Thư gửi con từ phòng họp (Lâm Vũ Thao, NXB Kim Đồng) là những câu chuyện nhỏ của một gia đình nhỏ. Alpha thích bánh flan vì nó ngon như mây. Pi nghĩ chữ U giống tóc con gái lúc xoay ngược. Ba của Alpha và Pi - “luật sư ban ngày, dịch giả ban đêm, và làm bố hai bạn nhỏ cả ngày lẫn đêm” - chỉ nấu giỏi duy nhất món cơm chiên trứng và thường đọc sách cho hai con mỗi tối.
Bây giờ, hai bạn đang mãi thắc mắc cắc cớ về thế giới xung quanh: Mặt trăng và Mặt trời có ở chung một nhà không hay tại sao xe cứ chạy mãi ngoài đường mà không ai gọi xe về nhà để ăn cơm?
Khi lớn lên, hai bạn hẳn sẽ khoái chí khi được đọc về thời thơ ấu của mình mà bố đã ghi lại trong tập sách nhỏ này. Lắng nghe cái dễ thương của gia đình này, những người đã làm cha làm mẹ khác sẽ nhớ đến và muốn ghi lại những dễ thương của gia đình mình. Nhưng viết nhẹ nhàng và tự nhiên như người cha Lâm Vũ Thao không dễ. Tác giả đã tránh được lối mòn “ui cha sến” và “đạo cha nghĩa mẹ” thường thấy khi viết về con cái và gia đình. Trẻ con khoái, người lớn đã có trẻ con được gợi cảm hứng, còn những người đã lớn chưa có trẻ con sẽ hiểu được tại sao “tất cả những người đàn ông trên thế giới đều nên có một cô con gái”.
(Nguồn: tuoitre.vn)
Gửi công chúa và hoàng tử của ba,
Cho dù công ty ba là một trong những công ty, ba có thể tự hào nói, làm việc hiệu quả hàng đầu thế giới thì vẫn không tránh khỏi có những buổi họp không hoàn toàn cần thiết, những bài trình bày tẻ ngắt, hoặc vấn đề thảo luận tại cuộc họp ba không quan tâm. Những lúc ấy, đầu óc ba vận hành theo chế độ tạm nghỉ: ba vẫn ngồi đó, vẫn tỏ vẻ lắng nghe, nhưng kỳ thực những biểu đồ, những chữ, những hình ảnh trên màn hình máy chiếu bắt đầu nhảy múa, những lời trình bày, thảo luận bắt đầu lò cò, không hẳn vào tai này ra tai kia, mà chắc là trộn lẫn vào nhau thành một bản hòa âm trong đầu, làm nền cho những ý nghĩ của ba bay ra khỏi phòng họp, đến với hai con. Nói cách khác, thân thể ba trong phòng họp, mà tâm hồn ba ngoài phòng họp. Ba nghĩ rằng đây cũng là cách đền bù những lúc ba ở bên hai đứa mà đầu óc lại dành cho một dự án dang dở, một cuốn sách cần đọc hay một vấn đề đau đầu cần giải quyết.
Đã rất nhiều lần ba nhớ về hai con như thế, cho dù có thể ba vừa mới chia tay hai con cách đó không lâu. Có thể chỉ chừng nửa tiếng trước đó, hai đứa leo xuống khỏi xe, vòng tay chào ba rồi vào lớp, và ba nhờ cô chú ý rèn Pi cách cầm muỗng: gần bốn tuổi rồi mà Pi vẫn cầm muỗng theo cách người ta cầm dao găm. Có thể chỉ non một tiếng trước đó, là tiết mục chọn quần áo, giày dép của Alpha - ba mẹ vẫn thường bối rối hỏi nhau con gái ba mẹ giống ai mà điệu thế, còn Alpha thì thường xuyên khẳng định “con xinh hơn mẹ tại vì con điệu hơn”. Đâu nhất thiết phải xa nhau thật lâu mới được quyền nhớ nhau. Ba đi công tác buổi sáng buổi chiều con gái đã nhớ ba thút thít, nên mới xa hai con một tiếng ba nhớ con âu cũng thường tình. Nhưng chắc chắn ba sẽ không thút thít trong phòng họp.
Lúc này, trong phòng họp, người trình bày vẫn đang hăng say, còn ba nhìn cô ta/anh ta đầy chăm chú. Ba đang nghĩ Alpha dạo này đang có khuynh hướng khẳng định bản thân mạnh mẽ hơn. Alpha thường xuyên bày tỏ thích/ không thích quyết liệt trước từng món ăn, trang phục, kênh hoạt hình, trò chơi, thậm chí cả việc em Pi có làm gì giống mình không. Ba mẹ biết ai cũng có quyền thích và không thích một cái gì đó, nhưng để cho công bằng, mẹ cũng phải bày tỏ sự quyết liệt của mình khi Alpha tuyên bố thẳng thừng không thích một món ăn mẹ mới nấu, còn ba, thành thực cũng dễ nổi khùng khi nghe những tiếng hấm, háy, với âm sắc chót vót của Alpha. Ba mẹ không mong ước Alpha sẽ trở thành một đứa trẻ luôn vâng lời, dễ bảo; nhưng giải thích với Alpha từng sự việc một, phân tích phải trái, chỉ cho con cái nên và không nên, hướng con đến cách hành xử thích hợp quả mất thời gian và khó khăn hơn rất nhiều. “Dân chủ” bao giờ cũng đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn “toàn trị”.
Lúc này, trong phòng họp, cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra, hình như người trình bày đang bị chất vấn về phương pháp chọn mẫu. Ba nhớ mùi của Pi. Pi có một thứ mùi nồng nồng, hăng hắc, khi mới tắm xong sạch sẽ thì Pi thơm như một con heo sữa, còn sau khi chạy nhảy một hồi, thì Pi đích thực có mùi của một con heo hôi. Hỏi Pi là con gì, Pi vẫn tự nhận mình là heo con đấy thôi. Ba lại nhớ Pi có cách cho “hệ thống tạm nghỉ” rất giống cách ba đang thực hành trong phòng họp mỗi khi ai đó hỏi Pi những câu Pi không quan tâm hoặc có thể Pi cho là quá nhàm chán, chẳng hạn con tên gì, con mấy tuổi, con thương ai. Những lúc đó, mặt Pi bơ bơ, như chẳng hề nghe câu hỏi, và nếu Pi mở miệng, đó sẽ không phải là một câu trả lời, mà là một câu hoàn toàn không liên quan, chẳng hạn như sao cái xe tăng này không chạy, hoặc hôm qua con không thấy cầu vồng đâu! Mai mốt lớn chắc Pi làm nhạc công, phụ trách dàn trống, còn không chắc làm chính khách.
Cuộc họp vẫn còn tiếp diễn, và ý nghĩ của ba hãy còn mông lung. Hãy biết rằng ba còn nhớ nhiều chuyện liên quan đến hai con nhưng không phải tất cả đều được ghi lại ở thư này, vì nếu thư quá dài, thì sau này khi biết đọc, Pi và Alpha biết đâu chẳng cho “hệ thống tạm nghỉ” trước khi đọc hết thư.
Thư bất tận ngôn
Ba
Nhà sách online Mời bạn đón đọc.
NHẬN XÉT CỦA KHÁCH HÀNG
Chưa có đánh giá