịch tễ học” như Ghen cô Vy vươn xa khắp hành tinh thì nó cũng có thể biến kỹ sư nông nghiệp Hồ Quang Cua và cộng sự thành những “ngôi sao” trên bầu trời mới, bầu trời nông nghiệp Việt Nam, vốn bị nhấn chìm bởi công nghiệp hóa và toàn cầu hóa. Và nó có thể biến Đồng bằng Sông Cửu Long thành “nhà hát của những giấc mơ,” giấc mơ “được mùa giá cao” của những loại gạo Việt Nam ngon nhất thế giới.
Trạng thái “bình thường mới” có thể vá những “lỗ thủng tầng ozôn” vài chục năm qua chỉ trong một vài tháng. Nó cũng có thể lấy lại những không gian rộng lớn mà con người đã xâm chiếm của các loài để làm sân golf và khu nghỉ dưỡng (resort). Nó có thể làm nước biển ở Venice trong xanh chỉ sau vài ngày mà không cần đến một thiết bị lọc nước nào.
Nó có thể ngăn chặn hàng triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm đổ xuống lòng đại dương vì con người phải chuyển từ “ăn nhanh” sang “ăn chậm” và “ăn ít” đi, nó cũng có thể cứu hàng nghìn loài sắp tuyệt chủng. Nó có thể khiến các nhà máy ngừng xả nước thải độc hại giết chết các dòng sông. Nó có thể khiến các ông trùm khủng bố ngừng bắn và buộc các nhà máy vũ khí dừng sản xuất vì các vũ khí hạng nặng hay tối tân chẳng thể nào tiêu diệt được nó,…
Tại sao trạng thái “bình thường mới” có thể khiến thế giới của chúng ta thay đổi lớn đến như vậy? – tr186 + 187
Quá khứ của người Việt đã phải trải qua vô số cuộc chiến trong hàng nghìn năm lịch sử, họ thấu hiểu những mất mát đau thương khi buộc phải tham gia vào bất cứ cuộc chiến tranh nào. Nhưng có vẻ như cái “nghiệp chiến binh” đã vận vào họ nên gần như thế kỷ nào nước Việt cũng có chiến tranh. Dường như kinh nghiệm chiến đấu “nghìn năm” đã giúp họ có được những kỹ năng sống còn khi đối mặt với hiểm nguy. Trong những hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo họ lại phát huy được những phẩm chất tốt nhất của những con người biết chịu đựng: Nếm mật nằm gai. Và trong lúc khổ đau và mất mát họ lại phát huy được tình tương thân tương ái: Lá lành đùm lá rách.
Truyền thống
Truyền thống chống giặc ngoại xâm của người Việt trong lịch sử nghìn năm của dân tộc đã rèn luyện nên những phẩm chất tốt đẹp của những chiến binh thực thụ. Dù không phải là những người lính, những bác sĩ và nhân viên y tế của Việt Nam đã luôn chiến đấu trên 100% sức lực nơi tuyến đầu. Thậm chí, những tình nguyện viên chưa bao giờ nghĩ đến việc họ phải làm nhân viên trong các khu cách ly đã hy sinh quyền lợi cá nhân của mình cho những người đang cách ly (không phải bệnh nhân). Họ sẵn sàng nằm giữa lối đi giữa “màn trời chiếu đất” để nhường chỗ ngủ cho những người khác. Hàng nghìn sinh viên ngành y sẵn sàng lên tuyến đầu chống dịch dù họ biết rõ hơn ai hết mức độ nguy hiểm của CV và nguy cơ lây nhiễm cho mình và cả gia đình. – tr 190
Mua sách online tại Bookbuy.vn và nhận nhiều ưu đãi.
Đăng ký nhận bản tin
Đừng bỏ lỡ những tin nhắn ưu đãi độc quyền dành riêng cho bạn
NHẬN XÉT CỦA KHÁCH HÀNG
Chưa có đánh giá